Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa

Việt Nam đã tham gia và đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), dẫn tới nhu cầu về việc xây dựng các hệ thống trung gian giao dịch cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường quốc tế. Do đó, Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa cũng cần phải sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành.

Sửa đổi Luật để phù hợp với thực tế

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa (gọi tắt là dự thảo Nghị định)

Theo ông Bùi Nguyễn anh Tuấn, các nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa được triển khai chi tiết từ Luật Thương mại 2005. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều luật có tác động đến lĩnh vực này như Luật Quản lý ngoại thương 2017, Luật An ninh mạng 2018, Luật Cạnh tranh 2018, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Các tổ chức tín dụng 2024... Do đó, để đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về hoạt động này.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc cần giải quyết. Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia và đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do ở cả cấp độ song phương và đa phương, dẫn tới nhu cầu về việc xây dựng các hệ thống trung gian giao dịch cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường quốc tế.

Vì vậy, nhu cầu đặt ra đòi hỏi các quy định pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hoá hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động này cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành có liên quan và sự phát triển của thị trường trong giai đoạn hiện nay.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: "Mục tiêu chung của Dự thảo Nghị định là hoàn thiện các quy định, chính sách để phát triển lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp và người dân; kiến tạo không gian phát triển mới cho lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa trên cơ sở hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro".

Chú thích ảnh
Nhiều quy định về giao dịch hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hoá cần được nghiên cứu để phù hợp với thực tế. Ảnh: MXV

Còn nhiều nội dung cần xem xét thêm

PGS.TS. Luật sư Đinh Dũng Sỹ cho biết, nghiên cứu toàn bộ nội dung dự thảo, ông nhận thấy phạm vi điều chỉnh của Nghị định là rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề mới, vượt ra ngoài phạm vi được phép quy định chi tiết mà Luật Thương mại cho phép và cũng vượt ra ngoài khái niệm mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hoá của Luật Thương mại. Trong đó có những vấn đề rất quan trọng như sàn giao dịch hàng hóa tương lai; Ủy ban kiểm soát giao dịch hàng hóa; công ty kinh doanh hàng hóa tương lai...

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, dự thảo Nghị định lại quy định rất nhiều nội dung trái với Luật Thương mại như: Thủ tục thành lập Sở GDHH (Mục 1, 2, 3 Chương II); Ủy ban kiểm soát giao dịch hàng hóa (Mục 5 Chương II); Công ty kinh doanh hàng hóa tương lai (Chương III); Quản lý đào tạo nghiệp vụ kinh doanh và nghiệp vụ môi giới hàng hóa (Chương VIII); Xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp (Chương XIV).  Do vậy, đề nghị bỏ những nội dung không được Luật Thương mại giao.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định đặt ra nhiều Điều, khoản điều chỉnh khía cạnh tranh, chống độc quyền; sử dụng những từ ngữ, khái niệm phổ biến của Luật Cạnh tranh năm 2018, thậm chí đặt ra những yêu cầu, thủ tục thông báo, tài liệu chứng minh giống hệt quy định của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn Luật này, mâu thuẫn với pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

“Nhiều yêu cầu bất hợp lý, không khả thi đặt ra cho doanh nghiệp, ví dụ: Điểm d khoản 9 Điều 11 (Hồ sơ đề nghị thành lập Sở giao dịch hàng hóa) còn yêu cầu ngay từ trước khi thành lập Sở, doanh nghiệp đã phải đề ra “biện pháp ngăn ngừa hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh thị trường, cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hàng hoá và các thị trường liên quan”, chuyên gia Ngô Trí Long cho hay.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng hiện có Thông tư Thông tư số 40/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có nội dung liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương và hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hoá. Tuy nhiên, căn cứ chức năng nhiệm vụ cũng như các nội dung được giao trong Luật Ngân hàng nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng đều không có điều khoản nào giao Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết hay hướng dẫn các nội dung về phái sinh giá cả hàng hóa. Trong khi đó, các hoạt động giao dịch hàng hóa thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và đã có 1 hệ thống các văn bản quy định về nội dung này. Do vậy, cần xem xét để bãi bỏ Thông tư 40/2016/TT-NHNN nêu trên. 

Bà Vũ Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế 2 Nghị định về Sở Giao dịch hàng hoá là  cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy vậy, bên cạnh 1 số điểm tiến bộ thì dự thảo cũng có khá nhiều vấn đề còn gây tranh cãi. Theo bà Thuỷ, nhiều nội dung của Dự thảo không được Luật Thương mại 2005 giao quy định chi tiết, vi phạm trách nhiệm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tại khoản 7 Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về “ban hành văn bản quy định chi tiết có nội dung ngoài phạm vi được giao quy định chi tiết”. Do đó, bà Thuỷ kiến nghị lược bỏ những nội dung không được Luật Thương mại giao quy định chi tiết.

Bên cạnh đó, một số vấn đề về thành lập và hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa tại Dự thảo chưa thống nhất với Luật Thương mại và các Luật có liên quan đối với việc thành lập Sở Giao dịch hàng hoá dẫn tới khó hiểu, khó áp dụng trên thực tế.

Về điều kiện thành lập Sở Giao dịch hàng hoá tại Khoản 1 Điều 9 quy định về vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu. Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định về các loại vốn này mà chỉ quy định đối với vốn điều lệ. Hoặc như việc Dự thảo quy định phải có Ủy ban kiểm soát trong mô hình tổ chức Công ty. Đây là quy định không phù hợp, bởi lẽ Luật Doanh nghiệp (Điều 54 và Điều 137) quy định Công ty cổ phần, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên có quyền lựa chọn mô hình tổ chức quản lý và hoạt động. Do vậy, cần rà soát, cân nhắc bổ sung nội dung làm rõ khái niệm của 2 loại vốn này, đảm bảo tính minh bạch, nhất quán trong áp dụng pháp luật, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Liên quan đến quy định về ký quỹ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hóa (Khoản 2 Điều 9), bà Thuỷ cho biết, trong bối cảnh số lượng các lĩnh vực ở Việt Nam yêu cầu ký quỹ hoạt động vào tài khoản phong tỏa gần như không còn, chủ yếu là ký quỹ vụ việc hoặc có ký quỹ hoạt động thì ở mức thấp thì nội dung quy định về ký quỹ hoạt động của Sở Giao dịch hàng hoá cũng nên cân nhắc lại, vì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Việc một khoản tiền lớn của doanh nghiệp bị đóng băng trong suốt thời gian dài (từ khi chờ cấp giấy phép và trong suốt thời gian hoạt động) là một bất cập rất lớn, gây cản trở cho hoạt động ổn định cũng như sự phát triển của doanh nghiệp. 

“Đề nghị điều chỉnh nội dung này theo hướng: Hoặc bỏ quy định về ký quỹ hoặc phương án khác là trong thời gian đề nghị cấp phép thì có thể phong tỏa khoản ký quỹ, nhưng khi đã được cấp giấy phép thì khoản tiền ký quỹ phải được giải tỏa 100% để doanh nghiệp hoạt động”, bà Thuỷ đề xuất.

Cũng theo bà Thuỷ, về quy định  Giấy phép thành lập, Giấy phép hoạt động Sở Giao dịch hàng hoá; Giấy chứng nhận hoạt động sàn giao dịch hàng hóa tương lai chuyên biệt, Luật Thương mại không quy định và không giao hướng dẫn loại hình kinh doanh “sàn giao dịch hàng hóa tương lai chuyên biệt”. Do vậy, đặt ra quy định về giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoạt động đối với “sàn giao dịch hàng hóa tương lai chuyên biệt” là chưa phù hợp quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cần xem xét lại bảo  đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Thu Trang/Báo Tin tức
Lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa
Lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa

Sáng 27/9, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 158/2006/NĐ-CP và Nghị định số 51/2018/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN