Hoàn thiện chính sách để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân là một trong những giải pháp được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra ngày 1/8 theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, mặc dù một số tồn tại, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội đã được giải quyết tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nhưng vẫn còn những nội dung "vướng" tại Luật Nhà ở và một số pháp luật khác có liên quan. Cùng đó là một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện...

Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế… Trong số đó có việc sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp; cụ thể như quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; quy hoạch, dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… Đồng thời, cần tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Bộ Xây dựng sẽ chủ trì lập, trình Chính phủ phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030) trong tháng 8/2022.

Để có cơ sở, số liệu lập Đề án, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương báo cáo trước 10/8/2022 các nội dung như: những dự án đang triển khai; dự án dự đã có vị trí, có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai; vị trí, quỹ đất quy hoạch nhà ở xã hội; lập kế hoạch triển khai (số lượng dự án, số lượng căn hộ, diện tích xây dựng, tiến độ cụ thể của từng dự án) thực hiện đầu tư các dự án nhà ở xã hội (giai đoạn từ nay đến năm 2030) đảm bảo nhu cầu của địa phương.

Cùng đó, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch định hướng cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn trong việc đầu tư nhà ở xã hội với số lượng dự án, số lượng căn hộ, diện tích xây dựng cụ thể tại các địa phương...

Về phía Bộ Xây dựng sẽ đảm nhận việc nghiên cứu dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, dự kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV.

Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại của Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Việc đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị cũng cần được sát sao trong thời gian tới; đồng thời, tăng cường thanh - kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Với các bộ, ngành liên quan, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương theo kế hoạch trung hạn và hàng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.

Bộ Tài chính cần nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở đối với trường hợp ưu đãi thuế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê. Đặc biệt, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Cùng với việc hướng dẫn cụ thể chế độ miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Tài chính cần nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại doanh nghiệp đó - Bộ Xây dựng đề xuất.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nghiên cứu chính sách ưu đãi không tính tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).

Để đảm bảo nguồn vốn cho phân khúc nhà ở này, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại được chỉ định, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi theo quy định của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo chính sách về nhà ở xã hội và Nghị quyết 11/NQ-CP.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì triển khai Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao) để phấn đấu triển khai 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.

Thu Hằng (TTXVN)
Còn những hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội
Còn những hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội

Sáng 1/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN