Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội:

Còn những hạn chế, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội

Sáng 1/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội nghị được kết hợp trực tiếp và trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ và UBND 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; lãnh đạo các Bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội; các ngân hàng, tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, cố gắng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, các chính sách về nhà ở xã hội đã giúp cho hàng triệu gia đình thuộc đối tượng chính sách đã được cải thiện nhà ở.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bộ Xây dựng đề xuất một số nhiệm vụ, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành các dự án đã triển khai đầu tư xây dựng (156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ) và các dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư (245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ); tiếp tục khởi công các dự án mới; đến năm 2030, hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp.

Cũng theo Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội còn có một số tồn tại, khó khăn cả về các quy định pháp luật như trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng, mua - bán nhà; việc xác định giá; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; xác định đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; về thực hiện miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư; đặc biệt có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện như liên quan bố trí vốn, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội; nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành báo cáo về tình hình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phát triển nhà ở xã hội; việc thực hiện các ưu đãi tài chính phát triển nhà ở xã hội; phân bổ tín dụng, giải ngân phát triển nhà ở xã hội... Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đã phát biểu thảo luận, phân tích kết quả, nhất là hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội; tìm ra nguyên nhân; đề xuất các giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho rằng, các quy định về việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay còn bất cập, trong đó mới có các doanh nghiệp tham gia đầu tư; chưa cho phép sự tham gia của người dân, nhất là công nhân, người dân tham gia. Do đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội phải có sự tham gia của nhiều đối tượng hơn, đặc biệt phải có sự tham gia của đầu tư công, hoặc giao cho doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, nhưng rất cần có sự tham gia của Nhà nước. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đối với công tác này, trong đó phải có quy hoạch, dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, với giá nhà ở xã hội như hiện nay, công nhân và người thu nhập thấp rất khó có thể tiếp cận được nhà ở xã hội. Cùng với đó, việc phát triển quỹ nhà ở xã hội phải phù hợp với quy hoạch chung phát triển nhà ở đô thị, nhà ở nông thôn; các quy chuẩn, tiêu chí, tiêu chuẩn của nhà ở xã hội phải phù hợp với quy chuẩn, tiêu chí, tiêu chuẩn và hạ tầng kỹ thuật chung. Đặc biệt, chính quyền địa phương và doanh nghiệp phải phối hợp không để xảy ra tình trạng mật độ công nhân quá đông khiến quá tải hạ tầng...

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng cần có xem xét quy định liên quan 20% diện tích trong khu đô thị, khu nhà ở thương mai cho nhà ở xã hội. Đặc biệt, việc phát triển nhà ở xã hội ở nước ta cần nghiên cứu, học tập và áp dụng các mô hình phát triển nhà ở xã hội tại một số nước có các điều kiện tương đồng với Việt Nam đã làm hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đã tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội, nhà cho thuê, đặc biệt là nhà cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp chưa đủ điều kiện để mua. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có điều kiện đầu tư mạnh hơn, Thành phố tập trung xây dựng nhà ở xã hội, cố gắng xây dựng 70.000 căn trong thời gian tới.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng cần thiết có cơ chế tài chính trong từng phương án cụ thể liên quan đến quỹ đất, quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư. Thành phố mong muốn phấn đấu đến năm 2025, đúng dịp kỷ niệm 55 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ thực hiện được các dự án này.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes Phạm Thiếu Hoa, để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp rất cần Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp.

Đại diện Vingroup đề nghị chủ doanh nghiệp có đất hoặc thu mua đất làm nhà ở xã hội xin được cơ chế chỉ định thầu, chứ không đấu thầu, còn các chỉ tiêu do cơ quan nhà nước phê duyệt; các địa phương điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thì cho phép doanh nghiệp tài trợ hoặc tham gia vào điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các dự án nhà ở xã hội để đẩy nhanh tiến độ, còn các chỉ tiêu, quy hoạch về dân số, hạ tầng do các cơ quan nhà nước phê duyệt chứ doanh nghiệp không tham gia vào việc này...

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group đề nghị mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội đối với tổ chức (có thể là doanh nghiệp) mua nhà ở xã hội để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính doanh nghiệp đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.

Bên cạnh đó, trường hợp địa phương đã bố trí quỹ đất dành cho nhà ở xã hội đảm bảo nhu cầu của địa phương, thì cũng mong các bộ, ngành xem xét không cần bố trí thêm quỹ đất nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Theo ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, việc giải quyết nhà ở cho xã hội trong giai đoạn vừa qua khá tự phát, đa số là nhà trọ. Như vậy, nếu chúng ta nâng chính sách cũ thành chính sách mới để hỗ trợ cho các đối tượng, toàn bộ người dân đều vào cuộc thì sẽ tốt.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đại diện của Bitexco cho rằng phải để doanh nghiệp thực thi các dự án nhà ở xã hội một cách dễ dàng, không để doanh nghiệp phải có quá nhiều đầu mối, đi gặp quá nhiều các cơ quan… Do đó, Chính phủ nên nghiên cứu giao một đầu mối, một cơ quan có đủ thầm quyền đưa ra quyết định...

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, thị trường phát triển nhà ở xã hội rất lớn, với 1 triệu căn hộ; cho đến nay, nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia phát triển nhà ở xã hội. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội, song quá trình thực hiện nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ.

Việc Thủ tướng trực tiếp chủ trì Hội nghị này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công nhân, những người còn khó khăn và doanh nghiệp; đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cùng tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp đạt mục tiêu như mong muốn.

TTXVN sẽ cập nhật kết luận hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phạm Tiếp (TTXVN)
Tiếp tục triển khai hơn xây dựng hơn 450.000 căn nhà ở xã hội
Tiếp tục triển khai hơn xây dựng hơn 450.000 căn nhà ở xã hội

Đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2. Hiện đang tiếp tục triển khai 401 dự án với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn có tổng diện tích khoảng 22.718.000 m2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN