Hòa Bình: Kết nối, nâng cao giá trị cam Cao Phong cùng các nông sản chủ lực

Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 7 và Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm 2022 diễn ra tối 25/11. Sự kiện do UBND huyện Cao Phong (Hòa Bình) tổ chức. Đây là dịp để quảng bá hình ảnh sản phẩm cam Cao Phong cùng các nông sản chủ lực khác của địa phương.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình Nguyễn Phi Long tặng hoa chúc mừng Lễ hội cam Cao Phong. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Tại buổi khai mạc, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Quách Văn Ngoan nhấn mạnh, với nhiều hoạt động phong phú và xác định rõ trọng tâm, Lễ hội là dịp để quảng bá, phát triển mạnh mẽ hơn thương hiệu cam Cao Phong.

Chú thích ảnh
Các đại biểu bấm nút khai mạc Lễ hội cam Cao Phong. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Qua đây, tạo cơ hội giao lưu kinh tế, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, tìm kiếm liên kết vùng cho sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có các loại cây ăn quả có múi của tỉnh và sản phẩm cam của huyện. 

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan các gian hàng. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Lễ hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực của các cấp, ngành cũng như toàn xã hội trong việc bảo vệ, phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Mặt khác, Lễ hội quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu cam Cao Phong; giới thiệu hình ảnh, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của huyện; tạo cơ hội cho doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao thương hiệu cam cũng như các thương hiệu nông sản khác, hướng tới kích cầu tiêu dùng trong nước, tạo sự kết nối để nâng cao chuỗi giá trị của cam Cao Phong cũng như nông sản chủ lực của huyện. 

Chú thích ảnh
Cam lòng vàng là một sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Cao Phong. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
Chú thích ảnh
Các gian hàng giới thiệu sản phẩm cam Cao Phong tại lễ hội. Ảnh: Trọng Đạt/TXVN

Để phát huy thế mạnh, tiềm năng của địa phương, thời gian qua, huyện Cao Phong triển khai đồng bộ các giải pháp, bám sát định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Riêng đối với vùng trung tâm, chủ trương của huyện là tập trung phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cam, quýt, bưởi, mía… Đến nay, toàn huyện có trên 1.740 ha cây ăn quả có múi, trong đó khoảng 1.357 ha cam, tổng sản lượng năm 2022 ước đạt trên 20.000 tấn. 

Chú thích ảnh
Cam Cao Phong vào mùa thu hoạch với những cành trĩu quả. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Lễ hội và hội chợ có khoảng 200 gian hàng, trong đó có 70 gian hàng trưng bày, bán sản phẩm cam, quýt, bưởi đặc sản..., khoảng 120 gian hàng thương mại tổng hợp, chia thành các khu của làng nghề truyền thống, công ty du lịch, gian hàng ẩm thực, gian hàng giới thiệu sản phẩm thuộc chương trình OCOP của địa phương... Bên cạnh đó còn có hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm nét văn hóa như trò chơi dân gian, hát giao duyên, tham quan du lịch sinh thái, trải nghiệm ẩm thực món ăn dân tộc… 

Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 7 và Hội chợ thương mại huyện Cao Phong năm 2022 diễn ra từ ngày 25/11 - 2/12/2022.

Thanh Hải
Hòa Bình chú trọng phát triển sản phẩm cây ăn quả có múi  
Hòa Bình chú trọng phát triển sản phẩm cây ăn quả có múi  

Tỉnh Hòa Bình thuộc vùng Trung du miền núi Bắc bộ, có diện tích sản xuất cây ăn quả có múi khá lớn, chiếm 5% diện tích của cả nước. Hiện quả có múi đã được xác định là một trong 9 loại nông sản chủ lực của tỉnh. Đây cũng là một trong số những sản phẩm nông nghiệp tạo được thương hiệu của địa phương. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN