Hướng tới đưa thương hiệu cam Cao Phong vươn ra thế giới

Thương hiệu cam Cao Phong đã gắn liền với địa danh huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình nhiều năm nay, với các loại như: Cam lòng vàng, cam Xã Đoài, cam canh và cam V2... bắt đầu ra quả từ tháng 9 cho đến khoảng giữa tháng 3 năm sau.

Chú thích ảnh
Đại biểu tham quan các gian trưng bày, giới thiệu nông sản tại Hội chợ nông nghiệp và Triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du miền núi phía Bắc - Tuần lễ cam Cao Phong năm 2020, tối 6/11, tại Trung tâm văn hóa huyện Cao Phong (Hòa Bình).

Được biết đến như là một trong những vựa cam lớn nhất miền Bắc, chính quyền và người dân địa phương đã ngày càng chú trọng hơn trong việc xây dựng, khẳng định vững chắc thương hiệu của mình ở trong tỉnh, cũng như trên toàn quốc. 

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình cho biết, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ triển khai kế hoạch và thực hiện những giải pháp cụ thể để nâng tầm chất lượng các sản phẩm từ cam Cao Phong, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra thị trường ngoài nước. Phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường nông nghiệp sạch.

Tháng 11/2014, cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Qua đó, trở thành một trong 39 sản phẩm của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Liên minh châu Âu. Với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Cam Cao Phong là sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cao khi đến tay người tiêu dùng.

Từ đó, các chuỗi đơn vị bán lẻ nổi tiếng như: Big C, VinMart, Metro, BRG... luôn nhận nguồn hàng cam Cao Phong ổn định về giá để cung cấp sản phẩm chất lượng nhất cho người tiêu dùng.

Vụ mùa 2020-2021, huyện Cao Phong có trên 3.000 ha trồng cam các loại, trong đó, diện tích trồng cam kinh doanh vào khoảng 1.790 ha. Sản lượng dự kiến trong năm 2021 đạt trên 38.000 tấn. Cùng với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung hình thành như: Bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi diễn tại Lương Sơn và với 35 mô hình hợp tác xã chuyên sản xuất cây ăn quả có múi trong toàn tỉnh Hòa Bình thì vùng cam Cao Phong cũng đã và đang thực hiện rất tốt từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2019, huyện Cao Phong có 5 sản phẩm về cam được đánh giá, xếp hạng trong Chương trình mỗi xã Một sản phẩm (OCOP). Trong số đó có 2 sản phẩm 4 sao là: nước cam tươi lên men và cam quà tặng cao cấp của Hợp tác xã Hà Phong; 3 sản phẩm 3 sao gồm: cam quà tặng cao cấp của Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong, nước cốt cam và mứt ruột cam của Hợp tác xã Hà Phong.

Sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ trái cam của huyện Cao Phong chất lượng tốt, hình thức, mẫu mã đẹp và có sức cạnh tranh cao. Từ năm 2015 đến nay, huyện Cao Phong đã phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình tổ chức 5 lễ hội cam Cao Phong để quảng bá thương hiệu cam Cao Phong đến với du khách thập phương, cùng nhiều hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm khác tại các địa phương trong cả nước. Qua đó, đã giúp sản phẩm cam Cao Phong duy trì được niềm tin của người tiêu dùng cũng như tạo được uy tín với các nhà phân phối lớn như Big C, VinMart, Metro, BRG...

Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Quách Văn Ngoan cho biết, trong những năm qua quỹ đất trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong tăng lên nhanh chóng bởi nhiều doanh nghiệp cá nhân đầu tư trồng cam. Tuy nhiên, để tránh các rủi ro từ việc phát triển trồng cam manh nha, tự phát, UBND huyện Cao Phong đã có những chủ trương, quy hoạch cụ thể về diện tích trồng cam nhằm kiểm soát dịch bệnh, chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm bảo vệ thương hiệu cam Cao Phong.

Thời gian qua, huyện Cao Phong đã tăng cường các lực lượng chức năng trong công tác quản lý và kiểm soát các điểm thu hoạch, cung ứng cam nhằm tránh việc trộn lẫn các loại cam khác ra ngoài thị trường làm ảnh hưởng đến thương hiệu cam Cao Phong. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã áp dụng thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc trên mỗi quả cam, có bao bì logo riêng của các đơn vị sản xuất, từng bước chuyên nghiệp hóa sản phẩm cam Cao Phong hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chính quyền huyện Cao Phong luôn khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP vào quy trình chăm sóc và chế biến cam; kiên định sản xuất theo hướng xanh sạch dùng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh); tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc bón bổ sung các nguyên tố vi lượng an toàn trong quá trình phát triển quả; xây dựng và phát triển các hợp tác xã làm cầu nối liên kết giữa sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cam với thị trường (Hợp tác xã 3T, Hợp tác xã Hà Phong...).

Đến thời điểm này cam Cao Phong đã có thương hiệu của riêng mình, vì vậy chính quyền cùng các sở, ban ngành chức năng tỉnh Hòa Bình và UBND huyện Cao Phong cần có những chiến lược cụ thể để gìn giữ thương hiệu, phát triển kinh tế một cách bền vững. Đồng thời, tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các quy trình sản xuất hướng tới mục tiêu xuất khẩu cam Cao Phong ra thị trường thế giới.

Tin, ảnh: Trọng Đạt (TTXVN)
Tôn vinh thương hiệu cam và nông sản tỉnh Hà Tĩnh
Tôn vinh thương hiệu cam và nông sản tỉnh Hà Tĩnh

Tối 2/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã dự Lễ hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất, tổ chức tại Trung tâm Văn hóa và Triển lãm tỉnh Hà Tĩnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN