Tổ hợp tác sản xuất cam sành hướng VietGap thôn 4 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên được thành lập từ năm 2013 với 5 hộ thành viên, diện tích trồng cam 16 ha. Triển khai mô hình cam sạch VietGap, tổ hợp tác được dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP) Tuyên Quang (Gọi tắt là dự án Tam nông) hỗ trợ 156 triệu đồng đầu tư mua máy móc trong sản xuất theo hướng VietGap. Qua thời gian triển khai, hầu hết các hộ tham gia tổ hợp tác nhận thấy sản phẩm cam sành VietGap có chất lượng cao và tiêu thụ dễ hơn so với cam trồng theo phương pháp truyền thống.
Cam được phân loại trước khi được đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Quang Cường/TTXVN. |
Ông Lương Văn Nho, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng cam hướng VietGap, thôn 4 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang cho biết, trồng cam theo hướng VietGap có nhiều lợi thế, năng suất tăng, mẫu mã đẹp, chất lượng của quả cam được cải thiện. Ngòai ra, chi phí đầu tư sản xuất thấp hơn so với trồng cam thông thường và đầu ra cho sản phẩm luôn được đảm bảo. Trước những ưu điểm này, năm 2016 tổ hợp tác có thêm 13 hộ xin tham gia vào tổ hợp tác .
Gia đình ông Lương Văn Nho có 4 ha tham gia tổ hợp tác trồng cam hướng VietGap. Tham gia tổ hợp tác, gia đình ông được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chăm sóc cam đúng quy trình kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc và đúng cách”.
Ngoài ra, cán bộ khuyến nông khuyến khích ưu tiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Đồng thời, kết hợp sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân khoáng, tỉa cành tạo tán hợp lý từ đó giảm chi phí chữa bệnh cho cam; cải thiện năng suất, mẫu mã chất lượng sản phẩm. Mùa cam năm 2015, gia đình ông Nho thu hoạch được trên 90 tấn quả, trừ chi phí thu lãi trên 500 triệu đồng. Năm 2016, với 4 ha trồng cam, ông Nho dự kiến thu hoạch trên 100 tấn quả.
Ông Lương Văn Nho chia sẻ, trước đây gia đình trồng cam theo cách thông thường, mẫu mã và chất lượng của quả không đồng đều, thường bị thương lái trả giá thấp. Từ khi trồng cam theo hướng VietGap, năng suất và chất lượng của quả cam tăng cao từ đó thu nhập của gia đình tăng lên.
Xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang được coi là “rốn cam” của huyện với hơn 2.500 ha trồng cam, sản lượng trung bình trên 20.000 tấn quả mỗi năm. Ba năm trở lại đây xã triển khai sản xuất cam sành theo hướng VietGap trên diện tích 10 ha với 100% hộ trồng cam trong xã cũng tự nguyện ký cam kết sản xuất cam theo hướng sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Đỗ Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, sản phẩm cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap luôn được thương lái chọn mua trước vì chất lượng tốt và để được lâu. Sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap không chỉ góp phần giữ vững uy tín sản phẩm cam sành của địa phương mà còn tăng hiệu quả kinh tế của cây cam lên trên 30 triệu đồng/ha so với cam trồng theo cách thông thường.
Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hàm Yên cho biết, theo định hướng đến năm 2020, huyện có kế hoạch tập huấn cho 100% hộ trồng cam trên địa bàn kỹ thuật sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap, phấn đấu mở rộng diện tích trồng cam VietGap lên trên 1000 ha. Để giữ vững thương hiệu, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người trồng cam, huyện Hàm Yên xác định việc sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap là hướng đi bền vững cho cam Hàm Yên. Đây cũng là điều kiện để cam sành nơi đây tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.
Năm 2016, huyện Hàm Yên có tổng diện tích trồng cam trên 5.000 ha, sản lượng ước đạt gần 51.000 tấn, doanh thu ước đạt trên 500 tỷ đồng. Nhờ trồng cam, nhiều gia đình ở Hàm Yên đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá, giàu, có hộ đã thành tỷ phú. 10 năm trở lại đây, cây cam sành thực sự trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế của người dân nơi đây.