Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn mới đây về tình hình xuất nhập khẩu nông sản, đặc biệt là tình hình ùn ứ các mặt hàng hoa quả tươi trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Vũ Huy Hoàng đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu, đặc biệt là mặt hàng dưa hấu, thanh long. Gỡ khó trong tiêu thụTrong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa nền kinh tế, tích cực hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới đất liền ngày càng được chú trọng, quan tâm phát triển. Hoạt động thương mại biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và các nước láng giềng có chung đường biên giới tồn tại dưới các hình thức chính: Hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới, trao đổi hàng hóa của các dân cư biên giới, hoạt động thanh toán trong thương mại biên giới. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu của Trung ương, các tỉnh biên giới, nhất là các tỉnh phía Bắc Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai đã thực hiện thêm chức năng xuất nhập khẩu ủy thác, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa qua biên giới để hưởng hoa hồng.
Bãi xe tại cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn thời gian qua luôn trong tình trạng quá tải.Ảnh: Thái Thuần – TTXVN |
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Trung Quốc để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại hai chiều. Đồng thời phối hợp các cơ quan truyền thông, cung cấp tình hình xuất nhập khẩu và số liệu cụ thể để giúp các cơ quan chức năng quản lý, dự báo, khuyến cáo doanh nghiệp, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp và người nông dân trồng nông sản. Để có giải pháp khắc phục tình trạng bất cập trong xuất khẩu nông sản hiện nay qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các cục, vụ của bộ để đề xuất, tham mưu với Chính phủ đầu tư xây dựng khu trung chuyển hàng hóa nằm trong quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Trong đó, bao gồm kho chứa hàng hóa, kho sơ chế bảo quản nông sản, bãi đỗ phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu…; đảm bảo cơ sở vật chất cho các lực lượng tại cửa khẩu thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu.
Cùng với đó lãnh đạo các tỉnh có cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc tham gia Đoàn đàm phán Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp tại Trung Quốc trong năm 2015 để từng bước triển khai mô hình hợp tác xuyên biên giới, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các địa phương có chung đường biên giới. Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cửa khẩu, tăng cường năng lực kết nối, đẩy mạnh đầu tư của doanh nghiệp và hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực.
Thời gian qua do vào chính vụ thu hoạch dưa hấu và thanh long nên các tư thương và doanh nghiệp ồ ạt chở lên cửa khẩu để xuất bán sang Trung Quốc dẫn đến tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu. Mặc dù chính quyền và các lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp cụ thể như rút ngắn thời gian thông quan, kéo dài thời gian làm việc trong ngày từ 7 giờ đến 20 giờ; phân luồng phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tài sản và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu cũng như tạo mọi điều kiện để hỗ trợ hoạt động thương mại của doanh nghiệp… nhưng đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Theo ông Nguyễn Thế Tuy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn: “Trong thời gian tới Lạng Sơn sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, cụ thể để tạo môi trường thực sự thuận lợi, thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu tại Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Kiểm tra, đôn đốc triển khai đẩy nhanh tiến dộ các dự án trọng điểm thuộc Khu kinh tế cửa khẩu”.
Bên cạnh đó các địa phương vùng Tây Bắc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; tích cực cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp tục tạo điều kiện cho phát triển sản xuất công nghiệp, quan tâm phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã. Nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp, Quỹ hỗ trợ hợp tác xã, chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Cần chính sách dài hạnÔng Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, có thể tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu sẽ còn tiếp diễn trong các năm tới, vì vậy về lâu dài cần có chính sách quy hoạch hợp lý, giảm giảm thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, đề xuất với các bộ, ngành liên quan để có cơ chế chính sách, quy hoạch các vùng trồng, chế biến rau quả, phân phối phù hợp theo nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc. Cùng với đó là phát triển công nghiệp chế biến, thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Phát triển cơ sở hạ tầng cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) tốt hơn, rộng hơn và giữ được chất lượng hoa quả lâu hơn.
Tổng cục Hải quan cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển từ buôn bán tiểu ngạch sang chính ngạch, có hợp đồng ngoại thương theo thông lệ quốc tế. Như vậy mới có thể giảm được rủi ro khi xuất khẩu hoa quả sang thị trường Trung Quốc.
Hải quan, biên phòng thống nhất với nhau kéo dài thời gian làm thủ tục thông quan trong ngày tới khi nào phía Trung Quốc tạm dừng thì thôi. UBND tỉnh Lạng Sơn dự báo trước được tình hình nên cũng đã thành lập tổ công tác liên ngành điều hành xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu, cùng các lực lượng khác có trách nhiệm điều phối. Các xe ùn tắc đã được lực lượng chức năng bố trí từ ga Đồng Đăng dọc theo quốc lộ 4A lên cửa khẩu Tân Thanh, khi nào trong cửa khẩu có khả năng tiếp nhận thì mới cho xe vào.
Thái Thuần-Hoàng Tùng