Hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt

Thực hiện đề án thí điểm của Chính phủ về việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt để khai thác thủy sản xa bờ, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã đóng mẫu 6 tàu cá vỏ sắt cho các địa phương. Những chiếc đầu tiên được bàn giao cho ngư dân ra khơi và bước đầu đã phát huy hiệu quả, đặc biệt giúp ngư dân bám biển ở những ngư trường xa bờ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển.


Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC (ảnh) xung quanh vấn đề này.

 

 

 

Ông có thể cho biết tổng thể đề án thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt?


Thực hiện chủ trương của Chính phủ, SBIC là một trong những đơn vị được giao thực hiện đề án. SBIC đã cử các kỹ sư đến các tỉnh ven biển như Quảng Ngãi, Nam Định, Quảng Bình, huyện đảo Lý Sơn… để khảo sát, hỏi ý kiến ngư dân, chi cục thủy sản các địa phương xem mô hình tàu đánh cá vỏ thép nào là thích hợp nhất.

 

Sửa chữa tàu tại Công ty cổ phần cơ khí đóng tàu Nghệ An. Ảnh: Lan Xuân- TTXVN


Tính đến thời điểm này, có 4 trong số 6 mẫu tàu vỏ thép do SBIC thử nghiệm đã được ngư dân chấp nhận. Trong đó, mẫu tàu chụp mực sẽ được bàn giao cho ngư dân Quảng Bình vào cuối tháng 6; tàu cá lưới kéo đôi sẽ được bàn giao cho ngư dân Thái Bình vào tháng 7. Riêng với 2 mẫu tàu câu cá ngừ đại dương và tàu dịch vụ hậu cần, SBIC vẫn tiếp tục nghiên cứu. Trước đó, chúng tôi đã bàn giao cho ngư dân một số tầu mẫu. Sau khi bàn giao, ngư dân đã đưa tàu đi đánh cá và có những đánh giá tích cực về mô hình tàu cá vỏ sắt.


Dự kiến, SBIC sẽ đưa ra 6 - 10 mẫu tàu phù hợp với tập quán đánh bắt từng vùng, từng phương thức đánh bắt khác nhau, gồm tàu lưới rê, lưới kéo, lưới vây, tàu trục mực, tàu câu cá ngừ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá... Về mặt kỹ thuật, SBIC không có vấn đề gì lo ngại, bởi vì các công ty thành viên của SBIC đã đóng nhiều tàu công nghệ phức tạp, kỹ thuật cao hơn. Mục tiêu của SBIC là tiếp thu và sớm đưa ra các mẫu tàu thực sự phù hợp với ngư dân các vùng miền. Tuy nhiên, SBIC cho rằng, muốn có được những con tàu thép hóa chất lượng, giá thành rẻ thì phải theo hướng sản xuất hàng loạt theo thiết kế để tiết kiệm cho ngư dân.

 

Ông có thể chia sẻ những ưu thế của tàu cá vỏ sắt mà SBIC đang đóng cho ngư dân?


Tàu vỏ cá vỏ sắt bền hơn và có tuổi thọ gấp 3 lần (tới 30 năm) so với tàu gỗ. Tàu vỏ sắt chạy nhanh hơn, cơ động hơn, bền hơn tàu gỗ. Tàu có thể chịu được gió cấp 9, trong khi tàu gỗ chỉ chịu đến cấp 6. Vì thế, tàu cá vỏ sắt giúp ngư dân bám biển được dài ngày hơn trên các ngư trường xa bờ, qua đó nâng cao hiệu quả đánh bắt. Theo tính toán, với lợi thế của tàu cá vỏ sắt hiện đại, ngư dân có thể thu hồi vốn trong vòng 3 - 5 năm (khoảng 4 - 5 tỷ đồng). Một số ngư dân làm ăn hiệu quả có thể thu hồi vốn ngay trong vòng 1 - 2 năm.


Tàu sắt sẽ có kết cấu thân vỏ bền và an toàn hơn. Khoang được chia ra làm nhiều khoang, nên trong trường hợp bị thủng một khoang, tàu cũng không bị chìm. Bên cạnh đó, tàu thép trữ được nước, nhiên liệu, lương thực nhiều hơn, tạo điều kiện sinh hoạt ăn ở cho thuyền viên tốt hơn. Các khoang cá được thiết kế đúng quy chuẩn nên thời gian bảo quản cá được dài hơn, mức tiêu hao nhiên liệu ít hơn và thời gian đánh bắt trên biển cũng dài hơn với khoảng 2 tuần đến 1 tháng. Ngoài ra, tàu cá vỏ sắt còn trang bị máy dò cá, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại… Hiện nhiều địa phương có hiệp hội nghề cá đã đề xuất với SBIC sớm triển khai chương trình đóng tàu cá vỏ sắt.

 

Để thực hiện thành công dự án trên, bên cạnh sự ưu đãi về tín dụng, Nhà nước cần có thêm chính sách gì, thưa ông?


Hiện nhiều ngư dân có nhu cầu mua máy cũ vì có giá rẻ hơn, nhưng đây là bài toán khó cho đơn vị đóng tàu. Theo SBIC, nên dùng động cơ mới vì dễ dàng cho việc đặt hàng sản xuất đồng loạt và sẽ bảo đảm chất lượng, kéo dài tuổi thọ của máy, cũng như tiết kiệm nhiên liệu.


Mặt khác, tất cả dịch vụ hậu cần cũng như hạ tầng hiện nay (cửa sông, biển, luồng ra vào cảng)… đều phục vụ cho tàu vỏ gỗ. Nên khi phát triển một đội tàu vỏ thép số lượng lớn, cần tính tới bài toán tổng thể về chiến lược phát triển thủy sản, kế hoạch thực hiện cụ thể từ phương tiện, quá trình đánh bắt, bảo quản đến phân phối…


Chỉ đơn cử một vấn đề nhỏ là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ phục vụ chung cho cả tàu vỏ gỗ và tàu vỏ thép. Nhiều ngư dân lo ngại, khi neo tàu vỏ gỗ vào tàu hậu cần vỏ thép dễ va chạm dẫn đến vỡ tàu. Những sự cố như thế này đều phải được lường trước, tính toán kỹ phương án phòng tránh.


Trong số các tàu được đóng mới, SBIC cũng sẽ đưa ra mẫu tàu dịch vụ cho ngư trường, có thể làm đá, bảo quản và sơ chế hải sản ngay trên tàu trong những chuyến đi biển dài ngày. Đây là những chiếc tàu đòi hỏi số vốn rất lớn nên Nhà nước cần phải đứng ra tài trợ và phát triển dịch vụ này.


Xin cảm ơn ông!


Quang Toàn (thực hiện)

Ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ sắt
Ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ sắt

Mới đây, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết với tỉnh Bình Định và Công ty CP Thủy sản Bình Định triển khai chương trình đóng mới tàu vỏ sắt, giúp ngư dân vươn khơi xa đánh bắt hải sản. Tổng số tàu được đóng mới theo chương trình này là 27 tàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN