Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho rằng mẫu tàu sắt nên dựa trên ý tưởng của ngư dân:
*Vinashin đưa ra 3 mẫu tàu bằng thép thiết kế cho ngư dân, quan điểm của ông về mẫu tàu này?
Theo quan điểm cá nhân tôi, tôi cho rằng quyết định mẫu tàu phải chờ tổng hợp từ ý kiến, nhu cầu, nguyện vọng của ngư dân.
3 mẫu tàu Vinashin giới thiệu mới chỉ là tàu mẫu, cái chính là tàu thiết kế phải gắn với hiệu quả trong quá trình vận hành nghĩa là làm sao để tàu ra khơi được, rồi máy móc, thiết bị phải phù hợp với điều kiện thực tế.
* Vậy, tàu cá phải để cho ngư dân chọn mẫu và họ là cổ đông của tàu?
Theo tôi, mẫu tàu để ngư dân lựa chọn. Thực tế, từ việc vận hành tàu phải phù hợp với trình độ, điều kiện truyền thống của ngư dân.
Thứ hai, nếu để ngư dân được là cổ đông toàn con tàu thì đó là điều tốt nhất, thông qua việc ngư dân tự bỏ tiền hoặc từ những chính sách hỗ trợ của nhà nước sẽ giúp ngư dân có trách nhiệm, ý thức về tài sản của mình. Chỉ có như vậy việc ra khơi mới được đẩy mạnh, phát triển tốt nhất.
Vấn đề quan trọng cần phải quan tâm là các vũng neo đậu, là cơ sở chính để tàu thuyền của ngư dân có địa điểm tránh, trú bão hoặc khi có sự cố ngoài biển, nếu gặp tai nạn, ngư dân có chỗ để tránh trú, sửa chữa cũng là cơ sở để bảo vệ tài sản cho ngư dân.
* Trước tình hình đang xảy ra va chạm giữa tàu cá ta với Trung Quốc, thiết kế thế nào để bảo vệ được tài sản tính mạng của ngư dân?
Tôi cho rằng, chính phủ hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu sắt để gắn bảo vệ chủ quyền cũng như bảo vệ tài sản, tính mạng của ngư dân trong thiên tai, bão lũ cũng như những sự cố khác, phục vụ việc đánh bắt hiệu quả.
Khi người dân ra khơi đánh bắt, đã là hành động thể hiện quyền chủ quyền, vừa là phát triển kinh tế vừa là bảo vệ chủ quyền. Do đó, việc đóng tàu sắt nâng cao hiệu quả bảo vệ được tài sản, an toàn cho ngư dân mà có tính toán làm sao cho kinh tế đạt hiệu quả tốt nhất và hiệu quả đầu tư là tốt nhất.
* Có ý kiến cho rằng, mẫu tàu phù hợp với từng đối tượng đánh bắt, không thể đưa tàu câu cá mực đi đánh bắt cá ngừ?
Tôi cho rằng, mẫu tàu phải tùy thuộc vào phong tục, tập quán đánh bắt, ngành nghề đánh bắt của từng địa phương để cơ quan thiết kế nghiên cứu thiết kế nhiều mẫu cho phù hợp.
Chúng ta làm thí điểm vài mẫu tàu sắt, rồi giao cho ngư dân vận hành thử, sau đó họ sẽ có những góp ý và hoàn thiện.
Trước đó, Quảng Ngãi cũng đã có đề xuất xin đóng tàu cho ngư dân và làm việc với cơ sở đóng tàu Dung Quất để dự kiến mẫu tàu sau đó triển khai làm thí điểm. Ngư dân sẽ đóng góp ý kiến về mẫu tàu phù hợp trước khi làm hàng loạt, tránh tình trạng đóng tàu xong mà không hoạt động dẫn tới lãng phí.
Trên cơ sở là ý tưởng của ngư dân, mẫu tàu phải đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đánh bắt thực tế và khoa học kỹ thuật để đem lại hiệu quả nhất.
Mẫu tàu phải đa dạng, phù hợp với từng vùng biển, trình độ điều kiện đánh bắt thực tiễn, phù hợp với truyền thống của ngư dân từng vùng.
* Khi đã được bố trí nguồn vốn, vậy làm thể nào để tiếp cận nguồn vốn đó, thưa ông?
Hiện Chính phủ có chính sách thế chấp ngay tài sản hình thành sau khi vay là chính sách rất thuận lợi. Đây là giải pháp phù hợp với ngư dân chuyển sang tàu sắt.
* Tàu vỏ sắt có giá trị lớn nhưng thực tế ít người tham gia đóng bảo hiểm dù đã được hỗ trợ?
Bảo hiểm đồng thời vận động người dân, Quảng Ngãi có Quỹ hỗ trợ ngư dân, cùng với Tổng Liên đoàn lao động, huy động các nguồn, tổ chức thành viên trong xã hội và lấy trong trường hợp khó khăn để mua bảo hiểm thân thể và tàu.
Trong thời gian trước kia, ngư dân đánh bắt bị thu hải sản, ngư cụ. Người dân kiên quyết, đấu tranh từng bước. Nhà nước nghiên cứu quy trình nếu bà con ngư dân thiệt hại thì có biện pháp hỗ trợ, tiếp tục thực hiện đánh bắt, cũng là tiếp tục bảo vệ chủ quyền.
* Xin cảm ơn ông!
Xuân Minh (thực hiện)