Hỗ trợ, khôi phục làng nghề nghề truyền thống

Tỉnh Thanh Hóa có 36 nghề với 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với có 75 làng nghề, làng có nghề truyền thống đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận làng nghề; trong đó, có 2 nhóm làng nghề hoạt động tốt gồm nhóm làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm và nhóm làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Hiện, nhiều làng nghề truyền thống gặp khó hoặc đứng trước nguy cơ mai một bởi các sản phẩm không còn đất sống trước sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp hiện đại khác trên thị trường.

Chú thích ảnh
Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN

Xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa có gần 40 hộ làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Những năm qua, các nghề này luôn gặp khó khăn do nguồn nhân lực hạn chế. Phần lớn người lao động ở độ tuổi thanh niên, trung niên đều có xu hướng đi làm công nhân trong các công ty hoặc tự kinh doanh buôn bán. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ bấp bênh, diện tích trồng dâu bị thu hẹp, lại không tập trung khiến việc nuôi tằm cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Hoàng Văn Oánh, Chủ cơ sở ươm tơ lớn nhất của xã Thiệu Đô, ông có hơn 30 năm gắn bó với làng nghề truyền thống này. Nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô đã có lúc đứng trước nguy cơ mai một khi chỉ còn vài hộ ở làng sản xuất cầm chừng. Tuy nhiên, nhờ chính sách khuyến khích của nhà nước tạo nhiều cơ chế hỗ trợ khôi phục nghề nên nghề ươm tơ đã khởi sắc trở lại. Nhiều sản phẩm đã được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong nước, đặc biệt là thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Lào.

Xã Tiến Lộc, huyện ven biển Hậu Lộc là nơi có làng nghề rèn truyền thống từ lâu đời, nhưng đầu ra không còn ổn định như trước do nhiều sản phẩm làm từ sắt từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam. Các sản phẩm này đều có chất lượng tốt nên rất khó cạnh tranh, những lao động làm nghè rèn cơ khí ở xã Tiến Lộc phải tự đi tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Anh Phạm Văn Bình, trú tại làng Ngọ cho biết, đã có một thời gian làng nghề rèn chao đảo trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại dao, kéo nhập ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan với mẫu mã đẹp, màu trắng sáng, giá rẻ hơn khiến đầu ra của sản phẩm rèn củ xã Tiến Lộc gặp nhiều khó khăn.

Do đó, mỗi khi sản xuất ra được một lô hàng lớn, anh phải lặn lội hàng trăm cây số từ khắp các con đường, ngõ hẻm rao bán từng chiếc dao, cái kéo. Anh phải mất đến mấy năm mới tìm được đầu ra ổn định và có thu nhập cũng đủ cho gia đình với khoảng 80 triệu đồng/năm.

Ông Trương Văn Tuyên, phụ trách Phòng Công nghiệp nông thôn, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, hoạt động ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm. Một số nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát đang có nguy cơ mai một. Đa số các cơ sở sản xuất có quy mô sản xuất nhỏ,  khó mở rộng và phát triển chiều sâu. Bên cạnh đó, phần lớn các loại hàng tiểu thủ công nghiệp có mẫu mã đơn giản, chất lượng chưa cao; chưa có nhiều sản phẩm tạo được thương hiệu lớn nên khó cạnh tranh được các sản phẩm cùng loại được sản xuất tại các nhà máy.

Trong khi đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp còn nhiều hạn chế và thiếu tính ổn định. Phần lớn là lao động phụ, số thợ tay nghề cao chiếm tỷ lệ rất ít; số thợ ở các làng nghề đang có xu hướng giảm do nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp may mặc, giày da.

Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Nhờ đó, một số nghề, làng nghề truyền thống đã được bảo tồn và phát triển ở dưới dạng tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình. Một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa bán ra thị trường, như mây tre đan, dệt thổ cẩm, rượu cần, nón lá, chiếu cói, đồ đúc đồng đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người dân trong những lúc nông nhàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.

Nguyễn Nam (TTXVN)
Doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế làng nghề
Doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế làng nghề

Chiều 27/12, tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh, Hội Doanh nhân trẻ Bắc Ninh đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển kinh tế làng nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN