Tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành cùng trên 30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Tính đến tháng 4/2020, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 6.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký khoảng 90.000 tỷ đồng và 151 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 8 tỷ USD. Do tác động của dịch COVID-19, có 5.300 doanh nghiệp bị ảnh hưởng; trong đó có 250 doanh nghiệp thiệt hại 70% doanh thu trở lên, 4.250 doanh nghiệp thiệt hại 30 - 70% doanh thu, 800 doanh nghiệp bị thiệt hại dưới 30% doanh thu… Các doanh nghiệp thiệt hại ước tính 50.000 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, song song với việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước về tín dụng trong thời gian ứng phó dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với lãnh đạo tỉnh tổ chức nhiều hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các sở, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với doanh nghiệp. Đó là, thực hiện miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh; giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; cho vay để trả lương ngừng việc cho người lao động với lãi suất 0%…
Các chương trình đã góp phần giúp ngân hàng đưa vốn vào sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm đồng hành, chia sẻ khó khăn của ngành ngân hàng đối với các doanh nghiệp. Hiện tại, có khoảng 3.900 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã khẩn trương, kịp thời chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo đúng tinh thần chỉ đạo của ngành ngân hàng, bước đầu đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Cụ thể, cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số cho vay lũy kể từ ngày 23/1/2020 là 11.535 tỷ đồng cho 4.720 khách hàng; miễn, giảm lãi vay cho 1.610 khách hàng trên dư nợ 1.663 tỷ đồng (số lãi được miễn, giảm 1,32 tỷ đồng). Dư nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ 3.323 tỷ đồng cho 494 khách hàng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như, các tiêu chí xác định khách hàng bị ảnh hưởng và tính toán thiệt hại do dịch, có một số ngân hàng chưa được lượng hóa cụ thể gây khó khăn trong quá trình đánh giá khách hàng.
Việc tiếp xúc khách hàng gặp trở ngại do tâm lý sợ lây lan dịch bệnh trong giai đoạn cách ly xã hội; quá trình rà soát, đánh giá khách hàng mất nhiều thời gian thẩm định thực tế, khách hàng sinh sống và kinh doanh nhiều địa điểm khác nhau, khoảng cách di chuyển lớn.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên cho biết, Chính phủ, các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước và địa phương đã có nhiều quyết sách rất kịp thời, cụ thể về cơ chế, chính sách cho khối doanh nghiệp trong việc khơi thông dòng vốn, miễn giảm lãi suất, cơ cấu các nhóm nợ để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ còn khó khăn khi tiếp cận các gói hỗ trợ. Nhiều khó khăn cần được giải quyết như cần đơn giản hóa thủ tục, cơ chính chính sách để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn hơn; các gói hỗ trợ tín dụng, giảm lãi vay xuống còn 4-5%,…cũng cần được đẩy nhanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Ngân hàng Nhà nước cùng cộng đồng các doanh nghiệp cũng trao đổi về các vấn đề tiếp cận các chính sách tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữu nguyên nhóm nợ; đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nội bộ, thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng...
Kết luận hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Ngành ngân hàng đã và đang nỗ lực, quyết tâm triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: tiếp tục đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ để ổn định vĩ mô, giảm lãi suất cho vay khách hàng, nhất là giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục cung ứng đầy đủ vốn cho người dân, doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau dịch. Đồng thời, ngành ngân hàng vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng.
Với những kiến nghị của đại biểu liên quan đến cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng, sau hội nghị sẽ đề xuất Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp; đồng thời, giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tổng hợp các kiến nghị vượt thẩm quyền báo cáo các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước để tham mưu, xử lý.