Hiệu quả từ mô hình diệt chuột tập trung có hợp đồng đền bù thiệt hại

Từ khi thí điểm hợp đồng đánh bắt diệt chuột tập trung có đền bù thiệt hại, nông dân ở huyện Nam Sách thấy được hiệu quả khi áp dụng mô hình diệt chuột mới mà địa phương triển khai. Cách làm này bước đầu cho thấy điểm ưu việt bên cạnh nhiều biện pháp mà các địa phương trong tỉnh Hải Dương đang triển khai để diệt chuột, bảo vệ cây trồng.

Chú thích ảnh
Hình ảnh ruộng phủ trắng nilon để ngăn chuột chỉ còn xuất hiện rất ít ở Nam Sách.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách, địa phương luôn xác định diệt chuột để bảo vệ sản xuất nông nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm để giảm thấp nhất thiệt hại tới sản xuất.

Với mục tiêu diệt chuột hiệu quả, bền vững, an toàn nhằm đáp ứng mong mỏi của người nông dân, vụ mùa năm 2023, Nam Sách thí điểm ở diện tích nhỏ mô hình đánh bắt diệt chuột tập trung có đền bù thiệt hại. Theo đó, huyện ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm soát côn trùng và động vật gây hại Trung ương triển khai. Nghiệm thu cho thấy, hiệu quả diệt chuột đạt 98,5%.

Những năm trước, việc diệt chuột ở Nam Sách chủ yếu theo hình thức các hộ vừa phải quây nilon quanh ruộng để ngăn chuột, vừa phải thêm chi phí thuê các đội diệt chuột ở các thôn, xã. Các hộ dân sẽ mất hai khoản chi phí nhưng hiệu quả không như mong muốn. Trong khi đó, mô hình đánh bắt diệt chuột tập trung triển khai đồng bộ trong toàn huyện hiện nay được hợp đồng với 1 đơn vị và làm đồng bộ. Nông dân chỉ bỏ 1 lần chi phí, không phải quây nilon kín ruộng mà hiệu quả diệt chuột hơn hẳn.

Gia đình bà Phan Thị Nội ở thôn La Đôi, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách có 10 sào ruộng (360 m2/sào). Tranh thủ nghỉ tay giữa lúc đang cấy, bà Nội hồ hởi kể: Vụ này nhà bà nộp 50.000 đồng/sào để diệt chuột. Năm ngoái chương trình này đã làm 1 vụ, thấy hiệu quả nên năm nay bà con rất tin tưởng. 

Theo bà Nội, thiệt hại do chuột hoành hành từng khiến cho nhiều nhà không tha thiết cấy hái. Trước đây, có thời điểm gia đình bà thất thu gần một nửa diện tích lúa một vụ vì chuột phá mạnh. Một số gia đình khác trong thôn còn cho nhà khác mượn ruộng. Thế nhưng sau khi thấy hiệu quả của việc diệt chuột theo mô hình tập trung ở vụ 2023, năm nay, nhiều nhà đã lấy lại ruộng để cấy.

Theo ý kiến đa số nông dân, ưu điểm mô hình diệt chuột tập trung mà huyện Nam Sách đang làm không chỉ giảm chi phí mà đỡ vất vả hơn cho nông dân, mặt khác còn giảm thải túi nilon ra môi trường. "Trước kia, vụ nào cũng chăng nilon rất vất vả. Mỗi sào, phải bỏ ra 100.000 đồng để chăng nilon, chưa kể khoản tiền nộp để thuê đội diệt chuột. Nếu không mưa gió nắng gắt thì tận dụng nilon được 2 vụ. Nếu không thì chỉ dùng được 1 vụ. Thế mà chuột vẫn phá hại", bà Phan Thị Nội chia sẻ. 

Xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách có 309 ha canh tác lúa, trong đó, 70% diện tích là lúa chất lượng cao. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hợp Tiến Nguyễn Thế Hưng cho biết, theo cách diệt chuột trước kia thì toàn bộ cánh đồng này phủ kín hết nilon. Quây nilon xong, các thôn vẫn phải kết hợp đánh bắt chuột bằng thuốc diệt chuột. Tuy nhiên chuột vẫn phá hại, có thời điểm, gần 10 ha lúa bị chuột phá hại. Chưa kể, việc căng nilon chỉ được sử dụng khoảng 2 vụ, sau đó bị rách và không tái sử dụng được, một số hộ còn vất ra mương máng làm ảnh hưởng tới việc tưới tiêu, ảnh hưởng tới môi trường.

Vụ mùa năm 2023 là vụ đầu tiên xã triển khai đánh bắt chuột theo mô hình tập trung. Hiệu quả, trên 99% diện tích lúa không bị chuột phá hại. Chính vì thế năm nay khi triển khai tiếp, nông dân đồng tình hưởng ứng cao.

Không riêng ở xã Hợp Tiến mà về huyện Nam Sách bây giờ có thể thấy những cánh đồng nổi bật màu xanh của mạ non, còn "bức tường bao" bằng nilon trắng quây quanh các thửa ruộng gần như vắng bóng.

Năm 2024, Ủy ban nhân dân huyện Nam Sách đã nhân rộng mô hình diệt chuột tập trung đến 18/19 xã, thị trấn. Huyện thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch diệt chuột năm 2024; tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch, tập huấn chuyên môn cấp huyện. Sau đó, Ủy ban Nhân dân các xã, thị trấn thành lập Ban Chỉ đạo diệt chuột cấp xã, thị trấn để triển khai kế hoạch. Từ ngày 15/11 đến 25/12, các xã họp thông báo và triển khai chủ trương nhân rộng mô hình đánh bắt diệt chuột tập trung có hợp đồng đền bù với các tổ chức, cá nhân. Sau đó, các đơn vị đảm nhận diệt chuột phối hợp với Ủy ban Nhân dân các xã khảo sát thực địa, thống nhất kinh phí thu để đảm bảo phù hợp tình hình từng địa phương và triển khai ký hợp đồng giữa Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với đơn vị đảm nhận diệt chuột trên địa bàn huyện.

Theo hợp đồng được ký kết, nông dân chịu kinh phí diệt chuột khoảng 60.000 - 70.000 đồng cho mỗi sào tùy địa hình từng ruộng cụ thể. Mức đền bù thiệt hại do chuột gây ra nếu có sẽ là 1.000 đồng/m2.

Đơn vị nhận hợp đồng sẽ tổ chức diệt chuột tập trung từ ven làng, khu công nghiệp ra ngoài đồng, bao gồm các ruộng lúa, ruộng rau màu, bờ kênh, bờ vùng, bờ thửa, gò đống, đặc biệt là những vùng giáp các công ty, khu dân cư, vùng chuyển đổi cây trồng.

Để khích lệ các địa phương, Ủy ban Nhân dân huyện Nam Sách trích ngân sách hỗ trợ công cho Ban Chỉ đạo diệt chuột các xã, thị trấn 10 triệu đồng/vụ/xã, thị trấn. Huyện cũng tăng cường tuyên truyền về triển khai mô hình đánh bắt diệt chuột tập trung, cập nhật tiến độ, hiệu quả diệt chuột, biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt, hiệu quả.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, để bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2024, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương triển khai 8 đợt diệt chuột tập trung. Đợt 1 từ khi đổ ải, làm đất đến khi gieo, cấy lúa đông xuân; đợt 2 là thời kỳ lúa đông xuân đẻ nhánh rộ; đợt 3 là thời kỳ lúa đông xuân đứng cái, làm đòng đến bắt đầu trỗ bông; đợt 4 là từ khi làm đất đến gieo cấy lúa mùa; đợt 5 là thời kỳ lúa mùa đẻ nhánh rộ; đợt 6 thời kỳ lúa mùa đứng cái, làm đòng đến bắt đầu trỗ; đợt 7 là thời kỳ làm đất trồng cây vụ đông và đợt 8 là thời kỳ câu vụ đông gần thu hoạch.

Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con nông dân cần song song việc vệ sinh đồng ruộng, phát quang bụi rậm, hạn chế nơi trú ngụ và sinh sản của chuột với việc diệt chuột.

Để diệt chuột hiệu quả, cần đồng thời triển khai nhiều biện pháp: một mặt diệt chuột thủ công bằng cách  phát động đợt ra quân săn bắt chuột vào thời điểm đổ ải hoặc khi nước trắng đồng, chuột hay tập trung co cụm, dễ đánh bắt hiệu quả nước lớn; đặt bẫy, cạm để bẫy chuột, một mặt triển khai thêm biện pháp sinh học bằng cách tăng cường bảo vệ thiên địch của chuột trong tự nhiên, khuyến khích nhân dân nuôi bảo vệ mèo và bảo vệ rắn. Cùng với đó là diệt chuột bằng thuốc hóa học (đánh bả).

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đặc biệt lưu ý các địa phương diệt chuột cần tổ chức đồng loạt, đặc biệt là các đợt phát động chiến dịch diệt chuột tập trung; áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, nhất là tăng cường biện pháp thủ công; tuyên truyền để người dân biết được hành vi diệt chuột bằng điện là hành vi bị nghiêm cấm…

Bài và ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
Cần Thơ chi 22,5 tỷ đồng diệt chuột trong 5 năm
Cần Thơ chi 22,5 tỷ đồng diệt chuột trong 5 năm

UBND thành phố Cần Thơ có kế hoạch chi hơn 22,5 tỷ đồng trong 5 năm để phòng chống, diệt chuột phá hại cây trồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN