Hiệu quả kinh tế từ nuôi bò thịt

Bò thịt chất lượng cao ngày càng chiếm số lượng lớn trong tổng đàn gia súc của tỉnh Hưng Yên và mô hình này đang mang lại giá trị kinh tế lớn cho các hộ chăn nuôi.

Chú thích ảnh
Chăm sóc đàn bò tại trang trại bò (Khoái Châu, Hưng Yên). Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 35 nghìn con trâu, bò; trong đó, bò thịt chiếm khoảng 65% tổng đàn, tập trung chủ yếu ở các huyện Khoái châu, Văn Giang, Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên.

Xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên với địa thế vùng đất bãi màu mỡ nên người dân trong xã đã tận dụng vừa trồng cỏ kết hợp nuôi bò thịt. Đây là địa phương có số lượng đàn bò lớn của tỉnh Hưng Yên. Đàn bò thịt trong xã thường xuyên duy trì từ  6 - 7 nghìn con. Các hộ chăn nuôi bò thịt trong xã đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nghiên cứu chọn nuôi giống bò thịt năng suất, chất lượng cao để sản xuất, cung ứng cho thị trường.

Ông Đào Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi bò thịt Phú Cường cho biết, do hiệu quả kinh tế cao nên những năm gần đây các thành viên trong hợp tác xã đều nuôi bò thịt với số lượng lớn. Mỗi thành viên trong hợp tác xã thường chăn nuôi từ 15 đến 30 con bò thịt, hộ nhiều nhất gần 40 con. Trung bình mỗi con bò thịt nuôi từ khi bắt giống đến lúc xuất chuồng khoảng 8 đến 10 tháng, người chăn nuôi có lãi khoảng 20 đến 25 triệu đồng. Hầu hết các hộ chăn nuôi bò thịt đều có kinh tế khá, giàu, góp phần phát triển kinh tế địa phương. 

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, xã Phù Ủng (huyện Ân Thi), đàn bò của gia đình ông thường xuyên được duy trì trên dưới 60 con. Nguồn thức ăn được tận dụng chủ yếu từ cỏ voi gia đình tự trồng. Ngoài ra, gia đình ông Thạch cũng đầu tư máy cuốn rơm để dự trữ thức ăn cho bò. Ông còn tận dụng chất thải chăn nuôi để nuôi giun quế, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng thu nhập. Nhờ đó, chi phí chăn nuôi giảm, lợi nhuận cao và mỗi năm doanh thu từ chăn nuôi của gia đình đạt trên 100 triệu đồng. 

Thực tế cho thấy, Hưng Yên có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi gia súc như: địa hình bằng phẳng, có nhiều bãi chăn thả tự nhiên ở các xã ven đê, nguồn thức ăn tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Ngoài ra, bò dễ nuôi, ít chịu rủi ro về dịch bệnh, sản phẩm dễ tiêu thụ, lợi nhuận cao. Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao đang được xác định là hướng đi trong phát triển chăn nuôi của tỉnh Hưng Yên. 

Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên luôn khuyến khích các hộ chăn nuôi phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP (quy trình thực hiện chăn nuôi tốt) đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Cùng đó, khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi tuần hoàn qua việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như: Đầu tư hệ thống quạt làm mát chuồng trại, máy thái cỏ, máy ép tách phân hoặc xử lý phân bò để nuôi giun quế. Sau đó sử dụng giun quế làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, phân giun sau khi ép tách phân được sử dụng để bón cỏ hoặc cây trồng.

Tỉnh Hưng Yên đang triển khai đề án "Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường" nhằm phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất sạch và bền vững theo chuỗi ngành hàng gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, giảm dần và tiến tới không phát triển chăn nuôi quy mô nông hộ, tăng tỷ trọng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư.

Qua đó, phấn đấu đến năm 2025 ổn định đàn vật nuôi đạt tổng sản lượng thịt hơi khoảng 175 nghìn tấn. Về số lượng, đàn gia súc đạt từ 550 - 580 nghìn con lợn (100% lợn nạc và siêu nạc); hơn 42 nghìn con bò (tỷ lệ bò thịt lai 3 máu, 4 máu chất lượng cao chiếm hơn 60%). Đối với đàn gia cầm, duy trì ở mức hơn 10 triệu con (thủy cầm từ 3 - 3,5 triệu con); trong đó, khoảng 60% là gà Đông tảo và Đông tảo lai.

Về cơ cấu, ngành chăn nuôi chiếm 60% tỷ trọng trong nông nghiệp; trong đó, chăn nuôi tập trung chiếm từ 65 - 70%; chăn nuôi trang trại an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP chiếm từ 55 - 60%. Cùng đó, xây dựng từ 10 - 15% số trang trại an toàn dịch với bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, tai xanh và dịch tả lợn châu Phi. Mỗi năm hỗ trợ xây dựng và đánh giá chứng nhận từ 50 - 70 trang trại, cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP.

Hưng Yên cũng đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, nhất là khâu sản xuất con giống, mở rộng các cơ sở chăn nuôi hữu cơ; xử lý chất thải chăn nuôi gắn với việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh, bảo đảm sản xuất nông nghiệp sạch.

Đỗ Huyền (TTXVN)
Chăn nuôi bò - 'cần câu cơm' của nông dân Sóc Trăng
Chăn nuôi bò - 'cần câu cơm' của nông dân Sóc Trăng

Nghề chăn nuôi bò từ nhiều năm qua đã được xem là thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng trong việc góp phần giúp đời sống nhiều hộ dân trong tỉnh, nhất là các hộ đồng bào dân tộc Khmer nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN