Hội thảo do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Tổ chức lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 24/8.
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, sau 2 năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mang về những kết quả tích cực về tăng trưởng thương mại.
Trong số đó thương mại 2 chiều Việt Nam – EU năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. Sáu tháng đầu năm 2022, kim ngạch 2 chiều đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Sau khi ký kết EVFTA, xu hướng đầu tư từ một số quốc gia châu Âu vào Việt Nam cũng tăng nhanh như Hà Lan tăng gần 26%; Thụy Điển tăng 63%; đặc biệt là từ Đan Mạch tăng 240%. Nổi bật gần đây là dự án đầu tư của tập đoàn Lego (Đan Mạch) trị giá hơn 1 tỷ USD tại khu công nghiệp VSIP (tỉnh Bình Dương) chính thức khởi công xây dựng trong năm 2022.
“Các kết quả trên đã thể hiện sự đóng góp tích cực của Hiệp định EVFTA đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và căng thẳng giữa Nga và Ukraine”, ông Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh thành quả đã đạt được, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc tận dụng các cam kết ưu đãi trong EVFTA của Việt Nam vẫn còn một số khía cạnh chưa được như kỳ vọng. Chẳng hạn như: tỷ lệ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa EVFTA để hưởng thuế quan ưu đãi có tăng nhưng còn khiêm tốn, xuất khẩu vẫn tập trung vào một số thị trường truyền thống... Bên cạnh đó, việc triển khai nhóm chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của các cơ quan, địa phương chưa được chú trọng đúng mức, trong khi đây là nội dung quan trọng trong EVFTA.
Nhìn lại hai năm qua, ông Carsten Schittiek, Tham tán, Trưởng Ban kinh tế Thương mại Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình thực thi hiệp định EVFTA. Đặc biệt là những cam kết mạnh mẽ thông qua việc lồng ghép, sửa đổi bổ sung nhiều dự luật liên quan để thích nghi, tìm cơ hội mới, phù hợp với những quy định chung của EVFTA. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế Việt Nam cũng như các thành viên của EVFTA.
Ghi nhận những thành quả đổi mới tích cực của Việt Nam, sự phát triển ngoạn mục trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội qua hai năm thực thi EVFTA, ông Carsten Schittiek khuyến nghị Việt Nam cần tạo môi trường hấp dẫn hơn nữa để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu. Trong số đó, lưu ý những chính sách phát triển bền vững, năng lượng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, quyền lao động (theo các Công ước của ILO)…
Theo ông Carsten Schittiek, chương phát triển bền vững trong Hiệp định EVFTA là một trong những vấn đề cốt lõi để thu hút nhà đầu tư lớn, mang đến tri thức mới, công nghệ cao và thật sư quan tâm đến môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và các vấn đề phát triển bền vững… Đây chính là cơ hội của Hiệp định EVFTA, là công cụ để Việt Nam tập trung vào những đầu tư mới có chất lượng hơn, sạch hơn để củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai...
Cùng quan điểm, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO Việt Nam) cũng nhìn nhận Việt Nam đã và đang có sự thay đổi mạnh mẽ và ngày càng tiệm cận với các tiêu chuẩn chung của thế giới sau hai năm thực thi Hiệp định EVFTA.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tầm nhìn tiến bộ, có những bước tiến thiết thực, dũng cảm nhìn lại những thiếu sót để từ đó cập nhật, sửa đổi, cải thiện mô hình khung pháp lý phù hợp với xu hướng mới. Điều này cũng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc quản lý quan hệ lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Từ kết quả này, Việt Nam có thể tận dụng tốt những lợi thế, tìm giải pháp tốt nhất để vượt qua những thách thức mới, góp phần gia tăng cơ hội xuất khẩu và đầu tư thông qua phát triển bền vững.
Bà Ingrid Christensen cũng nhấn mạnh vai trò của lao động, việc làm trong giai đoạn hiện nay, nhất là sự tôn trọng đối với quyền con người, quyền của người lao động để hướng đến phát triển bền vững. Do vậy, doanh nghiệp, Chính phủ và đại diện người lao động cần ngồi lại để trao đổi, thảo luận xem đâu là lợi ích thiết thực, đâu là những khó khăn, thách thức còn tồn đọng để cùng tháo gỡ trên tinh thần hợp tác cùng nhau thực hiện hiệu quả nhất lợi thế từ EVFTA. Nhu cầu lao động có kỹ năng ngày càng tăng cao, do vậy doanh nghiệp cần phải thực hành tốt, đưa vào chính sách những nguyên tắc về quan hệ công nghiệp, đối thoại xã hội tại nơi làm việc; môi trường làm việc được nhiều người, không để ai bị bỏ lại phía sau.…
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã trao đổi, thảo luận về vấn đề kinh doanh có trách nhiệm và phát triển bền vững, cập nhật về các quy định mới của một số nước châu Âu về kiểm định doanh nghiệp. Các đại biểu cũng chia sẻ tổng quan về thực trạng các cam kết lao động trong Hiệp định EVFTA đã được nội lực hóa trong Bộ Luật lao động và các thách thức thực thi trong giai đoạn hiện nay; những vấn đề doanh nghiệp cần làm để tiếp cận thị trường cao cấp; các chính sách và thực tiễn đẩy mạnh xuất khẩu cho các doanh nghiệp phía Nam.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất các phương án tối ưu hóa cơ hội xuất khẩu, phương án cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc cho ngành da giày, dệt may và chế biến gỗ; cải thiện môi trường kinh doanh tại các địa phương khu vực Đông Nam bộ nhằm thúc đẩy gia tăng giá trị xuất khẩu; các giải pháp cụ thể hóa chính sách xây dựng môi trường kinh doanh cấp tỉnh, thành phố…