Ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã khẳng định như vậy tại tọa đàm Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng do Báo Công Thương tổ chức sáng 8/8 tại Hà Nội.
Theo ông Trần Thanh Hải, Hiệp định EVFTA có tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu vì EU là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Việt Nam; trong đó, có các sản phẩm như thủy sản, lúa gạo và cũng là thị trường đa dạng sản phẩm công nghiệp tiêu thụ lớn.
Trong hai năm qua, đa số mặt hàng xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%.
Cùng đó, các mặt hàng Việt Nam đã xuất khẩu mạnh từ trước khi có hiệp định như: dệt may, da giày, đồ gỗ, cũng đạt mức tăng trưởng từ khoảng 10-15%. Duy nhất có một nhóm hàng do tác động của dịch COVID-19 có bị giảm sút đó là điện thoại và linh kiện.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường EU cũng như các thị trường khác có nhiều quy định liên quan; trong đó, có quy tắc xuất xứ. Đây vừa là hàng rào nhưng cũng là công cụ giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ hiệp định, tránh chuyện gian lận xuất xứ từ các nước cạnh tranh khác.
Trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa, có thể nói các doanh nghiệp đã có sự làm quen và bắt nhịp được khá tốt. Điều này thể hiện qua hai quý đầu năm 2022, lượng hàng hóa xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa EUR.1 khoảng 5,8 tỷ USD, tương đương với khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu sang EU trong giai đoạn này.
Chia sẻ tại toạ đàm, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho hay: EU từng là thị trường số 1 của thuỷ sản Việt Nam nhưng sau đó bị rơi vào thứ 4, sau cả Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ. Bởi xuất khẩu cá tra, mặt hàng tôm, hải sản khác cũng liên tục bị sụt giảm.
Tuy nhiên, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã mang lại kỳ vọng lớn cho nhóm thuỷ sản chủ lực như: tôm chiếm 40-50% xuất khẩu sang EU, cá tra chiếm từ 10-16%, các mặt hàng hải sản khác chiếm 35%...
Năm 2020 dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu thuỷ sản đã hồi phục rõ rệt, tăng 8% so với cùng kỳ và xu hướng đó tiếp tục trong năm 2021. Đến hết quý II năm 2022, EU là thị trường nằm trong ba nhóm xuất khẩu thuỷ sản cao nhất của Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát nhưng với các thuế quan ưu đãi của Hiệp định EVFTA đã bộc lộ rõ nét, xuất khẩu thuỷ sản tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thuỷ sản chính kể cả cá tra đã tăng 30-39%; trong đó, cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhấn mạnh: Hiệp định EVFTA đã đi vào thực thi hai năm đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã xuất khẩu những lô hàng sang thị trường EU và tăng trưởng thêm số lượng các container.
Riêng 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng tới 68%, và riêng kim ngạch tăng tới 19%; trong đó, châu Âu trở thành thị trường chính của doanh nghiệp, gạo chất lượng cao là mặt hàng chủ lực được xuất sang thị trường này.
Ngoài ra, có rất nhiều doanh nghiệp gạo khác có thể tận dụng được cơ hội từ Hiệp định EVFTA để tăng cường xuất khẩu gạo và đã có được bước tăng trưởng tương đối tốt. Sau gạo, công ty đang tập trung phát triển bún khô, phở khô, những sản phẩm này tiếp tục được nhập khẩu vào thị trường châu Âu và được thị trường đón nhận tích cực.
Theo ông Phạm Thái Bình, về tiềm năng của gạo và các sản phẩm sau gạo của Việt Nam rất có cơ hội nhưng tăng trưởng nhanh hay chậm, nhiều hay ít là do doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, dù Hiệp định EVFTA đã rất mở và có sự chỉ đạo của Bộ Công Thương nhưng vẫn còn một số vấn đề về tiêu chuẩn ở thị trường này.
Đánh giá về việc doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA trong 2 năm vừa qua, ông Ngô Chung Khanh- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Có thể nói doanh nghiệp Việt Nam tận dụng đa dạng từ EVFTA, những mặt hàng có thuế cao, được cắt giảm mạnh như rau quả, thuỷ sản đều tăng trưởng tốt.
Đặc biệt, dù EU là thị trường khó tính với hàng rào kỹ thuật nhưng doanh nghiệp vẫn đáp ứng yêu cầu cao để vào thị trường. Đó là điểm lớn; trong đó, cho thấy tư duy của doanh nghiệp đã thay đổi để đáp ứng nhu cầu của EU và đưa hàng vào một cách bài bản.
Theo ông Ngô Chung Khanh, những thành tích xuất khẩu vừa qua cho thấy doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt, biết thay đổi tư duy, định hướng thị trường và mặt hàng nhưng nhìn vào thị phần vẫn còn thấp.
Đánh giá những khó khăn khi doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, bà Lê Hằng cho rằng: Hiện nay, doanh nghiệp vẫn đang tập trung quá nhiều vào thị trường truyền thống, thị trường Đông Á, trong khi đó thị trường EU rất lớn, rất hiệu quả nhưng chưa tập trung.
Theo bà Lê Hằng, khi xuất khẩu sang EU, thách thức lớn đối với thuỷ sản là đảm bảo quy tắc xuất xứ. Mặc dù, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản, Bộ Công Thương đã có nhiều chương trình phối hợp đào tạo cho doanh nghiệp đảm bảo về chứng nhận xuất xứ nhưng cũng không tránh khỏi việc không tìm hiểu kỹ. Do từng thị trường có những kiểm soát riêng, dẫn tới những hiểu lầm về cấp C/O, quy tắc xuất xứ.
Cùng đó, thẻ vàng IUU là yếu tố làm hạn chế rất nhiều khi xuất khẩu thuỷ sản, làm thiếu nguyên liệu xuất khẩu thuỷ sản sang EU.
Mặt khác, lạm phát của EU hiện nay cho thấy thương mại sang thị trường này đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Thực tế này đang dẫn tới người tiêu dùng EU thắt chặt chi tiêu, tập trung vào mặt hàng giá vừa phải; tỷ giá EUR so với USD thấp nhất sau 20 năm khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu và điều này khiến cho nhà nhập khẩu sẽ thương lại với nhà nhập khẩu trong việc chậm đơn hàng.
Đặc biệt, áp lực cạnh tranh của thuỷ sản Việt Nam đối với các đối thủ khác như cạnh tranh về mặt hàng tôm của Ấn Độ, Ecuador… do nguồn cung, chi phí vận tải.
Ngoài ra, còn có các thách thức khác về dài hạn như yêu cầu chứng nhận ngày càng cao hơn của thị trường, môi trườnghay lao động cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với thuỷ sản Việt.
Do vậy, để tận dụng thị trường EU, theo bà Lê Hằng, doanh nghiệp phải tháo gỡ được khó khăn về thẻ vàng IUU, lấy lại được thể xanh để tăng cơ hội cho thuỷ sản.
Bởi nếu chuyển sang thẻ đỏ sẽ có nguy cơ mất thị trường EU và như vậy, mỗi năm sẽ mất 500 triệu USD riêng cho ngành thuỷ sản sang EU. Hơn nữa, đây còn là thị trường định hướng chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, thách thức về cạnh tranh với các nước khác từ việc sản xuất năng suất thấp, quy mô nhỏ lẻ, chưa có khu vực sản xuất tập trung dẫn tới chất lượng, số lượng đều có những hạn chế.
Vì thế, nhà nước cần có sự hỗ trợ đầu tư về khoa học công nghệ cho con giống, thức ăn chăn nuôi, nhất là tăng cường giải pháp để tận dụng được chế biến phụ phẩm trong ngành thuỷ sản, bởi phụ phẩm chiếm khoảng 40-50% sản lượng thuỷ sản.
Về Hiệp định EVFTA, bà Lê Hằng mong có thêm sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan cũng như áp dụng tốt quy tắc xuất xứ nhằm giảm bớt vướng mắc khi xuất khẩu thuỷ sản.