Cần tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA và các biện pháp ứng phó phù hợp

Ngày 25/2, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Tác động của Hiệp định EVFTA sau đại dịch COVID-19 và các biện pháp ứng phó phù hợp.

Chú thích ảnh
May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu cũng như nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đã có sự tăng trưởng ấn tượng.

Chỉ tính riêng năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn đạt 40,06 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu từ EU là 16,89 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2020.

Cùng với đó, sau hơn 1 năm thực thi EVFTA, tỷ lệ doanh nghiệp nắm bắt và tăng dần sử dụng ưu đãi thuế quan từ hiệp định này. Cụ thể, từ khi EVFTA có hiệu lực đến hết năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sử dụng EUR.1 là 2,35 tỷ USD; tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan là 15,1% thì trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sử dụng EUR.1 là 5,15 tỷ USD; tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan là 22,5%

Về thu hút đầu tư trực tiếp từ EU vào Việt Nam, TS John FitzGerald , Trường đại học Trinitry (Ireland) cho biết, đã có những tín hiệu tích cực, nhưng FDI từ EU vào Việt Nam vẫn được đánh giá ở mức “khiêm tốn”; trong khi đó, dòng vốn ngoại vào Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn vẫn là các quốc gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây chính là cơ hội để EU tăng cường thu hút FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.

Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, EVFTA được ký kết đã minh chứng cho thành công của Việt Nam trong thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa kinh tế đối ngoại, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một nguồn cung ứng duy nhất và giảm sức ép rủi ro cho nền kinh tế.

“Việt Nam và EU là 2 nền kinh tế bổ sung cho nhau, nên việc thực hiện EVFTA khiến cả 2 bên đều có lợi. Việt Nam có thể nhập khẩu từ EU những sản phẩm mà chúng ta không làm được. Ngược lại, EU lại có thể nhập khẩu từ Việt Nam những sản phẩm mà chúng ta có thế mạnh như tôm, dệt may và các sản phẩm nông sản. Việc thực thi EVFTA không chỉ tạo lợi thế, lợi ích bổ sung cơ cấu kinh tế mà còn thúc đẩy quá trình cải cách thể chế của Việt Nam…”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia thương mại, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động thương mại và đầu tư của thế giới cũng như Việt Nam, việc thực thi Hiệp định EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế và mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp cũng như tạo đà tăng trưởng hậu dịch bệnh. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có thuận lợi rõ nhất là Hiệp định EVFTA với các ưu đãi cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường mạnh mẽ tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam lợi thế cạnh tranh rất lớn khi tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường EU; đồng thời, EU cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với giá trị nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường ngoại khối đạt 2.160,2 tỷ USD trong năm 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực mà EVFTA mang lại, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, do năng lực của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế nên gặp bất lợi trong tận dụng các ưu đãi thuế quan. Cụ thể là với ngành dệt may Việt Nam, do công nghiệp phụ trợ của ngành này còn hạn chế, Việt Nam lại chủ yếu nhập khẩu linh kiện ngoài khối, nên không tận dụng được nhiều ưu đãi từ EVFTA.

Để tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA hậu COVID-19, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, trước hết, cần nâng cao năng lực cho khu vực trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động trong mọi hoạt động thương mại. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần có sự hỗ trợ cần thiết liên quan đến thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua hoàn thiện thể chế trong bối cảnh bình thường mới, cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến xuất, nhập khẩu…

Với các cam kết trong EVFTA về phát triển bền vững, thương mại số sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận công nghệ “số và xanh” hiện đại và tiên tiến của EU.

Điều này sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng “đi tắt đón đầu” hướng đến kinh tế số và xanh, thân thiện môi trường, chuyển đổi sang công nghệ tiêu chuẩn cao, giúp hàng hóa Việt Nam có ưu thế về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường cao như thị trường EU. Hơn nữa, xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất và dòng đầu tư sẽ mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc gia tăng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư từ EU với nền tảng vững chắc từ EVFTA.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế về công nghệ sẽ góp phần tích cực trong việc tạo lập một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao; đặc biệt, dòng đầu tư từ EU vào Việt Nam về trung hạn và dài hạn sẽ gia tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng có giá trị cao, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao công nghệ.

Thúy Hiền (TTXVN)
Bổ sung thành viên của Nhóm DAG Việt Nam trong Hiệp định EVFTA
Bổ sung thành viên của Nhóm DAG Việt Nam trong Hiệp định EVFTA

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3019/QĐ-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1972/QĐ-BCT thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Theo đó, danh sách thành viên chính thức của Nhóm DAG Việt Nam được bổ sung thêm 3 tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN