Đánh giá về hoạt động xuất khẩu sang các thị trường, các chuyên gia thương mại cho biết, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong 7 tháng qua; trong đó, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng cao sang Hoa Kỳ, EU và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, riêng với thị trường EU, nhờ Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - EU (EVFTA), trong 7 tháng qua xuất khẩu đã tăng trưởng hơn 20%, xuất siêu 18,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Đánh giá kết quả này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA (1/8/2020 - 1/8/2022), tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam thông qua giấy chứng nhận xuất xứ mà doanh nghiệp được cấp để tận hưởng ưu đãi khi hàng hóa đi vào EU khá cao.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song biên độ ưu đãi, mức ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng mới đủ lớn để tạo động lực xuất khẩu mạnh hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh thực thi tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế vẫn phức tạp, xung đột vũ trang, một số nguyên nhiên vật liệu tăng giá làm giảm tổng cầu của thị trường EU.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh thực thi EVFTA hiệu quả, ông Lương Hoàng Thái lưu ý, hiện nay, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… tức là họ không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào. Doanh nghiệp cần đón đầu xu hướng này, nếu như thành công theo xu hướng này, giá trị thu được trong quá trình xuất khẩu sang EU sẽ lớn hơn rất nhiều.
“Ngoài ra, EU là thị trường cơ bản rất khó tính với nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, thậm chí có cả những tiêu chuẩn doanh nghiệp tự đặt ra. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có những chuyển đổi mô hình, để đáp ứng tốt nhất thị hiếu ở thị trường EU, từ đó khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững”, ông Lương Hoàng Thái khuyến nghị.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, trong thời gian qua, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực thi Hiệp định EVFTA, tất cả các bộ, ngành cũng như các địa phương đều tích cực vào cuộc để thúc đẩy quá trình thực thi này. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là cần phải cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp có thể khai thác tốt nhất những quy định đã có.
Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ để doanh nghiệp có thể tự lớn lên, tìm hiểu thông tin tốt hơn khi tham gia vào thị trường EU và vượt qua thách thức, rào cản về kỹ thuật, xu hướng tiêu dùng mới đang phát sinh ở thị trường EU.
“Khi Hiệp định này được ký kết, Thủ tướng Chính phủ ví hiệp định này mở ra một đường cao tốc để kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và EU. Rõ ràng đường cao tốc phương tiện vận hành trên đó phải khác đường bình thường. Vậy nhiệm vụ của Chính phủ là hỗ trợ để doanh nghiệp xây dựng phương tiện đi lại phù hợp với đường cao tốc đó chứ không phải những phương tiện đã sử dụng ở đường làng, ngõ xóm”, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
Thế nhưng, để làm được điều này cần có sự tham gia của tất cả các cơ quan ở nhiều lĩnh vực và cả địa phương để giúp doanh nghiệp đủ sức mạnh khai thác tốt con đường cao tốc.