Trong bối cảnh thương mại toàn cầu nhiều biến động, ngành hải quan TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ứng dụng công nghệ, hướng tới hoàn thiện hệ thống hải quan số, hải quan thông minh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu doanh nghiệp, người dân.
Công chức Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 2 thực hiện kiểm hoá ô tô nhập khẩu. Ảnh: Quang Châu/TTXVN
Chủ động đối thoại - đồng hành
Năm 2025 đánh dấu cột mốc mười năm Chi cục Hải quan Khu vực II triển khai sáng kiến “Hải quan TP. Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp là đối tác đồng hành chung tay phát triển”. Việc chia sẻ thông tin, cùng nhau thích nghi và tìm kiếm giải pháp mới đã giúp hai bên vượt qua những khó khăn, tạo nên sự đồng lòng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững.
Ông Vương Tuấn Nam, Trưởng phòng nghiệp vụ Hải quan, Chi cục Hải quan khu vực II, thông tin, hàng năm Chi cục Hải quan Khu vực II đều tích cực phối hợp với các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau thảo luận các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới nhằm xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình đối thoại định kỳ giữa hải quan với doanh nghiệp thường tập trung vào vấn đề giải quyết các vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải khi làm thủ tục hải quan.
Thông qua các cuộc đối thoại, ngành hải quan cũng nắm bắt các yêu cầu từ thực tiễn để đưa ra những kiến nghị, đề xuất để sửa đổi các quy định cho phù hợp. Bên cạnh cơ chế đối thoại định kỳ, những doanh nghiệp gặp vấn đề vướng mắc cần giải quyết ngay đều có thể liên hệ cơ quan hải quan để tháo gỡ một cách kịp thời.
Đánh giá cao cơ chế đối thoại giữa hải quan và doanh nghiệp, ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Eurocham chia sẻ, với tinh thần cầu thị, Chi cục Hải quan khu vực II đã thường xuyên phối hợp và trao đổi thông tin, phổ biến các quy định mới trong hoạt động xuất nhập khẩu. Qua các buổi đối thoại, những khó khăn, vướng mắc của doanh tiếp tục thực lắng nghe và phối hợp giải quyết kịp thời. Chi cục Hải quan khu vực II cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp hiện đại hóa, tạo thuận lợi thương mại, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và thuận lợi cho nhà đầu tư.
Trong các chương trình đối thoại với doanh nghiệp, lãnh đạo Chi cục Hải quan Khu vực II thường xuyên nhấn mạnh, cán bộ công chức hải quan luôn xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng. Đây cũng được xem là “đòn bẩy” tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho thành phố; góp phần đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành điểm sáng thu hút làn sóng đầu tư khi thế giới tái định vị chuỗi cung ứng và sản xuất.
Khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên của cả nước, thực hiện mô hình thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và gia công xuất khẩu. Từ chỗ là nơi đặt các nhà máy sản xuất thâm dụng lao động, đến nay Khu chế xuất Tân Thuận gần như trở thành khu “công nghệ cao” thứ hai của TP. Hồ Chí Minh với rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử, phần mềm.
Ông Lê Nguyên Linh, Phó đội trưởng Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận cho biết, đặc thù của khu chế xuất là hàng hoá xuất, nhập khẩu đều được miễn thuế. Để ngăn chặn tình trạng lợi dụng ưu tiên khai báo hải quan thẩm lậu hàng hóa nhập khẩu vào nội địa, hải quan phải tập trung giám sát. Tuy nhiên, cùng với việc chuyển đổi nguyên tắc quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận cũng thay đổi hình thức quản lý, coi doanh nghiệp thực sự là đối tác, cùng đồng hành phát triển.
“Trước đây khu chế xuất được xây tường rào với các cổng đều có chốt chặn để tránh tình trạng tuồn hàng ra bên ngoài. Hiện nay, hải quan không còn quản lý giám sát bằng hàng rào cứng mà áp dụng quản lý dựa trên báo cáo quyết toán đầu vào, đầu ra, hàng tồn kho định kỳ của doanh nghiệp. Song song đó, cơ quan hải quan cũng thực hiện đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật xác định tần suất kiểm tra; vừa giảm tải khối lượng công việc cho cơ quan hải quan, vừa giảm thủ tục không cần thiết cho doanh nghiệp”, ông Lê Nguyên Linh thông tin thêm.
Hướng tới hải quan số - hải quan thông minh
Doanh nghiệp làm thủ tục nhận hàng tại kho hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Xuân Anh/TTXVN
Trong chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 của ngành hải quan, Chi cục Hải quan khu vực II xác định đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; số hóa hồ sơ hải quan, phát triển các ứng dụng nội bộ thông minh, hướng tới mô hình “Hải quan số - Hải quan thông minh”.
Để đạt được mục tiêu đó, song song với quá trình tổ chức triển khai hiện đại hóa dựa trên quy trình thủ tục, Chi cục Hải quan khu vực II là đơn vị dẫn đầu trong việc đưa vào ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ kiểm tra, giám sát với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh. Hệ thống máy soi container hiện đại, cả cố định và di động, cũng đã được đầu tư tại các cửa khẩu lớn như cảng Cát Lái, Hiệp Phước, Tân Thuận... nhằm tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Chi cục Hải quan khu vực II cũng đang triển khai các hệ thống quản lý siêu định vị điện tử, theo dõi quá trình luân chuyển hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các địa bàn khác; sử dụng hệ thống camera để tiến hành tổ chức giám sát đối toàn bộ hoạt động tại các địa điểm, kho bãi cho doanh nghiệp.
Đến nay, Chi cục Hải quan khu vực II đã triển khai thủ tục hành chính mới trên Cơ chế một cửa quốc gia, với 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, giải quyết gần 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 66.000 doanh nghiệp. Đơn vị cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo, chương trình đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phổ biến chính sách pháp luật về hải quan.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là đầu mối quan trọng trong việc thu hút đầu tư, du lịch và giao thương quốc tế không chỉ của TP. Hồ Chí Minh mà còn của cả khu vực phía Nam. Trong số đó, hàng hoá xuất, nhập qua đường hàng không có đặc thù riêng là giá trị lớn và có nhu cầu thông quan nhanh.
Ông Phan Bình Tuy, Phó đội trưởng Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, thông tin, với hệ thống giám sát hải quan tự động toàn bộ hàng hoá, hành lý ra vào sân bay đều được soi chiếu, giám sát chặt chẽ, đảm bảo phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nhưng vẫn tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, đi lại của người dân. Ngoài ra, Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng triển khai hệ thống hoàn thuế VAT tự động cho hành khách xuất nhập cảnh và doanh nghiệp, giúp rút ngắn thời gian thông quan, giảm ùn tắc cũng là giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Lê Cao Cường, Phó giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng không tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, công ty chuyên xuất nhập khẩu phụ tùng, vật tư máy bay cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Đây là nhóm mặt hàng chuyên dụng, đáp ứng nhu cầu cấp bách cho việc thay thế phụ tùng hoặc sửa chữa máy bay, chỉ cần chậm trễ một ngày thì chi phí phát sinh, thiệt hại kinh tế rất lớn. Nhờ ứng dụng hệ thống thông quan tự động, doanh nghiệp chủ động được việc khai hải quan sớm để khi hàng đến cảng là có thể thông quan, đưa vào sử dụng ngay.
Đại diện Chi cục Hải quan khu vực II, ông Vương Tuấn Nam, thông tin, song song với cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, người dân, ngành hải quan vẫn phải đảm bảo chống buôn lậu gian lận thương mại, vận chuyển trái phép chất ma túy. Hàng năm Chi cục Hải quan khu vực II đã phát hiện, bắt giữ hàng trăm vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép chất ma túy, chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.
Phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị trong chặng đường đã qua, tập thể cán bộ, công chức Chi cục Hải quan khu vực II đang ra sức nỗ lực, cùng TP. Hồ Chí Minh và cả nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, thực hiện và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hội nhập sâu rộng với thế giới...; xây dựng hình ảnh Hải quan TP. Hồ Chí Minh chính quy, hiện đại và thân thiện trong mắt doanh nghiệp và nhân dân.