Hiện đại hoá ngành hải quan - Bài 1: Ứng dụng công nghệ quản lý, giám sát

Là “người gác cửa” cho trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn nhất cả nước, trong 50 năm hình thành và phát triển, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, nay là Chi cục Hải quan khu vực II không chỉ đảm nhiệm nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước mà còn là lực lượng tiên phong trong việc tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế.

Thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công nghệ, tăng cường quản lý và chống gian lận thương mại, Chi cục Hải quan khu vực II đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thành phố, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư và tăng trưởng bền vững.

Chú thích ảnh
Công chức Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 2 hướng dẫn thủ tục nhận hàng cho doanh nghiệp. Ảnh: Quang Châu/TTXVN

Nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 2 bài viết nhìn lại quá trình phát triển và không ngừng đổi mới của Hải quan TP. Hồ Chí Minh từ những ngày sơ khai cho đến khi trở thành ngọn cờ đầu của ngành hải quan cả nước.

Bài 1: Tích cực đổi mới

Ngay khi miền Nam được giải phóng, Hải quan TP. Hồ Chí Minh là một trong những lực lượng được nhanh chóng tiếp quản và xây dựng, đảm nhận vai trò quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tại đầu mối kinh tế lớn nhất cả nước. Đơn vị đã không ngừng đẩy mạnh hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ vào quản lý và giám sát hải quan, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và thúc đẩy thương mại quốc tế.

Xây dựng cơ sở

Giữa những ngày chiến tranh ác liệt, với sự nhìn xa trông rộng của Đảng, Nhà nước ta, ngay từ năm 1967, một số cán bộ của ngành hải quan cùng với đoàn cán bộ của Bộ Ngoại thương đã được cử vào chiến trường B2 miền Đông Nam bộ làm việc và chuẩn bị những nhiệm vụ cần thiết cho ngày đại thắng. 

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), một đoàn cán bộ hải quan tiếp tục được chi viện vào miền Nam làm việc tại Ban Kinh – Tài Trung ương Cục miền Nam; vừa nghiên cứu để khi có điều kiện là triển khai nhiệm vụ, xây dựng lực lượng Hải quan sau khi cách mạng thắng lợi. 

Ngay sau đại thắng mùa Xuân 1975, ngày 01/5/1975,  Đoàn cán bộ Ban Kinh - Tài Trung ương Cục miền Nam; trong đó có bộ phận cán bộ hải quan miền Nam do đồng chí Nguyễn Thành Lân dẫn đầu đã tiến về Sài Gòn để tiếp quản Tổng nha Quan thuế chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Đến ngày 11/7/1975, Bộ Ngoại thương có Quyết định số 09/QĐ-BNT thành lập Phân cục Hải quan miền Nam trực thuộc Cục Hải quan Việt Nam thuộc Tổng Nha Ngoại thương, tiền thân của Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh và nay là Chi cục Hải quan khu vực II.

Những năm đầu tiên, khi vừa thoát khỏi chiến tranh và bị cấm vận bao vây, đất nước còn thiếu thốn, khó khăn, điều kiện, phương tiện làm việc của các cán bộ, công chức hải quan rất thô sơ. Hoạt động hải quan còn đơn giản, chủ yếu giải quyết thủ tục cho hàng hóa viện trợ và phương tiện tàu thủy, máy bay, hành khách xuất nhập cảnh từ các nước khối xã hội chủ nghĩa, chống buôn lậu tập trung phát hiện các vụ xuất lậu vàng và đồ cổ. 

Khi đất nước đổi mới (năm1986), mở cửa và hội nhập quốc tế (1995), hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng lên. TP. Hồ Chí Minh với vị trí chiến lược trở thành trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, có hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra hết sức nhộn nhịp. Sau 50 năm xây dựng và phát triển, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trở thành đơn vị lớn nhất trong 34 đơn vị hải quan địa phương trực thuộc Cục Hải quan; quản lý khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước, giữ vai trò chủ lực trong thu ngân sách của ngành hải quan.

Năm 2024, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã xử lý trên 3 triệu tờ khai của hơn 67.000 lượt doanh nghiệp. Giá trị hàng hoá thông quan chiếm 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; đóng góp 34% số thu ngân sách toàn ngành. Tuy nhiên, lực lượng nhân sự của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chỉ chiếm 20% tổng biên chế toàn ngành.

Để đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc lớn với đội ngũ nhân lực tinh gọn, nhiều năm qua Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiến quy trình vận hành nội bộ, đổi mới phương thức làm việc. Theo đó, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai đề án “Xây dựng hệ thống quản trị Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh – HCAS”.

Đề án này đã cải tiến quản lý của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động nghiệp vụ và hoạt động quản lý hành chính, tạo ra sự đột phá từ nhận thức và hành động của mỗi cán bộ công chức. Trên nền tảng HCAS, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cấp thành Văn phòng số, tự động hóa quy trình xử lý hồ sơ, cung cấp dữ liệu báo cáo thời gian thực cho lãnh đạo và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.

Từ ngày 15/3/2025 Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới theo quyết định của Bộ Tài chính, đổi tên thành Chi cục Hải quan khu vực II, sắp xếp 12 chi cục hải quan trực thuộc thành 10 hải quan khu vực. Việc sắp xếp cơ cấu tổ chức và chuyển đổi hệ thống được Chi cục Hải quan khu vực II thực hiện nhanh chóng, đảm bảo yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và phù hợp với định hướng cải cách hành chính của ngành hải quan Việt Nam. 

Liên tục đột phá  

Chú thích ảnh
Các lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan phối hợp tuần tra tại Cảng Cát Lái. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, Chi cục Hải quan khu vực II đã chủ động và quyết liệt trong việc triển khai các giải pháp hiện đại hóa toàn diện. Một trong những bước ngoặt lớn là việc tiên phong triển khai Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS từ năm 2015, giúp rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý nhà nước.

Đặc biệt, Hải quan TP. Hồ Chí Minh là đơn vị đi đầu trong triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) tại cảng, kho, bãi, giúp kết nối thông suốt giữa doanh nghiệp kinh doanh kho bãi với cơ quan hải quan, giảm thiểu thủ tục giấy tờ, tối ưu hóa quy trình giám sát hàng hóa.Với mạng lưới hải quan trải rộng từ cảng biển, cảng hàng không đến khu chế xuất và khu công nghiệp, các hải quan bộ phận thuộc Chi cục Hải quan khu vực II có những đề án, phương án riêng phù hợp với từng hình thức, đối tượng thông quan khác nhau. 

Tại cảng Cát Lái - cảng biển lớn nhất của TP. Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, Chi cục Hải quan khu vực II phối hợp với đơn vị khai thác cảng triển khai đề án “Thủ tục hải quan trong hoạt động Logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái”.  Ông Vương Tuấn Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ hải quan, Chi cục Hải quan khu vực II cho biết, đề án này tập trung đơn giản các thủ tục giao nhận hàng hóa, cử cán bộ công chức hải quan trực tiếp hướng dẫn việc thông quan cho doanh nghiệp ngay tại cảng. Đây là một trong những đề án được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về hiệu quả, giúp giảm thời gian, chi phí thông quan hàng hoá cho doanh nghiệp, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc hàng hoá kéo dài nhiều năm. 

Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 2 (Hải quan cửa khẩu Cảng Hiệp Phước trước đây) thực hiện giám sát hải quan, thuế xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu tại Cụm cảng Hiệp Phước. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó đội trưởng Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 2, cho biết, Cụm cảng Hiệp Phước gồm 3 cảng Cảng Container Quốc tế Trung tâm Sài Gòn (SPCT), Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước. Trong số đó, Cảng SPCT là cửa ngõ chuyên nhập khẩu xe ô tô cho cả khu vực phía Nam, cũng là đơn vị đóng góp số thu ngân sách lớn của Chi cục Hải quan khu vực II. 

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan hàng hoá, Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 2 đã triển khai đầy đủ các nền tảng VNACCS/VCIS, thanh toán điện tử (e-Payment), hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển (VASCM) kết nối trực tiếp với hệ thống kho bãi cảng biển, dịch vụ logistics. Toàn bộ quy trình khai báo thủ tục hải quan, kiểm tra, nộp thuế và giám sát hàng hoá được thực hiện trên hệ thống điện tử, đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả.

Ông Nguyễn Thanh Hải, công chức hải quan tại Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 2 chia sẻ, cải cách quy trình hoạt động nội bộ của ngành hải quan giúp việc thực hiện nghiệp vụ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Khi doanh nghiệp nhập thông tin tờ khai hải quan lên hệ thống, công chức hải quan tiếp nhận, rà soát thông tin; nếu thông tin đúng, đủ sẽ truyền tờ khai đến bộ phận thu thuế điện tử; nếu có sai sót thì phản hồi ngay trên hệ thống để doanh nghiệp điều chỉnh. Hệ thống thông quan điện tử cũng đã liên kết với Cổng thông tin một cửa quốc gia giúp công chức hải quan có thể theo dõi, rà soát các yêu cầu về kiểm tra chuyên ngành đối với lô hàng xuất, nhập khẩu mà không cần phải đợi doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp. 

Đánh giá về quy trình thông quan hàng hoá, ông Đỗ Thành Đạt, Công ty Yusen Logistics chuyên nhập khẩu xe hơi qua Cảng SPCT chia sẻ, trải qua nhiều năm làm việc với cơ quan hải quan, quy trình thông quan đã được cải tiến rất nhiều. Trước đây doanh nghiệp phải điền tờ khai hải quan giấy, mang đến cơ quan hải quan nộp trực tiếp, nếu có sai sót sẽ phải khai lại từ đầu, đi lại nhiều lần, thời gian thông quan hàng hoá cũng chậm.

Với việc ứng dụng hệ thống thông quan tự động, nộp thuế điện tử doanh nghiệp có thể thực hiện tờ khai hải quan điện tử mọi lúc, mọi nơi, kể cả ngày nghỉ hay cuối tuần. Nếu có sai sót hay cần bổ sung hồ sơ, cán bộ hải quan sẽ phản hồi trên hệ thống và doanh nghiệp có thể cập nhật lại ngay, tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.

Bài cuối: Đối tác tin cậy của doanh nghiệp

Xuân Anh (TTXVN)
Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của chính sách thuế
Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của chính sách thuế

Ngày 4/4, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các Chi cục hải quan tìm hiểu khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ trước việc áp thuế đối ứng của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN