Dấu ấn từ sản phẩm bình dân đến hàng xa xỉ
Các cuộc kiểm tra hàng Việt của Bộ Công Thương cuối năm 2018 cho thấy một thực tế rất đáng mừng: Trong các hệ thống siêu thị hiện nay, kể cả siêu thị nước ngoài, hàng hóa Việt Nam chiếm đến trên 90%, thậm chí có nơi đạt 95%. Trong khi trước đây con số này là khoảng 70%. Ngày càng có nhiều sản phẩm nội địa chất lượng tốt, giá phải chăng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trên thị trường nước ngoài, hàng loạt các sự kiện triển lãm, hội chợ hàng Việt tại Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore… được tổ chức, thu hút đông đảo khách hàng và các nhà nhập khẩu quốc tế, mở ra cơ hội to lớn cho hàng Việt chinh phục các thị trường này bằng chính thương hiệu Việt Nam, thay vì chỉ gia công xuất khẩu như trước đây.
Tại lễ công bố Thương hiệu Quốc gia cuối tháng 12/2018, Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát lần thứ 4 liên tiếp nhận vinh dự này. Chia sẻ cảm xúc, bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, đây là sự nhắc nhở để Tân Hiệp Phát tiếp tục cải tiến hơn nữa chất lượng sản phẩm, đúng như giá trị cốt lõi “phải tốt hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”.
Trong bối cảnh quá trình mua bán - sáp nhập diễn ra rất mạnh mẽ, nhiều thương hiệu nổi tiếng Việt Nam rơi vào tay doanh nghiệp (DN) ngoại thì Tân Hiệp Phát đã từ chối lời mời bán thương hiệu của mình vào năm 2012 cho một “gã khổng lồ” nước ngoài đổi lấy 2,5 tỷ USD, với mong muốn giữ thương hiệu Việt đi chinh phục thế giới.
Tương tự như Tân Hiệp Phát, Biti’s đang mang khát vọng không chỉ “nâng niu bàn chân Việt” mà sẽ “nâng niu” thêm nhiều khách hàng quốc tế. Theo đó, Biti’s đã trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn đa quốc gia Disney tại Việt Nam, thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam nắm bản quyền và được phép sử dụng hình ảnh của Disney sau khi vượt qua hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe.
Biti’s đã trở thành một Thương hiệu Quốc gia về lĩnh vực giày dép uy tín, chất lượng với 6 lần liên tiếp được vinh danh. Biti’s xác định giá trị quan trọng nhất của DN là tích lũy tri thức trong sản phẩm và tư duy “DN dù có lớn đến đâu cũng sẽ bị đào thải nếu không tự làm mới mình cũng như xoay chuyển linh hoạt theo thị trường”.
Bà Vưu Lệ Quyên, Tổng giám đốc Biti’s cho biết: Biti's đã rất thành công tại nhiều thị trường kể cả khu vực châu Á và châu Âu. Hiện Biti’s là một trong số ít thương hiệu giày dép Việt Nam có thể xâm nhập thành công vào thị trường Trung Quốc với doanh thu bình quân ở mức 30% mỗi năm. Ngoài ra, Biti’s còn là đối tác chiến lược của hơn 40 thương hiệu nổi tiếng châu Âu.
Đã có nhiều DN có thương hiệu nổi tiếng Việt Nam đã 5 - 6 lần đạt Thương hiệu quốc gia, khẳng định vị trí, tên tuổi của mình trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và từng bước chinh phục thế giới như thiết bị điện Rạng Đông, May 10, May Việt Tiến, sữa Vinamilk, văn phòng phẩm Hồng Hà…
Đặc biệt, điểm sáng của hàng Việt năm 2018 không chỉ nằm ở nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm – đồ uống, mà lần đầu tiên Việt Nam đã có những sản phẩm công nghệ cao, mang nhiều hàm lượng chất xám với giá trị bạc tỷ gây được dấu ấn trên trường quốc tế. Đó là ô tô VinFast, điện thoại Vsmart của Tập đoàn Vingroup, điện thoại Bphone của Tập đoàn BKAV… Những sản phẩm này đã thể hiện trí tuệ của người Việt Nam và khả năng chinh phục những đỉnh cao mới của hàng Việt.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup từng chia sẻ, ô tô là sản phẩm có khả năng lớn nhất để đạt được mục tiêu xây dựng thương hiệu Việt Nam tầm cỡ quốc tế. Và thực tế Vingroup đã hiện thực hóa điều này khi ra mắt 2 mẫu xe VinFast LUX A2.0 sedan và LUX SA2.0 SUV tại Triển lãm Paris Motorshow hồi tháng 10/2018. Việc sản phẩm ô tô “made in Việt Nam” có mặt tại Paris Motorshow, hiện diện trên thị trường thế giới có thể coi là một đột phá đầy dấu ấn của hàng hóa công nghiệp Việt Nam, không chỉ chinh phục người tiêu dùng Việt Nam mà còn cả khách hàng trên thế giới.
Không cần “ưu tiên”, sẵn sàng chinh phục
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, tính đến năm 2019, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã trải qua chặng đường 10 năm, góp phần tích cực vào việc quảng bá, nâng cao chất lượng hàng Việt. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn mới, hàng Việt cạnh tranh công bằng, sòng phẳng với hàng hóa nước ngoài. Do đó, cuộc vận động sẽ chuyển hướng thành “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, xa hơn là phải chinh phục thế giới.
Để làm được điều này, các DN đã xác định những hướng đi riêng của mình, coi đó là thế mạnh để chinh phục người tiêu dùng trong nước và quốc tế, trong đó, nâng cao chất lượng, đầu tư cho truyền thông - marketing hay xây dựng chuỗi phân phối riêng là những cách làm hiệu quả đã được các DN sử dụng.
Xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu, giày dép Biti’s đã liên tục nâng cấp dây chuyền sản xuất nhằm đảm bảo một cách chuẩn mực những tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ và các quốc gia châu Âu. Việc cập nhật những kỹ thuật sản xuất mới nhằm đảm bảo tiến độ sản xuất và thời gian giao hàng.
“Ngay tại Trung Quốc, công ty không lựa chọn chiến lược giá rẻ mà đặt chất lượng lên hàng đầu cùng việc phát huy ưu thế công nghệ và con người để nâng cấp giá trị sản phẩm”, nữ Tổng giám đốc Vưu Lệ Quyên cho hay.
Bên cạnh đó, Biti’s tiếp tục khẳng định hình ảnh thương hiệu Việt khi thổi hồn văn hoá dân gian vào các sản phẩm dép tông vốn đã quen thuộc với đời sống của người Việt. Điều này thể hiện sự nhạy bén của DN hàng đầu trong lĩnh vực giày dép khi nắm bắt ảnh hưởng của văn hoá Á Đông trong xu hướng quốc tế hiện nay.
Còn theo ông Nguyễn Đoàn Kết, Ủy viên Hội đồng quản trị phụ trách tài chính của Công ty cổ phần Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông, trong xu hướng hội nhập ngày càng rộng, tại bất kì nền kinh tế nào, năng lực cạnh tranh của DN là quan trọng nhất. Khi “đem chuông đi đánh xứ người”, DN cần tìm hiểu kỹ bởi mỗi thị trường lại có những yêu cầu riêng, châu Âu khác với Hàn Quốc.
“Sản phẩm của chúng tôi thỏa mãn yêu cầu của khách hàng về độ sáng, thiết kế. Trên thực tế, Rạng Đông đã được xuất khẩu đến 13 nước và được đánh giá cao ở một số thị trường về chất lượng và giá cả. Công ty rất quan tâm đến chế độ bảo hành và có trách nhiệm đến cùng với người tiêu dùng, dù là người tiêu dùng trong nước hay nước ngoài”, ông Nguyễn Đoàn Kết cho hay.
Rạng Đông cũng tiên phong đầu tư Trung tâm nghiên cứu về nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng quy tụ hơn 90 thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên gia, hướng tới tăng giá trị chất xám trong từng sản phẩm, thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Cùng với việc nâng cao chất lượng thì khâu phân phối đã được DN Việt Nam đặc biệt quan tâm. Với những DN “có điều kiện”, xây dựng kênh phân phối riêng là cách tốt nhất để hàng hóa của họ chinh phục người tiêu dùng một cách chủ động mà không phụ thuộc vào các kênh phân phối bên ngoài.
Trong lĩnh vực dệt may, Việt Tiến, May 10, Nhà Bè… đều xây dựng những chuỗi cửa hàng bán lẻ, showroom giới thiệu sản phẩm riêng. May Đức Giang chỉ trong vòng 2 – 3 năm qua cũng đã mở hàng chục cửa hàng giới thiệu sản phẩm khắp Hà Nội để quảng bá các sản phẩm thời trang cao cấp. Công ty có đội ngũ thiết kế riêng, đảm bảo mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng là một tác phẩm đẹp và “không đụng hàng”.
Với những DN nhỏ hơn thì thương mại điện tử là giải pháp phù hợp để quảng bá sản phẩm. SenseAsia mặc dù mới ra mắt thị trường dòng sản phẩm trà – cà phê Việt Nam mang thương hiệu “Mr Việt” nhưng đã tự tin tham gia Tuần hàng Việt Nam do Bộ Công Thương và Central Group tổ chức tại Thái Lan hồi tháng 8. Cùng với đó, công ty cũng nỗ lực bán hàng qua các trang thương mại điện tử của Việt Nam và nước ngoài như Lazada, Shopee, Alibaba… qua đó bán hàng trực tuyến rất hiệu quả mà không phải tốn quá nhiều chi phí.
Những nỗ lực trên nhiều mặt của DN Việt Nam trong năm qua và các năm sắp tới cho chúng ta niềm tin rằng hàng hóa Việt Nam đủ sức chinh phục người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Brand Finance công bố, thương hiệu “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD, tăng 32 tỷ USD so với năm trước và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí này được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của chương trình Thương hiệu Quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.