Đây là nhận định của bài báo đăng tải trên trang mạng mckinsey.com mới đây về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sau thành công kiểm soát đại dịch.
Theo bài báo, Việt Nam đã phát triển kinh tế tốt hơn nhiều nước, dù vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý đầu tiên ở mức thấp nhất kể từ năm 2010 nhưng nằm trong vùng tích cực ở mức 3,8%. Xuất khẩu và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiêu dùng trong nước đã (và dự kiến sẽ tiếp tục) đóng vai trò rất quan trọng để phục hồi nền kinh tế. Việt Nam có tầng lớp trung lưu và thu nhập khả dụng đang gia tăng nhanh chóng, chi tiêu trong nước từ lâu đã trở thành động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, đóng góp 68% GDP. Bên cạnh đó, tình trạng phong tỏa của Việt Nam chỉ kéo dài 22 ngày, ngắn hơn đáng kể so với nhiều quốc gia khác, điều này đã giúp giảm bớt một số áp lực đối với tiêu dùng. Gói kích thích trị giá 27.000 tỷ đồng được thực hiện vào tháng 3, nhằm vào các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ, cũng giúp tăng nhu cầu.
Bài báo cho biết hiện vẫn phải theo dõi xem tiêu dùng trong nước có thể giữ cho nền kinh tế tăng trưởng bao lâu nếu tăng trưởng trong các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế không phục hồi. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ đặc điểm chi tiêu của Việt Nam, có thể rút ra một số yếu tố giúp đem lại sự tự tin cho nền kinh tế. Lý do chính cho sự lạc quan nằm ở chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, đóng góp 42% GDP quốc gia, so với chỉ 26% của các chi tiêu không cố định. Cắt giảm chi tiêu chủ yếu trong danh mục chi tiêu không cố định, do đó một phần đáng kể của nền kinh tế đất nước có thể được bảo vệ tương đối tốt.
Theo bài viết, sản xuất là ngành quan trọng cho sự tăng trưởng của Việt Nam, giúp Việt Nam đạt được một trong những tỷ lệ thương mại trên GDP cao nhất ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nguồn cung, khi Trung Quốc rơi vào tình trạng phong tỏa và sau đó do nhu cầu giảm mạnh khi các thị trường xuất khẩu chính bị đình trệ. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm sáng đáng khích lệ. Việt Nam đã tiến hành các biện pháp quan trọng để duy trì hoạt động của ngành sản xuất dù các nước khác vẫn đang trong tình trạng bị phong tỏa. Cụ thể, các kỹ sư từ 2 tập đoàn điện tử nước ngoài lớn đã được phép vào Việt Nam từ đầu năm nay để đảm bảo các nhà máy của họ tiếp tục hoạt động hết công suất.
Chính phủ Việt Nam cũng hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để tăng cường sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) cho các công nhân làm trong các lĩnh vực thiết yếu, giúp họ tiếp cận các thị trường toàn cầu. Khi các nhà sản xuất trên toàn cầu bắt đầu đánh giá lại các chiến lược chuỗi cung ứng của họ để giải quyết các yếu kém bị đại dịch phơi bày, Việt Nam vẫn ở thế mạnh. Đất nước này từ lâu đã là một điểm đến hấp dẫn. Một cuộc khảo sát của McKinsey với các giám đốc điều hành tìm nguồn cung ứng thời trang được công bố vào tháng 5 ủng hộ nhận định này, với 24% số người được hỏi cho biết họ hy vọng sẽ thấy sự gia tăng sản xuất tại Việt Nam, nhiều hơn bất kỳ địa điểm nào khác ở châu Á.
Bài báo nhận định năm nay sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức, nhưng Việt Nam có thể hy vọng sự tăng trưởng mạnh mẽ của những năm gần đây sẽ trở lại vào năm tới và nó có thể sẽ chứng kiến sự trở lại vị trí là một điểm đến hấp dẫn một khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi. Nếu Việt Nam có thể duy trì thành tích trong việc kiềm chế tốt dịch COVID-19, đồng thời tạo ra sự thay đổi cấu trúc phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng trong thập kỷ tới, quốc gia này không chỉ có thể lấy lại vị thế kinh tế trước khi xảy ra dịch bệnh mà còn tạo động lực cho đà tăng trưởng mới. Hầu hết các cơ quan quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi vào cuối năm nay và sẽ tăng tốc trong năm tới. Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,8 đến 7% vào năm 2021.