Những tháng đầu năm 2020, lĩnh vực kinh tế - xã hội Việt Nam bị tác động lớn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Với sự quyết liệt, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị và người dân cả nước, chúng ta đã thực hiện tốt mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế và đời sống người dân.
Phát biểu tại phiên chiều, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dành nhiều thời gian để nói về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và những bài học kinh nghiệm.
Phó Thủ tướng nêu rõ: "Chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân và nhiều lực lượng chức năng khác, nhưng đặc biệt là nhân dân Việt Nam rất tuyệt vời".
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn tới tất cả các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tham gia phòng, chống dịch.
Ngay khi có những thông tin đầu tiên về dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế từ tháng 12/2019 tham vấn với các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch để chống dịch rất căn cơ, bài bản theo đúng nguyên lý đã được đúc kết kinh nghiệm từ các đợt chống dịch trước đây.
Việt Nam là nước đưa ra các giải pháp sớm hơn một bước và cao hơn một bước so với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Ví dụ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra mức độ của COVID-19 là lây nhiễm hạn chế thì Việt Nam đã nâng lên mức lây nhiễm.
Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với tất cả người nhập cảnh từ vùng dịch. Các tổ chức, bạn bè quốc tế sau này đã đánh giá những biện pháp của Việt Nam rất đúng, rất sớm, rất kiên quyết và hiệu quả kinh tế cao nhất bởi tổng chi phí cho chống dịch của Việt Nam đến ngày hôm nay là rất thấp so với nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và có nhiều nguy cơ, tác động đến Việt Nam. "Việt Nam như một cánh đồng trũng, nước ở ngoài sông cao hơn rất nhiều và vẫn tiếp tục mưa. Chúng ta buộc phải giữ thật chặt nhưng không thể đóng cửa cực đoan, phải thực hiện mục tiêu kép mà phải đảm bảo an toàn" - Phó Thủ tướng đưa ra so sánh.
Tinh thần chống dịch cần tiếp tục được phát huy
Theo Phó Thủ tướng, mỗi khi đất nước đứng trước thử thách lớn thì lòng yêu nước của nhân dân ta, tinh thần tự hào dân tộc, cùng giá trị tốt đẹp nhất của mấy nghìn năm văn hiến lại được bừng lên, giúp Việt Nam chiến thắng các cuộc chiến vệ quốc trước đây, và bây giờ là cuộc chiến chống COVID-19.
Phó Thủ tướng mong rằng tinh thần đấy tiếp tục được khơi dậy, nâng lên để Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội cải thiện vị thế của mình trên trường quốc tế, trong tất cả các lĩnh vực.
Phó Thủ tướng nêu hai điểm cần tiếp tục được thúc đẩy, phát huy, sau thời gian phòng, chống dịch. Thứ nhất, trong công cuộc chống dịch vừa qua, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước, đã được thể hiện một cách rất sinh động.
Trong thời gian phòng, chống dịch, công việc của Chính phủ, Quốc hội vẫn được tiến hành bình thường, hiệu quả. Số lượng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân tăng lên rất nhiều.
Ứng dụng công nghệ khám chữa bệnh, hội chẩn từ xa cũng giúp điều trị thành công không chỉ các ca nhiễm COVID-19 ở cả tuyến huyện, mà còn góp phần thúc đẩy hoạt động điều trị từ xa đối với những bệnh nhân khác. "Nếu tiếp tục thúc đẩy những kết quả, kinh nghiệm có được trong thời gian qua thì Việt Nam sẽ giành được kết quả cụ thể hơn trong việc thực hiện các đề án phát triển công nghệ, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng 4.0", Phó Thủ tướng đánh giá.
Thứ hai, phòng, chống dịch thành công bởi một tinh thần như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định là không để ai bỏ lại phía sau, hết sức chú ý đến những đối tượng yếu thế, có nhiều chính sách để lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Phó Thủ tướng mong muốn những tư tưởng, những chính sách đó sẽ tiếp tục được thúc đẩy để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người; giúp cho những người yếu thế vươn lên trong thời gian tới. Đây là lĩnh vực rất rộng, đã cố gắng từ nhiều năm nhưng đã đến lúc cần phải chú trọng nhiều hơn nữa.
Kích cầu du lịch nội địa
Tham gia giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thời gian qua, toàn ngành cùng cả nước đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phòng, chống dịch và các giải pháp nhằm phục hồi kinh tế theo Chỉ thị của Thủ tướng.
Theo Bộ trưởng, đại dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Sau khi Thủ tướng đồng ý nới lỏng giãn cách xã hội, các hoạt động bắt đầu phục hồi dần.
Các di tích danh lam thắng cảnh của đất nước đã mở cửa trở lại trong tháng 5 để đón khách bình thường. Ví dụ, vịnh Hạ Long đã đón 130 nghìn lượt khách; Khu du lịch Tràng An đã đón 76 nghìn lượt khách, trong đó có 1.900 khách quốc tế, tuy nhiên đây là khách quốc tế ở Việt Nam…; 11 bảo tàng tiêu biểu đã đón 66 nghìn lượt khách. Các hoạt động văn hóa cơ sở đã diễn ra sôi nổi. Nhiều cuộc triển lãm tranh cổ động tuyên truyền trực quan được tổ chức tại các thành phố, đô thị; các thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát cũng mở cửa trở lại bình thường.
Trong lĩnh vực thể thao, một số hoạt động đã trở lại bình thường, đặc biệt là Giải Bóng đá vô địch quốc gia. Các giải bóng đá ở Việt Nam rất đông khán giả đến xem. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức giải bóng đá có khán giả đến xem trong tình hình hiện nay, được thế giới đánh giá rất cao nhờ công tác phòng, chống dịch tốt.
Các hoạt động thể dục - thể thao khác cũng được tổ chức; các vận động viên được triệu tập để tập luyện bình thường, chuẩn bị cho các giải đấu sắp tới.
Theo Bộ trưởng, “Các hoạt động văn hóa - thể thao đang hoạt động trở lại bình thường một cách nhanh nhất”.
Bộ trưởng cho biết, với riêng ngành du lịch, các giải pháp kích cầu du lịch nội địa đã phát huy tác dụng. Các điểm đến từng bước được mở cửa và đón khách trở lại.
Ông cho biết, Việt Nam sẽ xem xét việc từng bước mở cửa cho khách quốc tế, nhưng vẫn phải đặt yếu tố an toàn lên trên hết. Ngoài ra, sau dịch, việc cạnh tranh khách quốc tế giữa các quốc gia sẽ rất khốc liệt. Do đó, Việt Nam phải tận dụng lợi thế của mình.