Tại cánh đồng lúa thuộc khu vực Phú Thành, phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn), mưa lớn trong những ngày qua đến sáng ngày 29/12 đã khiến cho hàng trăm hecta lúa Đông Xuân mới gieo sạ của nhiều hộ dân bị nước lũ cuốn trôi. Một số chân ruộng cao cũng bị ngập gần 20 cm, khiến cho cây lúa bị thối rễ, hư hại.
Hộ gia đình ông Lê Văn Phước (khu vực Phú Thành, phường Nhơn Thành) có trên 7.000 m2 lúa vừa gieo sạ trong vụ Đông Xuân này đã bị nước lũ cuốn trôi gần một nửa diện tích. Ông Thành cho biết, ông gieo sạ theo đúng lịch thời vụ nhưng vừa gieo xong thì bất ngờ gặp mưa lớn gây ngập, thiệt hại hơn 4 triệu đồng tiền lúa giống. Hiện ông Phước đang chờ nước rút để tiến hành gieo sạ lại.
Tại một số cánh đồng trũng thấp thuộc xã Nhơn Hạnh (thị xã An Nhơn), nông dân vừa gieo sạ xong cách đây 3 ngày cũng đã bị nước lũ tràn vào ruộng cuốn trôi lúa giống.
Ông Võ Văn Rạng (thôn Hòa Tây, xã Nhơn Hạnh) cho biết, ông có gần 5.000 m2 lúa Đông Xuân vừa gieo sạ thì toàn bộ bị nước lũ cuốn trôi. Ông Rạng cho biết, sau khi bão số 9 đi qua và đặc biệt là sau ngày Đông Chí (21/12) là thời điểm hết mưa lụt theo kinh nghiệm dân gian nên người dân nơi đây xuống giống toàn bộ diện tích. Tuy nhiên, mưa lớn xuất hiện bất thường đã gây ngập úng, hư hại hầu hết diện tích mới gieo sạ.
Theo lịch thời vụ Đông Xuân 2021 - 2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, những diện tích ở chân ruộng cao gieo sạ trước ngày 15/12, còn những chân ruộng thấp trũng sẽ gieo sạ sau ngày 20/12. Đây là thời điểm thông thường hết bão lũ để thuận lợi sản xuất. Tuy nhiên, bão số 9 trong hai ngày 18 và 19/12 đã làm ngập úng hơn 6.000 ha lúa Đông Xuân ở các chân ruộng gieo sạ sớm. Đến đợt mưa lớn những ngày qua, toàn tỉnh có trên 8.100 ha lúa bị ngập.
Chị Phạm Thị Thơ, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) có hơn 1.500 m2 lúa gieo sạ vụ Đông Xuân bị ngập úng trong bão số 9 khiến toàn bộ diện tích bị hư hại. Chị phải gieo sạ lại ngay sau đó cho kịp lịch thời vụ. Tuy nhiên, đợt mưa lớn xuất hiện trong những ngày qua khiến hơn một nữa diện tích lúa giống bị nước lũ cuốn trôi. Diện tích còn lại lúa đã nảy mầm nhưng có khả năng chết cây rất cao do bị ngập.
Chị Thơ cho biết, hiện gia đình chị đang huy động máy bơm nước để hút nước trong chân ruộng bị ngập ra nhưng vừa hút được nước ra thì lũ trên sông dâng cao lại tiếp tục tràn vào ruộng.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, khi bão số 9 ảnh hưởng đến tỉnh Bình Định, Sở đã có văn bản yêu cầu các địa phương tạm dừng việc gieo sạ đến ngày 20/12. Sau thời gian này, nông dân tiếp tục gieo sạ; nhưng sau đó lại gặp mưa lớn trong 3 ngày 26, 27 và 28/12. Đây là đợt mưa lớn bất thường so với mọi năm.
Ngoài ra, sau bão số 9, tất cả các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã đầy nước. Khi có mưa lớn, các hồ không thể tích nước nữa mà bắt buộc phải vận hành xả nước; cùng với mưa lớn phía hạ lưu nên đã gây ngập úng ở nhiều diện tích ruộng của người dân.
Qua thống kê, diện tích lúa Đông Xuân bị ngập trên toàn tỉnh trong những ngày qua tập trung ở các vùng trũng thấp ở các địa phương; trong đó, huyện Phù Cát bị ngập 1.610 ha; thị xã An Nhơn ngập trên 1.500 ha; thị xã Hoài Nhơn ngập 1.300 ha; huyện Tuy Phước gần 1.300 ha; huyện Tây Sơn trên 1.000 ha; còn lại thuộc các huyện Hoài Ân, huyện An Lão, huyện Phù Mỹ và thành phố Quy Nhơn.
Hiện lượng nước trên các cánh đồng vẫn chưa rút nên ngành chức năng tỉnh Bình Định chưa thể thống kê thiệt hại lúa Đông Xuân bị ngập. Trước mắt, các địa phương huy động lực lượng và người dân nạo vét, khơi thông dòng chảy để hạn chế lúa giống bị hư hại.