Lúa Đông Xuân vùng ngọt hóa Gò Công thu lãi cao

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021, nông dân các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công là Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo đã xuống giống được trên 21.800 ha, đạt trên 96% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây thu hoạch lúa Đông Xuân sớm.

Hiện nay, toàn vùng đã có trên 15.500 ha lúa chín tới đang bắt đầu cho thu hoạch và đến ngày 22/2, bà con đã thu hoạch đầu vụ được gần 4.000 ha, năng suất bình quân đạt 65,3 tạ/ha và sản lượng thu hoạch đạt gần 25.000 tấn.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, vụ Đông Xuân năm nay, nông dân các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công đã vượt qua thách thức do hạn mặn, giành vụ sản xuất thắng lợi, bội thu.

Qua đánh giá, vụ này, trà lúa đạt năng suất bình quân từ 65,3 tạ đến 65,5 tạ/ha và cao hơn 12,6 tạ/ ha so với vụ Đông Xuân năm trước, sản lượng cả vụ ước đạt trên 143.000 tấn lúa hàng hóa. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch dứt điểm vụ Đông Xuân an toàn, thắng lợi trước khi mùa khô hạn và xâm nhập mặn tại đây vào cao điểm, tránh thiếu nước hoặc thiệt hại lúc cuối vụ sản xuất.

Đáng mừng là lúa Đông Xuân đang có giá, bà con lãi cao hơn vụ Đông Xuân năm trước nên rất phấn khởi. Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, giá lúa hàng hóa thương lái thu mua đang ở mức trên 8.600 đồng/kg lúa, cao hơn vụ Đông Xuân 2019 - 2020 từ 1.900 đồng đến 2.000 đồng/kg tùy theo địa bàn, giúp nông dân thu lãi ròng gần 32 triệu đồng/ha, cao hơn 13,3 triệu đồng so với vụ Đông Xuân năm trước.

Vùng ngọt hóa Gò Công có truyền thống về trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang. Trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021, bà con gieo sạ nhóm giống lúa thơm, lúa chất lượng cao chiếm đến 99,8% tổng diện tích gieo sạ, nhóm lúa thường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ là 0,2%. Các giống lúa được gieo sạ phổ biến, tạo thành những vùng chuyên canh lớn gồm: Nàng Hoa 9, VD 20, OM 5451, OM 4900,… Đây cũng là yếu tố tích cực giúp nông dân địa phương tăng thêm lợi nhuận từ sản xuất lúa.

Để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân thắng lợi trong tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp, thiên tai hạn - mặn đe dọa trên diện rộng, ngay từ đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã triển khai kế hoạch xuống giống vụ Đông Xuân gắn với các phương án phòng chống hạn - mặn, giảm nhẹ thiên tai phù hợp với đặc thù khu vực; trong đó, chú trọng triển khai nhanh các giải pháp ứng phó hạn - mặn, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, phân bố lịch thời vụ gieo sạ tập trung cho từng tiểu vùng nhằm đảm bảo cho nông dân thu hoạch an toàn và dứt điểm trà lúa Đông Xuân, không để thiên tai gây thiệt hại.

Bên cạnh đó, các địa phương huy động nhân lực và phương tiện ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương; đồng thời, khuyến cáo nông dân có giải pháp tôn cao bờ vùng, bờ thửa, cải tạo ao mương nhằm trữ nước phục vụ sản xuất. Ngoài ra, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang xây dựng kế hoạch và vận hành các cống lấy nước hợp lý, tích cực lấy nước tối đa vào trữ trong nội đồng khi có điều kiện.

Nhờ vậy, nhìn chung, trong vụ Đông Xuân nguồn nước ngọt sản xuất rất dồi dào, bảo đảm phục vụ tưới tiêu, tạo tiền đề cho nông dân địa phương giành thêm một vụ sản xuất mới thắng lợi bù đắp những thiệt hại do thiên tai, hạn - mặn khốc liệt trong mùa khô 2019 - 2020 vừa qua.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Lúa Đông Xuân tại Hậu Giang được giá
Lúa Đông Xuân tại Hậu Giang được giá

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, giá lúa tươi vụ Đông Xuân 2020 – 2021 đang cao hơn cùng kỳ từ 500 đồng/kg đến 800 đồng/kg.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN