Nhiều tiềm năng phát triểnCục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) thống kê, đến hết tháng 4/2016, số lượng tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam là 137 chiếc, tăng 3 chiếc so với năm 2015 và tăng 24 chiếc so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, Vietnam Airlines có 88 chiếc (51 Airbus 321, 10 Airbus 330, 4 Airbus 350, 8 Boeing 777, 11 ATR72, 6 Boeing 787; Vietjet có với 27 chiếc (24 Airbus 320, 3 Airbus 321); Jetstar Pacific có 13 chiếc (11 Airbus 320, 2 Airbus 321) và các hãng Vasco, Hành tinh xanh có từ 1 - 3 chiếc. Đến thời điểm này, Việt Nam có 45 hãng hàng không quốc tế của 25 quốc gia mở các đường bay đến, với 83 đường bay kết nối từ 47 nước đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc.
Hiện nay, mỗi năm ngành Hàng không Việt Nam thu về 6 tỷ USD. Theo dự báo của IATA, Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ ba trên thế giới xét về lượng hành khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển trong năm 2016. Điều này mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà sản xuất máy bay lớn Boeing, Airbus hay các hãng sản xuất máy bay khu vực Mitsubishi Aircraft Corp, Bombardier, Embraer tham gia thị trường hàng không Việt Nam.
Đội tàu bay hiện đại của Vietjet phục vụ các đường bay trong nước và quốc tế. |
Các hãng hàng không Việt Nam đã có sự phát triển nhanh trong thời gian qua. Hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam là VietJet Air mới đây đã đặt mua 92 tàu bày Airbus trị giá 9 tỷ USD và đang có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) hoặc Singapore để huy động vốn cho việc mở rộng hoạt động. Ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc Vietjet cho biết: Với các đơn đặt hàng tàu bay mới, Vietjet Air đặt mục tiêu mở thêm nhiều đường bay mới tới Tokyo, Bắc Kinh, Singapore, Kuala Lumpur và Hàn Quốc, tiếp đó là Nga, Trung Quốc và Australia, cùng nhiều điểm đến khác.
Với thế mạnh là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines đã đặt mua 8 chiếc Boeing 787 Dreamliner và 11 chiếc khác thông qua các công ty cho thuê máy bay. Còn đại diện Jetstar Pacific cũng cho hay sẽ tăng gấp ba số tàu bay trong đội bay hiện có 5 chiếc Airbus A320 lên 16 chiếc trong vài năm tới.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam xuất phát nhiều từ các yếu tố địa lý. Việt Nam có chiều dài 1.650 km, các thành phố lớn và các địa điểm du lịch ở cách xa nhau, trong khi cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt còn chậm phát triển. Hơn nữa, Việt Nam chỉ cách một vài giờ bay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và Trung Quốc, nên rất thuận tiện để làm điểm trung chuyển cho các hãng hàng không quốc tế.
Không ngừng cải thiện chất lượng Không chỉ đầu tư cho đội tàu bay hiện đại, Vietnam Airlines cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, với việc cung cấp thực đơn đa dạng với các thực phẩm có chất lượng cao, đảm bảo về nguồn gốc thực phẩm. Theo ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Dịch vụ thị trường Vietnam Airlines, hãng hiện đã nâng cấp chất lượng dịch vụ dành cho đối tượng khách hàng cao cấp và trên các đường bay dài, phù hợp với các xu thế dịch vụ của các hãng hàng không hàng đầu thế giới gồm từ dịch vụ phòng chờ, check-in, ăn uống, trên máy bay theo chuẩn khách sạn, bán hàng miễn thuế, quầy bar… đảm bảo 100% các tiêu chí dịch vụ (theo đánh giá của Tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh quốc) xếp hạng 4 sao trở lên.
Quầy đồ uống đạt chất lượng dịch vụ 4 sao của Vietnam Airlines.Ảnh: Tiến Hiếu Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định: Vietnam Airlines và các hãng hàng không 5 sao trên thế giới có cùng chất lượng dịch vụ của khoang hạng thương gia. Vietnam Airlines chú trọng nâng chất lượng dịch vụ từ 4 sao lên 5 sao bắt đầu từ các yếu tố con người với tác phong phục vụ, độ chuyên nghiệp, nhằm đảm bảo trong vòng 3 năm nữa đạt chuẩn quốc tế hãng hàng không 5 sao dựa trên sự đáp ứng đồng bộ trên không và mặt đất.
Trong khi đó, Vietjet Air hướng tới mục tiêu biến việc đi lại bằng đường hàng không trở thành phương thức đi lại phổ biến cho người dân trong và ngoài nước, kết nối giao thương, du lịch giữa các điểm đến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền. Để làm được điều này, năm 2016, hãng có kế hoạch mở thêm 3 đường bay quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ Skyboss và khoang hành khách, đảm bảo 99% hành khách hài lòng, 95% hành khách quay lại sử dụng dịch vụ của Vietjet. Hãng đã đầu tư lớn cho những chỉ số kỹ thuật, an toàn khai thác, xây dựng hệ thống quản lý quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực và đã được IATA trao chứng nhận An toàn khai thác IOSA cho Vietjet từ năm 2015, trở thành hãng hàng không thứ hai (sau Vietnam Airlines) và nằm trong số 16% hãng hàng không trên toàn thế giới được nhận chứng chỉ quan trọng này.
Một trong những thay đổi lớn nhất của Jetstar Pacific là hãng đã tái cấu trúc toàn diện đội tàu bay bằng cách chỉ khai thác thay thế toàn bộ tàu bay Boeing 737 bằng đội tàu bay mới, hiện đại Airbus A320 có chi phí nhiên liệu thấp hơn, hoạt động ổn định và số lượng ghế nhiều hơn. Lãnh đạo Jetstar Pacific cho biết: Cùng với tái cơ cấu đội bay, hãng đang phối hợp với Vietnam Airlines thực hiện chiến lược “Thương hiệu kép”, học tập theo mô hình phối hợp giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ đang được áp dụng thành công như: Qantas Airways và Jetstar Airways ở Australia, Singapore Airlines với SilkAir, TigerAirways và Scoot Airlines ở Singapore, Thai Airway và Nok Air, ThaiSmile ở Thái Lan… để kết hợp mạng bay, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển kênh bán đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.