Hàng không Việt Nam: Cần 'đột phá' từ nguồn nhân lực

Hàng không Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển trong bối cảnh mức độ cạnh tranh giữa các hãng hàng không đang nóng dần. Các hãng liên tục mở rộng đội bay, thiết lập các tuyến mới và chuẩn bị phát hành cổ phiếu ra công chúng. Tuy nhiên, chính sự “bùng nổ” này đã kéo theo một loạt những bất cập mà ngành hàng không đang phải đối mặt. 

 

Tăng trưởng thì ấn tượng

 

Theo Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 21/QĐ-TTg ngày 8/1/2009 (Quyết định 21), sau 5 năm triển khai đã đạt được một số kết quả nhất định trong các lĩnh vực như: Quản lý hoạt động bay, xây dựng, phát triển mạng cảng hàng không, đa dạng các sản phẩm dịch vụ…..

 

Hiện Vietnam Airlines đang khai thác 60% phi công người Việt, đến năm 2015 sẽ nâng lên 75%.

 

Nhu cầu của thị trường vận chuyển hàng không về cơ bản được đáp ứng, với mạng lưới đường bay dần phủ kín các vùng miền (từ 31 đường bay nội địa năm 2009, lên 42 đường bay vào năm 2013), mạng bay quốc tế được mở rộng (từ 36 lên đến 53 đường bay). Tổng lượng hành khách giai đoạn này đạt trên 175 triệu người, tăng trưởng trung bình gần 17%/năm, hàng hóa - bưu kiện thông qua cảng hàng không đạt gần 3,1 triệu tấn, tăng trưởng bình quân 12,7%/năm. Riêng năm 2013, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không đối với thị trường nội địa là 21,5%.

 

Trên thực tế, Nhà nước đã thực hiện chính sách hội nhập quốc tế về tự do hóa vận tải hàng không với các nước, chính sách thu hút, kêu gọi các hãng hàng không mở đường bay mới đã góp phần phát triển thị trường hàng không trong nước. Hiện tại đã có 49 hãng hàng không nước ngoài thuộc 17 quốc gia khai thác 71 đường bay quốc tế vào Việt Nam.

 

Đến hết tháng 5/2014, đội tàu bay của các hãng hàng không đã không ngừng lớn mạnh với tổng số tàu bay đang khai thác là 99 chiếc, đều là dòng máy bay hiện đại. Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đang khai thác 81 tàu bay, Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific (Jetstar) với 7 tàu bay, Công ty cổ phần hàng không VietJet (VietJet Air) đang khai thác 11 tàu bay.

 

Về quy hoạch tổng thể cảng hàng không, đến nay đã hoàn thành 25/26 cảng hàng không theo quy hoạch được duyệt với tỷ lệ 96%, gồm 10 cảng hàng không quốc tế, 15 cảng hàng không nội địa. Việc cơ bản hoàn thành quy hoạch mạng cảng hàng không sân bay đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa.

 

Bên cạnh đó, nhờ chính sách của Nhà nước trong việc tự do hóa thị trường vận tải hàng không đã tạo môi trường cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng. Đơn cử như VietJet Air mới tham gia thị trường được hơn 2 năm nhưng đã chiếm được 26% thị phần trong nước, Vietnam Airlines từ hãng hàng không gần như độc quyền trên thị trường hiện nay chỉ chiếm 65% thị phần. Điều này cho thấy, thị trường hàng không đã có sự cạnh tranh hết sức sôi động, cộng thêm chính sách về giá vé linh hoạt giúp các tầng lớp nhân dân đều có thể sử dụng được dịch vụ hàng không – một dịch vụ vốn được coi là "xa xỉ".

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, trong quá trình thực hiện Quyết định 21 vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được tháo gỡ. Cụ thể như: khả năng khai thác các đường bay quốc tế đến tại các cảng hàng không còn chậm; khó khăn trong việc đầu tư tại các cảng hàng không địa phương để đáp ứng khai thác tàu bay A321. Riêng Vietnam Airlines chưa xây dựng được đội tàu bay chở hàng riêng và thị phần vận chuyển hàng quốc tế còn khiêm tốn. Trong khi đó, số phi công nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn; năng lực của các cơ sở bảo dưỡng tàu bay của Việt Nam mới chỉ đảm nhận được phần lớn công tác bảo dưỡng thân tàu bay, còn bảo dưỡng động cơ và thiết bị vẫn phải thuê nước ngoài...

 

 …nhưng nguồn nhân lực thiếu và yếu

 

Mục tiêu đặt ra của Cục Hàng không Việt Nam là phấn đấu đến năm 2020 lực lượng lao động trong ngành có đầy đủ khả năng đáp ứng yêu cầu, trong đó đáp ứng 100% nhu cầu về phi công, tự đảm bảo quản lý, khai thác, bảo dưỡng và đáp ứng phần lớn nhu cầu về sửa chữa các trang thiết bị chuyên ngành.

 

Theo các hãng hàng không, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực rất thiếu và yếu. Tính đến tháng 12/2013, lao động toàn ngành là 32.695 người. Con số này chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa tương xứng với tốc độ phát triển của thị trường. Điều đó khiến các hãng hàng không buộc phải tìm giải pháp thuê nhân lực từ nước ngoài với giá thuê cao gấp nhiều lần so với nhân lực trong nước. Hiện nay, ngoài Vietnam Airlines, các hãng hàng không còn lại cũng đều phải thuê phần lớn phi công và kỹ sư nước ngoài.

 

Dự báo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, từ nay đến năm 2020 ngành hàng không Việt Nam cần bổ sung mỗi năm khoảng 6.000 người. Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng Giám đốc VietJet Air chia sẻ, nhân lực là bài toán rất khó cho hãng bởi ngành hàng không đòi hỏi trình độ chuyên môn và các dịch vụ chuyên biệt. Trong khi đó hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành hàng không vừa thiếu, vừa yếu. Trong Quyết định 21 có đề cập đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho các hãng hàng không nhưng đến thời điểm này vấn đề nhân sự chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

Giám đốc Văn phòng miền Bắc của Jetstar Dương Hoài Nam đánh giá: Hàng không là ngành đặc thù, vì vậy nguồn nhân lực của ngành cũng có tính đặc thù. Hiện tại, hầu hết sinh viên tốt nghiệp các trường đại học đều không thể sử dụng được ngay mà các doanh nghiệp hàng không phải mất thời gian và chi phí để đào tạo lại.

 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhiều ngành đòi hỏi chuyên môn cao và chuyên biệt như hàng không thì yêu cầu nguồn nhân lực phải đi trước 2 đến 3 năm khi mở rộng kinh doanh. Ông Trịnh Quốc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý cảng hàng không, sân bay (Cục Hàng không Việt Nam) cho rằng: Để tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành theo đúng định hướng, các doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục quan tâm và nỗ lực hơn nữa trong công tác đào tạo, huấn luyện nhân viên, yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an toàn hoạt động bay.

 

Một nguyên nhân nữa dẫn đến khan hiếm nguồn nhân lực kỹ thuật cao của ngành hàng không chính là áp lực về kinh tế. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp đã tiết giảm chi phí để tăng lợi nhuận, kể cả chi phí đào tạo. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát đối với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hàng không chưa được duy trì thường xuyên, kém hiệu quả cũng tác động gián tiếp đến chất lượng đào tạo và phát triển nhân lực ngành hàng không.

 

Với thực trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Học viện Hàng không Việt Nam tổ chức đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không theo mục tiêu đã đề ra và coi đây là khâu đột phá trong trong chiến lược phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020.

 

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Tâm kiến nghị: Bộ Giao thông Vận tải cần sớm có cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng hàng không phát triển, cụ thể là chính sách tạo điều kiện trong phê chuẩn lịch bay, chính sách dịch vụ, trong đào tạo cán bộ (phi công, kỹ thuật,…) và các chương trình hợp tác nước ngoài. Cùng với đó, tạo điều kiện về mặt bằng để VietJet Air xây dựng Trung tâm đào tạo và các cơ sở dịch vụ kỹ thuật, hậu cần…

 

Cùng với vấn đề nguồn nhân lực, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không cũng là yếu tố quan trọng giúp ngành phát triển bền vững. Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đề xuất: nhà nước cần bổ sung, nâng cấp các trang thiết bị còn thiếu và điều kiện khai thác tại một số sân bay như sân bay Pleiku, Côn Đảo, Chu Lai, Điện Biên, Cát Bi, Thọ Xuân …

 

Một số ý kiến khác lại cho rằng, cần phải đa dạng hóa các hình thức đầu tư, khuyến khích phương án hợp vốn đầu tư trong nước đối với tất cả các thành phần kinh tế, mở rộng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, khuyến khích nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), các dạng đầu tư như BT, BOT, BOO, PPP… cho việc phát triển Cảng hàng không Chu Lai, Long Thành, các cảng hàng không, sân bay mới, phát triển công nghiệp hàng không, các cơ sở kỹ thuật thương mại khác tại các cảng hàng không.

 

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có kế hoạch hợp tác, liên kết với nước ngoài đầu tư xây dựng cơ sở bảo dưỡng tàu bay thân lớn, tầm cỡ khu vực tại Cảng hàng không Chu Lai, Long Thành với mục đích đáp ứng nhu cầu trong nước, sau đó sẽ xuất khẩu dịch vụ bảo dưỡng tàu bay cho các hãng hàng không khác trong khu vực. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng giao cho Cục Hàng không Việt Nam sớm hoàn thiện việc rà soát, chỉnh sửa chiến lược, quy hoạch phát triển. Trong đó, phải đánh giá tổng thể số lượng cảng hàng không đang hoạt động hiệu quả, số lượng cảng dự kiến nâng cấp cải tạo, xây mới so với nhu cầu thực tế, có so sánh với các nước trong khu vực, từ đó kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình Việt Nam.

 

Quang Toàn

An toàn hàng không phải được đặt hàng đầu
An toàn hàng không phải được đặt hàng đầu

Thời gian gần đây, ngành hàng không liên tục xảy ra các sự cố như: máy bay hạ nhầm sân bay, tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến gia tăng, dịch vụ hàng không đắt đỏ... khiến hình ảnh ngành hàng không bị ảnh hưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN