Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn thông cáo báo chí của MOF ngày 21/2 cho biết trong khuôn khổ nguồn vốn ODA, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy dự án sử dụng rừng ngập mặn ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam và chuyển giao công nghệ liên quan để nuôi trồng các loại động vật giáp xác như tôm, cua, ốc và hiện đại hóa khu vực nuôi. Đây cũng là một mô hình hợp tác liên ngành kết hợp các nỗ lực tái trồng rừng ngập mặn mà Cục Lâm nghiệp Hàn Quốc đang thực hiện (trên quy mô 330 ha từ năm 2020 đến năm 2024 với kinh phí 4,5 tỷ won – tương đương 3,78 triệu USD) với chuyên môn nuôi trồng thủy sản của Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOF). Dự án được kỳ vọng sẽ phục hồi các môi trường sống giàu chất hữu cơ thông qua phục hồi rừng ngập mặn và tạo ra sức mạnh tổng hợp với nghề nuôi động vật giáp xác. Ngoài ra, MOF cũng có kế hoạch cử các chuyên gia nuôi trồng thủy sản sang Việt Nam để chuyển giao công nghệ và hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn.
Các tỉnh ven biển phía Bắc Việt Nam là nơi có nhiều rừng ngập mặn và bãi bùn. Từ sau năm 1995, khu vực này đã trải qua “Kỷ nguyên vàng” với sự bùng nổ của ngành nuôi trồng hải sản có vỏ. Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức tài nguyên biển và sự suy thoái môi trường ven biển trong những năm gần đây đã tác động nghiêm trọng đến việc sản xuất ngao giống tự nhiên, gây gián đoạn nguồn cung ngao giống và do đó, sản lượng giống giảm mạnh.
Sau khi có đề nghị của Chính phủ Việt Nam về chia sẻ các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, Viện Khoa học thủy sản quốc gia Hàn Quốc đã triển khai dự án hợp tác kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Sau hai năm nghiên cứu tính khả thi và tiến hành dự án thí điểm, MOF kết luận môi trường rừng ngập mặn ven biển các tỉnh phía Bắc Việt Nam phù hợp để nuôi động vật giáp xác. Theo đó, bộ này có kế hoạch rót vốn 3 tỷ won (2,51 triệu USD) thực hiện trong 5 năm từ năm 2022 và đến năm 2026 chính thức thực hiện dự án hợp tác này.
Thông qua dự án này, MOF sẽ hiện đại hóa các cơ sở sản xuất giống già cỗi và các địa điểm nuôi trồng thủy sản nhàn rỗi ở các tỉnh phía Bắc cũng như cử các chuyên gia nuôi trồng thủy sản Hàn Quốc đến khu vực để chuyển giao công nghệ và đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn. Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ hồi sinh nghề nuôi trồng thủy sản trong khu vực và nâng cao mức thu nhập của người dân địa phương.
Trưởng Bộ phận Chính sách hợp tác quốc tế của MOF Kim Hyun-Tae cho biết: "Đây là dự án ODA đầu tiên của Hàn Quốc tích hợp các kỹ thuật nuôi trồng và trồng rừng tiên tiến. Chúng tôi kỳ vọng rằng điều này sẽ không chỉ phục hồi sản xuất nuôi trồng thủy sản của Việt Nam mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản và cơ sở nuôi trồng thủy sản của Hàn Quốc thâm nhập thị trường nước ngoài".