Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị, trong thời gian tới, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cần tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả về quản lý và phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đề xuất những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; kịp thời xin ý kiến của các bộ, ngành Trung ương; học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh, thành để nâng cao hiệu quả, chất lượng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.
Người đứng đầu tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu, Ban quản lý các Khu công nghiệp phải tích cực cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ nhất là việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư vào khu công nghiệp.
Cùng đó, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh, tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn; nâng cao hơn nữa hiệu quả phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp.
Ngoài ra, Ban quản lý các Khu công nghiệp tập đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện các dự án đầu tư, công trình hạ tầng các khu công nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư, xây dựng, sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp.
Thay mặt cho lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Quốc Trung, Vụ phó Vụ Quản lý các Khu kinh tế khẳng định: với vị trí địa lý của mình, Hải Dương sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các khu công nghiệp; cam kết phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước nói chung và tại tỉnh Hải Dương nói riêng được phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả.
Ông Trần Quốc Trung đề nghị Hải Dương rà soát đưa các khu công nghiệp, khu kinh tế chuyên biệt vào trong quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành.
Hải Dương cũng nên hạn chế phát triển khu công nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định nhất là đất lúa hoặc các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng.
Khi phát triển các khu công nghiệp, Hải Dương gắn với hạ tầng xã hội, công trình tiện ích .. cho người lao động. Các khu công nghiệp cần ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ cao, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng phát triển của địa phương và của vùng; các dự án đầu tư có hợp tác chuyển giao công nghệ, sử dụng ít năng lượng, tài nguyên và lao động; dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; tăng cường xúc tiến đầu tư; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư hoạt động trong các khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, ngày 13/5/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 96/2003/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương trực thuộc UBND tỉnh Hải Dương và ngay sau đó 3 khu công nghiệp đầu tiên gồm Đại An, Nam Sách và Phúc Điền với tổng diện tích trên 320 ha đã mở ra hướng đi mới trong đầu tư phát triển kinh tế về hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp tập trung của tỉnh Hải Dương.
Đến nay, Hải Dương đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch gồm 21 khu công nghiệp và 3 khu công nghiệp mở rộng với tổng diện tích khoảng 4.508 ha.
Hiện, Hải Dương đã có 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 2.588 ha. Trong số đó, có 12 khu công nghiệp đã triển khai đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh, với tổng diện tích quy hoạch là 1.650 ha. 11/12 khu công nghiệp đang hoạt động đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật; 1/12 khu công nghiệp đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo quy định, tỷ lệ lấp đầy trung bình các khu công nghiệp vào khoảng 80%.
Tính đến ngày 26/4, 12 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thu hút được 319 dự án đầu tư thứ cấp; trong đó, có 251 dự án FDI thứ cấp đến từ 20 quốc gia và vùng, lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,1 tỷ USD và 68 dự án DDI thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 10.982 tỷ đồng; suất vốn đầu tư bình quân của dự án trên 17,2 triệu USD/dự án, khoảng 6 triệu USD/ha đất công nghiệp. Tỉnh có khoảng 260/319 dự án thứ cấp đã triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ khoảng 81,5% tổng số dự án thứ cấp trong khu công nghiệp, tạo việc làm cho gần 11 vạn lao động với mức lương trung bình từ 6,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng…
Tại buổi lễ, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 nhà đầu tư thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuê nhà xưởng của Công ty TNHH một thành viên phát triển công nghiệp BW Hải Dương tại Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền là Công ty TNHH vật liệu mới Đại Việt; Công ty TNHH công nghiệp CMA Việt Nam; Công ty TNHH vật liệu bảo vệ môi trường ASINK (Việt Nam); Công ty TNHH công nghệ SNC Việt Nam.