Hầu hết các địa phương không phát sinh ổ dịch mới. Người chăn nuôi đang chuẩn bị các điều kiện để có thể tái đàn đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Ngành cũng khuyến cáo các địa phương tập trung tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, chủ động phòng bệnh; không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận nhiều ổ dịch tả lợn châu Phi tại 13 xã của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê và thành phố Hà Tĩnh, làm hơn 300 con lợn bị bệnh, buộc phải tiêu hủy, tương ứng trọng lượng 25 tấn. Hiện tại, đang là thời điểm chuyển mùa, các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh, trong khi sức đề kháng vật nuôi giảm, dễ lây bệnh nên các địa phương và ngành chuyên môn đang tập trung kiểm tra, rà soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các ổ dịch phát sinh.
Huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa phương có dịch tả lợn châu phi xuất hiện trên quy mô rộng. Theo đó, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 7 xã làm hơn 260 con lợn nhiễm bệnh chết, buộc phải tiêu hủy. Các địa phương đã nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống để kiểm soát các ổ dịch trong quy mô hẹp nhằm đảm bảo hoạt động tái đàn, chăn nuôi ổn định cho bà con nông dân. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn do mật độ chăn nuôi đông, ý thức tự giác của nhiều hộ chăn nuôi chưa cao.
Ông Phan Thanh Nghi, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết, huyện đã triển khai đồng bộ các biện pháp như tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn tiêu độc khử trùng, quản lý giết mổ, tiêm phòng vaccine. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp như tiêm phòng vaccine, vệ sinh chuồng trại, tái đàn lợn an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như mật độ chăn nuôi nhỏ lẻ trong các khu dân cư cũng như ý thức tự giác của người dân chưa cao. Bên cạnh đó, một số hộ dân tự ý chữa trị và bán lợn khi bị bệnh, gây nguy cơ lây lan dịch; việc chủ động tiêm phòng vaccine, phun khử trùng của người dân còn hạn chế.