Chi cục Thú y tỉnh Hà Giang đang bố trí lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương để ngăn chặn, phòng ngừa và không để dịch bùng phát trở lại. Theo đó, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có 21/24 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi. 3 xã còn lại đã qua 17 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh.
Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản khống chế nhưng nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn đang cao. Do vậy, Chi cục đang phối hợp với các địa phương nhằm giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; kịp thời phát hiện và triển khai các biện pháp phòng, chống nếu dịch bùng phát trở lại; tăng cường kiểm tra việc tái đàn, tăng đàn tại các cơ sở chăn nuôi bảo đảm đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Ngoài ra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán chạy lợn mắc bệnh; làm tốt công tác tuyên truyền; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động mua vaccine tiêm phòng dịch bệnh; chủ động khai báo và tiêu hủy đàn lợn bị bệnh, tuyệt đối không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra môi trường…
Trước đó, ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hà Giang vào cuối tháng 6/2024 đã gây thiệt hại lớn đối với người chăn nuôi. Theo Chi cục Thú y Hà Giang, từ khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều ổ dịch tại 6 huyện, thành phố. Số lượng lợn bị tiêu hủy trên 2.600 con với trọng lượng hơn 105 tấn.
Thực hiện việc phòng, chống dịch Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang đã phân công cán bộ trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn mắc bệnh và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời triển khai ngay các biện pháp khống chế, ngăn chặn ổ dịch lây lan diện rộng.
Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời nhằm ngăn chặn việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra khỏi địa bàn. Tuyên truyền cho người dân xử lý vệ sinh chuồng trại.
Triển khai phun vệ sinh sát khuẩn tại các địa bàn xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Phu khử trùng các phương tiện ra vào khu vực có ổ dịch. Theo đó, tổng số hóa chất đã sử dụng gần 3.000 lít hoá chất và hơn 35.000 kg vôi bột để xử lý tiêu hủy và phun tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại hộ có dịch và các hộ xung quanh. Cùng với đó, Chi cục Thú y Hà Giang đã triển khai tiêm phòng cho những đàn lợn chưa nhiễm bệnh tại các địa bàn trọng điểm như huyện Quản Bạ, Bắc mê, Xín Mần...
* Tại Long An, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh vật nuôi được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ. Các ổ dịch xuất hiện trên địa bàn được kịp thời khống chế, không để lây lan trên diện rộng.
Cụ thể, dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 42 hộ thuộc 24 xã tại 7 huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa với tổng tiêu hủy trên 1.200 con, tổng trọng lượng tiêu hủy gần 67 tấn; bệnh dại xảy ra 10 trường hợp trên chó và trên người ghi nhận 3 ca tử vong do bệnh dại/nghi dại tại huyện Tân Hưng; dịch cúm gia cầm H5N1 chỉ xảy ra tại 1 hộ thuộc huyện Đức Hòa với tổng số gia cầm tiêu hủy hơn 2.000 con; dịch bệnh Lở mồm long móng ra tại 20 hộ tại huyện Mộc Hóa, tổng đàn 55 con, bệnh 44 con, không có con bị chết.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, việc tiêm vaccine trên gia súc, cúm gia cầm được đơn vị tập trung thực hiện, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được khống chế kịp thời, không lây lan trên diện rộng. Cụ thể, các địa phương trong tỉnh đã tiêm vaccine phòng lở mồm long móng hơn 123.300 liều; lợn tai xanh hơn 13.000 liều; bệnh dại hơn 96.000 liều; viêm da nổi cục gần 87.000 liều; cúm gia cầm gần 4,3 triệu liều; tụ huyết trùng trâu bò hơn 70.000 liều…
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm số lượng lớn nên việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi rất khó để thực hiện; việc triển khai thực hiện khai báo thông tin chăn nuôi chưa được thực hiện tốt ở các địa phương dẫn đến tiêm phòng, quản lý dịch bệnh và định hướng chuyển đổi vật nuôi phù hợp với thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Địa phương có đường biên giới dài hơn 133 km nên việc quản lý chăn nuôi, tổng đàn và phòng chống dịch bệnh tại các địa phương rất khó khăn, nguy cơ dịch bệnh từ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu rất cao.
Bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết, ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; tiếp tục khuyến khích áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời đẩy mạnh tái đàn vật nuôi. Tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát dịch bệnh đối với động vật trên cạn như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ động vật sang người như bệnh dại và bệnh cúm gia cầm; thường xuyên đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nhất là đội ngũ thú y cấp xã; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng dịch bệnh cho động vật và thực hiện tháng khử trùng tiêu độc; giám sát lưu hành virus cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục…; tập trung phát triển tái đàn chăn nuôi đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, xây dựng các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP, chăn nuôi hữu cơ…