Hiện có 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ với 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm) và 3 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 2.700 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các quận, huyện rà soát 35 điểm giới thiệu cho hệ thống Vinmart và Co.opFood để nghiên cứu phát triển điểm bán hàng cố định phục vụ nhân dân; rà soát 70 địa điểm tổ chức chợ Hoa Xuân phục vụ Tết và đang phối hợp với các sở, ngành xem xét phê duyệt.
Sở Công Thương Hà Nội còn phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các sở, ngành xây dựng, triển khai công tác phục vụ Tết của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về hàng hóa, giá cả, chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, các quy định về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá cũng như việc thực hiện các quy định về khuyến mại, tổ chức hội chợ trong dịp Tết…
Hiện nay là thời điểm các tiểu thương tại các chợ của Hà Nội thu gom các mặt hàng khô như: măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ, hạt sen khô, mực khô... chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Tại một số chợ truyền thống như: Kim Liên, Châu Long, Đồng Xuân..., giá các mặt hàng thực phẩm khô đã tăng nhẹ từ 5 - 10% so với Tết Mậu Tuất. Cụ thể, mộc nhĩ từ 200.000 - 250.000 đồng/kg, măng khô tùy theo chất lượng, chủng loại có giá từ 120.000 - 350.000 đồng/kg; nấm hương từ 320.000 - 400.000 đồng/kg; miến từ 40.000 - 70.000 đồng/kg; hạt sen từ 140.000 - 170.000 đồng/kg; các loại mực khô từ 320.000 - 900.000 đồng/kg; mực xé sợi 300.000 đồng/kg, loại cán nguyên miếng 650.000 đồng/kg.
Bác Nguyễn Thị Nghĩa, một tiểu thương ở chợ Đồng Xuân - Bắc Qua (Hà Nội) cho biết, hiện tại cửa hàng đã đặt mua một số mặt hàng như: măng khô, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương… để chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Mặc dù nhu cầu tiêu dùng có nhiều thay đổi, nhưng người dân vẫn làm mâm cơm cúng theo truyền thống nên các mặt hàng khô vẫn bán chạy trong dịp Tết, có thể tăng ít nhất từ 10.000 - 50.000 đồng/kg. Vì vậy, nhiều tiểu thương thường mua hàng Tết sớm để tránh cận Tết Nguyên đán hàng bị đẩy giá lên cao, lợi nhuận sẽ không được nhiều.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị như: Big C, Vinmart, Hapro Mart... cũng bắt đầu vào đợt cao điểm bán hàng Tết. Tại hệ thống siêu thị Vinmart đã bày bán các loại nấm hương, mộc nhĩ, măng khô..., nhưng giá bán cao hơn thị trường tự do.
Cụ thể, mộc nhĩ 250.000 đồng/kg, nấm hương khô Thu Dung và Lý tưởng Việt giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg... Lý giải nguyên nhân khiến giá nông sản khô bày bán trong hệ thống siêu thị cao hơn thị trường tự do, đại diện Vinmart cho biết, các mặt hàng nông sản khô bày bán tại siêu thị đều đạt tiêu chuẩn VietGap, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nên giá bán cao hơn là điều khó tránh khỏi.
Đại diện Nhà máy CP cho biết, hiện nhà máy có hai sản phẩm gồm thịt gà, xúc xích, công suất 64.000 con/ngày, 4,8 triệu tấn/tháng và công suất xúc xích khoảng 400 tấn/tháng. Sản phẩm đã phân phối tại các siêu thị và giá bán đang thấp hơn ngoài chợ truyền thống nên không lo ngại về giá.
Theo ông Vương Trọng Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các nguồn cung cấp nguyên liệu, dự kiến đưa ra thị trường khoảng 400 tấn bánh mứt kẹo phục vụ người tiêu dùng, giá ổn định không tăng so với năm ngoái.