Cụ thể, đối tượng doanh nghiệp được cấp giấy gồm 4 lĩnh vực: doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu, logistics, xuất nhập khẩu, thương mại điện tử. Trong lĩnh vực kinh doanh mặt hàng thiết yếu gồm: doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, quản lý kinh doanh khai thác chợ, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, LPG đã được Sở Công Thương Hà Nội cấp giấy chứng nhận của lĩnh vực này, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường hoặc kinh doanh chuỗi nhu yếu phẩm thiết yếu khác thuộc lĩnh vực công thương (tã, bỉm, sữa, băng vệ sinh…). Các đơn vị được cấp giấy đều đã được Sở Công Thương Hà Nội tổng hợp danh sách đăng tải chi tiết trên trang web của Sở Công Thương Hà Nội: congthuong.hanoi.gov.vn.
Đối với lĩnh vực điện năng, đối tượng được cấp giấy phép là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động điện lực gồm: Truyền tải điện, phân phối điện và bán lẻ điện thuộc vùng 1. Quy trình thực hiện tương tự như đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng thiết yếu. Tuy nhiên, yêu cầu về thông tin phải cụ thể vị trí, lịch trình, cung đường, ngày giờ đăng ký di chuyển.
Đối với lãnh đạo và nhân viên thực hiện xử lý công việc, xử lý các dịch vụ công, thực hiện chế độ làm việc luân phiên, có phân công rõ ràng, đăng ký rõ địa điểm lưu trú, địa điểm làm việc, cụ thể vị trí, lịch trình, cung đường, ngày giờ đăng ký di chuyển.
Đối với cán bộ, nhân viên điều độ vận hành: Thực hiện 3 tại chỗ, chỉ di chuyển trong ngày đổi ca và cụ thể lộ trình, địa điểm đi đến đầy đủ. Đối với cán bộ, nhân viên phục vụ công tác kiểm tra, xử lý sự cố lưới điện: Đơn vị đăng ký và bố trí theo lịch đảm bảo duy trì tối thiểu theo từng khu vực cụ thể. Riêng đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thẩm quyền cấp giấy đi đường do công an xã, phường, thị trấn nơi doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Về quy trình cấp giấy phép, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chuẩn bị 3 file mềm/bản scan các tài liệu sau: Công văn đề nghị của doanh nghiệp đơn vị (có ký tên, đóng dấu), lưu ý doanh nghiệp, đơn vị cung cấp đầu mối liên lạc (tên, địa chỉ, điện thoại, email…); lập các danh sách theo mẫu. Doanh nghiệp gửi các tài liệu nêu trên về địa chỉ email: giaydiduong.soct@gmail.com.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, mặc dù quy định khá chi tiết, thế nhưng thực tế tổng hợp, lập danh sách cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp khá cẩu thả, nhiều lỗi chính tả, mo-rát trong việc lập hồ sơ xin cấp giấy phép. Những hồ sơ có lỗi đơn giản này sẽ bị hệ thống cấp giấy phép vận chuyển của công an thanh phố Hà Nội gửi trả, không chấp nhận.
Vì vậy, đêm ngày 5 và rạng sáng 6/9 toàn bộ cán bộ Sở Công Thương Hà Nội đã phải thức trắng để sửa những lỗi chính tả cơ bản, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp sớm được Công an thành phố Hà Nội cấp giấy phép vận chuyển. Để hạn chế tối đa việc mất nhiều thời gian tổng hợp lập danh sách cấp giấy đi đường, đề nghị các doanh nghiệp cần khắc phục những lỗi văn bản không đáng có.