Gọi điện miễn phí trên Internet lại dậy sóng

Ngay sau khi ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí trên nền Internet (OTT) mang tên Btalk của Công ty An ninh mạng Bkav gia nhập “cuộc chơi” cùng với các nhà cung cấp OTT khác là: Viber, Zalo, Line, Kakao Talk... thì không ít thuê bao đã tò mò muốn cài đặt phần mềm này với kỳ vọng chất lượng thoại sẽ ổn hơn.


Không ngại nhà mạng chặn ứng dụng


Trong vài năm trở lại đây, “cơn lốc” OTT tràn về đã khiến các nhà mạng như: Viettel, VinaPhone “thở ngắn, than dài” bởi bị thất thu lớn về doanh thu mỗi năm và “đau khổ” hơn là dịch vụ OTT đang “sống” nhờ hạ tầng viễn thông của các nhà mạng. Vì vậy, thời gian qua, một số người sử dụng cho rằng: Dường như các nhà mạng đã can thiệp bằng phương thức kỹ thuật nên nhiều cuộc gọi OTT có vẻ không được suôn sẻ như trước. Trong khi đó, đại diện một mạng di động khẳng định, họ không chặn cuộc gọi OTT.

 

Mô phỏng ứng dụng OTT miễn phí.

 


Lo ngại sự rủi ro này, ông Nguyễn Tử Hoàng, Phó Chủ tịch phụ trách phần mềm Bkav nói: "Đúng là câu chuyện OTT phụ thuộc hạ tầng mạng từng rất nóng. Chúng ta có thể nghe đâu đó chuyện nhà mạng chặn OTT, "bóp" băng thông, chặn đường truyền, dịch vụ... Trong quá trình phát triển Btalk, chúng tôi đã lường đến những tình huống như thế để lách qua việc bị nhà mạng chặn, đảm bảo cho các cuộc gọi bằng Btalk luôn được thông suốt, chất lượng tốt. Tuy nhiên, tùy thời điểm và biện pháp chặn của nhà mạng Bkav đưa ra chiến lược, chiến thuật hợp lý".


Đại diện Bkav cho rằng: Giải pháp công nghệ mà Bkav đã nghiên cứu và dùng để đối phó với nguy cơ bị nhà mạng chặn dịch vụ OTT hoạt động theo phương thức peer-to-peer (mạng ngang hàng), dữ liệu từ điện thoại của hai người sử dụng dịch vụ Btalk sẽ có khả năng tìm được đường đến với nhau trực tiếp không qua 3G, giảm rất nhiều tính phụ thuộc của dịch vụ OTT vào đường truyền, đồng thời đảm bảo chất lượng cuộc gọi. “Bkav đã có giải pháp kỹ thuật để vượt qua việc bị nhà mạng chặn ứng dụng OTT, trừ phi nhà mạng cắt hẳn dịch vụ đường truyền”, lãnh đạo Bkav khẳng định.


Thực tế tại Việt Nam thời gian qua, các ứng dụng OTT cho phép nhắn tin, gọi điện miễn phí như: Zalo, Viber, Wala, Line, WhatsApp, KakaoTalk... vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Một thống kê cho thấy cả nước đã có khoảng 20 triệu người sử dụng các dịch vụ OTT (tương đương khoảng 25% dân số). Theo nhà mạng, các ứng dụng OTT ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của họ. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, ứng dụng OTT đã khiến số lượng các cuộc gọi, tin nhắn giảm từ 10- 15%, khiến cho các nhà mạng thiệt hại tới nghìn tỷ đồng. Đã từng có ý kiến đề nghị chặn các dịch vụ OTT để đảm bảo sự phát triển kinh doanh của nhà mạng. Tuy nhiên, xu hướng không thể đổi khác là các nhà mạng sẽ buộc phải tìm cách bắt tay với các nhà cung cấp dịch vụ OTT và tìm kiếm doanh thu từ các dịch vụ giá trị gia tăng khác thay vì thoại, tin nhắn có phí trước đây.


Đề cập tới vấn đề này, lãnh đạo của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) từng chia sẻ: “Nếu Viettel cấm thì Viber có thể “chết” ngay (bằng kỹ thuật). Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng nhiều biện pháp để cấm các doanh nghiệp OTT. Nhưng Viettel lại nhìn đó là cú hích để mình thay đổi”. Không chỉ Viettel mà các nhà mạng khác như VinaPhone, MobiFone đều công bố sẽ tham gia thị trường OTT nên giới công nghệ thông tin cho rằng: Vấn đề OTT phụ thuộc hạ tầng mạng không phải gây băn khoăn nhiều nữa.


Về việc các nhà mạng tự làm OTT thì họ sẽ có lợi thế về công nghệ cũng như đầu tư. Tuy nhiên, để triển khai OTT hay không thì các nhà mạng đang cân nhắc đến hai vấn đề. Thứ nhất là chiến lược phát triển OTT cần tạo ra sự bền vững và ổn định cho người dùng. Thứ hai là phải xem xét về sự quản lý của cơ quan nhà nước trong việc này… Đây cũng có thể là lý do mà các nhà mạng đang hết sức thận trọng khi nói đến việc có tự làm OTT hay không. Bản thân MobiFone hay Viettel cũng thận trọng không kém trong việc này và họ cho rằng đến giờ vẫn “chưa có gì mới” dù nhiều luồng thông tin cho rằng các nhà mạng đang ráo riết làm OTT.


Cộng đồng mạng chê lỗi?


Chia sẻ về Btalk, ông Hoàng cho hay: Btalk là một ứng dụng OTT tích hợp miễn phí được Bkav đầu tư vài trăm tỷ đồng để nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện. Các tính năng gọi điện, chat,... miễn phí hoặc tính phí được hiển thị rõ trên một giao diện duy nhất, rất tiện dụng cho người sử dụng. Ngoài các tính năng cơ bản như gọi điện, nhắn tin, Btalk còn cung cấp nhiều tính năng, tiện ích khác như chia sẻ file, chia sẻ ảnh, chia sẻ địa điểm kiêm luôn hướng dẫn tìm đường đi, voice chat, gửi ghi âm, chat nhóm, gọi điện nhóm... Bkav xác định trước mắt chưa tính đến chuyện thu lợi từ Btalk dù đã chi vài trăm tỷ đồng đầu tư cho ứng dụng này. Theo "bật mí" của Bkav, Btalk chỉ là một ứng dụng, dịch vụ trong hệ sinh thái hệ thống phần mềm, một dự án lớn hơn của Bkav.


Tuy nhiên, sau khi chào đời vào tuần qua, ứng dụng Btalk đã bị cộng đồng mạng chê lỗi, ứng dụng chưa có tiếng Việt… Một số người dùng cho biết, khi cài đặt vào máy dùng hệ điều hành Android, phần mềm không có tiếng Việt.


Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Tử Hoàng cho rằng: Đơn vị này thiết kế Btalk cả hai định dạng tiếng Anh và tiếng Việt. Khi máy sử dụng ngôn ngữ nào thì phần mềm sẽ tự động chuyển sang ngôn ngữ đó. “Các ứng dụng OTT đều chạy ngầm trong điện thoại. Do đó, khi có tin nhắn về, ứng dụng sẽ báo ngay cho người dùng. Chỉ có điều, Btalk thì hiện rõ lên màn hình, còn nhiều OTT khác thì không. Việc cài đặt ứng dụng Btalk không quá tốn pin như mọi người lầm tưởng”, ông Hoàng nói.


Minh Hạnh

Đàm thoại “Thả ga” với gói cước “Cặp đôi” của VinaPhone
Đàm thoại “Thả ga” với gói cước “Cặp đôi” của VinaPhone

Em là sinh viên trường Đại học ở Hà Nội. Do bạn trai làm việc ở tỉnh xa nên chúng em thường xuyên có nhu cầu chuyện trò. Nhà mạng có thể tư vấn các gói dịch vụ để khách hàng có thể đăng ký sao cho phù hợp với nhu cầu?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN