Gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm 2023, các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ đều xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm.

Chú thích ảnh
Mô hình Dự án thành phần 1A của đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Theo đó, các địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc, triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ các dự án, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương luôn thực hiện quyết liệt có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ các dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời bảo đảm chất lượng các công trình. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt việc chuẩn bị đầu tư, thường xuyên kiểm tra, rà soát từng dự án.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Dương Trần Hùng Việt cho biết, dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh đang vướng tại nút giao Tân Vạn liên quan đến tuyến đường sắt, việc bàn giao mặt bằng thực hiện gói thầu số 3 còn thấp. Ban Quản lý đã đề nghị hai thành phố Thuận An và Dĩ An sớm chỉ đạo tập trung áp giá để giải ngân nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng như cam kết với Chính phủ, đến ngày 31/12/2023 phải bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công.

Tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, có hai dự án giao thông quan trọng quốc gia là Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) của tuyến Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh đang được triển khai đầu tư xây dựng. Đối với dự án này, huyện Nhơn Trạch được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và hiện đã cơ bản hoàn thành các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng. Riêng dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh (dự án thành phần 4), đến nay huyện Nhơn Trạch đang đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất. Dù các bước thực hiện đang chậm hơn so với các tỉnh, thành khác nhưng huyện đặt mục tiêu sẽ bàn giao mặt bằng dự án trong năm 2023.

Theo UBND huyện Nhơn Trạch, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn, nhất là giải phóng mặt bằng, địa phương đang tập trung xây dựng các khu tái định cư để sẵn sàng bố trí tái định cư cho người dân.

Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Vành đai 3, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50, là 4 dự án giao thông trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng vốn đầu tư gần 90.000 tỷ đồng hiện vẫn được gấp rút thi công, tuy nhiên một số dự án còn chậm tiến độ.

Được khởi công năm 2012 với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, toàn tuyến Metro số 1 dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (thành phố Thủ Đức), gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao). Hiện dự án Metro số 1 đã đạt 96,48% khối lượng, công tác thi công xây dựng và tiến hành chạy thử trên toàn tuyến vào quý IV/2023 của dự án theo kế hoạch vẫn còn nhiều khó khăn.

Ngày 15/11 vừa qua, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã ký quyết định điều chỉnh quyết định 6339/QĐ-UBND (ban hành năm 2015) về việc thành lập Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 Tp. Hồ Chí Minh (đơn vị vận hành Metro số 1). Theo đó, vốn điều lệ (ban đầu) của công ty tại thời điểm thành lập được điều chỉnh 268 tỷ đồng. Quyết định này chính thức gỡ nút thắt thiếu vốn cho công ty vận hành tuyến Metro số 1, bởi từ năm 2019 đến nay, công ty không được cấp vốn (ngoài 14 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu mua sắm thiết bị văn phòng cơ bản), khiến công ty thiếu kinh phí trong thời gian dài, ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị, tuyển dụng nhân sự vận hành Metro số 1.

Với tổng mức đầu tư trên 75.000 tỷ đồng, dự án Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh dài 76 km, đi qua 4 địa phương: Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An với 8 dự án thành phần, mỗi địa phương làm hai dự án gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng, trong đó, Vành đai 3 đi qua Tp. Hồ Chí Minh dài hơn 47 km với tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng.

Hiện mặt bằng của dự án thành phần 1, Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh đã bàn giao đạt tỉ lệ 92%; trong đó, huyện Hóc Môn đã hoàn thành 100%, các huyện Củ Chi, Bình Chánh và thành phố Thủ Đức đã bàn giao mặt bằng lần lượt là 97,61%, 94,59% và 76,15%. Dự kiến, việc bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án thành phần 1 sẽ hoàn thành trước trước ngày 31/12/2023. Bên cạnh đó, dự án thành phần 2, Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh, vẫn đang đáp ứng tiến độ.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, cuối năm nay 2023, hai dự án giao thông trọng điểm tại vùng Nam Bộ là cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61 km; trong đó phần cầu chính dài khoảng 1,9 km, thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng, là cầu dây văng lớn nhất do các nhà thầu Việt Nam thiết kế và thi công. Còn dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23 km, giai đoạn 1 được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, với tổng mức đầu tư trên 4.800 tỷ đồng.

Sau khi cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, cùng với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến cao tốc từ Tp. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ dài hơn 160 km sẽ được nối thông, rút ngắn thời gian đi lại chỉ còn hơn 2 giờ thay vì gần 4 giờ như hiện nay.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án gia thông trọng điểm quốc gia, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương nỗ lực hơn nữa, tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng các công trình, dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng,…

Để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền đường cho các dự án giao thông, đặc biệt là các dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, đến nay, qua kết quả thí nghiệm, quan trắc, đánh giá (đã thực hiện được 5 kỳ) cho thấy, nền đường đoạn thí điểm ổn định, các thông số môi trường của nước mặt, nước ngầm, các chỉ tiêu kim loại nặng trong đất chưa có biểu hiện về tăng độ mặn cũng như sự lan truyền trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công.

Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục quan trắc, đánh giá, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023. Bộ Giao thông Vận tải cho rằng nếu kết quả nghiên cứu thành công, đây sẽ là nguồn vật liệu cho các dự án trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Hồng Đạt (TTXVN)
Ba dự án giao thông trọng điểm về đích cuối năm nay
Ba dự án giao thông trọng điểm về đích cuối năm nay

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, 3 dự án giao thông trọng điểm sẽ về đích cuối năm nay gồm: Cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Hiện các nhà thầu đang gấp rút hoàn thành các hạng mục cuối cùng, đáp ứng yêu cầu về đích vào cuối năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN