Cầu Mỹ Thuận 2 nối tỉnh Tiền Giang với tỉnh Vĩnh Long qua sông Tiền do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài 6,61km; trong đó phần cầu chính dài khoảng 1,9km, thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Đây là cầu dây văng lớn nhất do các nhà thầu Việt Nam thiết kế và thi công.
Dự án được khởi công vào tháng 3/2020. Tính đến nay, sản lượng thi công đã đạt hơn 96% giá trị hợp đồng, đã hợp long cầu chính dây văng. Nhà thầu đang hoàn thiện các hạng mục còn lại để thông xe trước ngày 31/12/2023.
Trong khi đó cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ do Bản Quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài gần 23km. Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng
Dự án được khởi công vào tháng 1/2021. Tính đến nay, sản lượng thi công đạt 76% giá trị hợp đồng. Trong đó, phần cầu đã cơ bản hoàn thành, công tác thảm nhựa đã thi công được hơn 8km; 80% hệ thống an toàn giao thông đã được tập kết về công trường để tăng tốc tiến độ, đưa dự án về đích trước 31/12/2023.
Tại buổi kiểm tra hiện trường ngày 17/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, tư vấn giám sát kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề tài chính để hoàn thành các mốc tiến độ đã đề ra.
Về phía các nhà thầu, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị phải tập trung máy móc, thiết bị, nhân sự, thi công "3 ca, 4 kíp"; tư vấn giám sát kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng của công trình.
"Tinh thần là khi khánh thành, đưa tuyến chính vào phục vụ phải đồng bộ các hạng mục để phục vụ việc đi lại của người dân. Cùng với đó, chủ đầu tư phải sớm mời Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng để hoàn tất các thủ tục theo đúng quy định", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, khi cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, cùng với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến cao tốc từ Tp. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ dài hơn 160km sẽ được nối thông, rút ngắn thời gian đi lại chỉ còn hơn 2 giờ thay vì gần 4 giờ như hiện nay.
Về cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có chiều dài hơn 40km, đi qua địa bàn hai tỉnh: Tuyên Quang (hơn 11km), Phú Thọ (gần 29km).
Theo phương án ban đầu, giai đoạn 1 dự án được đầu tư giai đoạn 2020-2023 với quy mô 4 làn xe (hai làn xe cơ giới, hai làn xe hỗn hợp), bề rộng nền đường 17m, bề rộng mặt đường 11m.
Giai đoạn 2 sẽ thực hiện sau năm 2025 đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17m, bề rộng mặt đường 14m.
Tổng mức đầu tư hơn 3.712 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 3.253 tỷ đồng; Giai đoạn 2 gần 460 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, việc đầu tư sẽ được thực hiện gộp cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 với thời gian hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2023. Tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng thành 3.753 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới nhất, tính đến nay, sản lượng thi công dự án (tính cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2) đạt hơn 62% giá trị các hợp đồng. Hiện các nhà thầu đang gấp rút triển khai các hạng mục để đưa dự án về đích cuối năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.