Đoàn đã làm việc với Ban Quản lý dự án giao thông Khu vực Cái Mép - Thị Vải; giám sát thực tế tại 3 dự án giao thông trọng điểm sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương trên địa bàn tỉnh là dự án đường 991B, dự án cầu Phước An và dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông Khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải cho biết, Ban đang là chủ đầu tư 3 dự án trọng điểm nhóm A sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương trên địa bàn tỉnh gồm: dự án đường 991B nối đường Hội Bài - Tóc Tiên đến hạ lưu cảng Cái Mép - Thị Vải, dự án cầu Phước An và dự án thành phần 3, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Đường 991B có chiều dài toàn tuyến khoảng 9,73 km, tổng mức đầu tư của dự án hơn 3.900 tỷ đồng. Được thực hiện từ năm 2018, đến nay, dự án đã hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Dự kiến năm 2024 sẽ hoàn thành dự án. Các đơn vị thi công đang triển khai đồng loạt các hạng mục cầu và đường.
Với tổng cộng hơn 357 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, số vốn đã giải ngân năm 2021 đạt 49,24%. Năm 2022, dự án được bố trí 400 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương; được kéo dài vốn năm 2021 sang hơn 181 tỷ đồng. Số vốn đã giải ngân đạt 47%. Nguồn vốn năm 2023 được bố trí 300 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và gần 284 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm 2022 để đầu tư xây dựng. Số vốn đã giải ngân đến nay đạt 42,2 tỷ đồng (tương ứng 7,23%); ước giải ngân đến 31/12/2023 đạt 100% vốn kéo dài từ năm 2022 gần 284 tỷ đồng và 40 tỷ đồng vốn trung ương bố trí; số vốn còn lại 260 tỷ đồng vốn trung ương bố trí mới năm 2023 sẽ xin cấp thẩm quyền điều chuyển qua dự án cầu Phước An.
Ban Quản lý dự án kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét cho phép gia hạn thời gian bố trí vốn cho dự án theo đúng quy định. Ban kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan, xem xét tham mưu Chính phủ cho phép gia hạn thời gian bố trí vốn cho dự án theo đúng quy định; xem xét cho phép điều chuyển vốn qua cầu Phước An để giải ngân vốn trung ương bố trí năm 2023.
Đối với dự án cầu Phước An, điểm đầu kết nối với Dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải giai đoạn 1 và điểm cuối kết nối với Dự án đường vào cảng Phước An huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai cầu có chiều dài 3,5 km. Quy mô đầu tư xây dựng với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, vận tốc thiết kế 70 km/h: Tổng mức đầu tư dự án hơn 4.800 tỷ đồng, vốn đầu tư công.
Công tác giải phóng mặt bằng phía thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành. Tiến độ thi công dự án là 5 năm (2022 - 2027). Ban Quản lý dự án đã hoàn tất thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng với các nhà thầu thi công xây lắp các gói thầu hiện đã tổ chức thi công. Năm 2021, dự án được bố trí 23 tỷ đồng, giải ngân được hơn 20 tỷ, tương ứng 87,10%. Năm 2022, dự án được bố trí 300 tỷ đồng, giải ngân vốn đạt 100%. Năm 2023, dự án được bố trí 300 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân gần 206 tỷ, tương ứng 68,6%.
Hiện Công tác giải phóng mặt bằng phạm vi tỉnh Đồng Nai chưa thực hiện xong. Nguyên nhân do đây là dự án cấp đặc biệt, quy mô lớn, phức tạp, phải thí nghiệm hầm gió ở nước ngoài. Dự án phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; dự án đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn chưa được giải quyết xong; đang chờ chủ trương cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2035 (vị trí cầu Phước An).
Đối với dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, có chiều dài tuyến khoảng 19,5 km điểm đầu giáp với huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, điểm cuối giao với Quốc lộ 56 thành phố Bà Rịa. Tổng mức đầu tư dự án hơn 4.900 tỷ đồng, vốn đầu tư công. Tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án là 137,49 ha, gồm 1.209 hộ, tổ chức. Tổng kinh phí bồi thường đã ban hành Quyết định phê duyệt là hơn 2.191 tỷ đồng cho 1.080 hộ, tổ chức. Tổng kinh phí đã chi trả là hơn 2.051 tỷ đồng, tương ứng gần 91 ha, chiếm 65,88% diện tích. Tổng diện tích mặt bằng đã được bàn giao trước là 122,39 ha, đạt 88,61%.
Dự án bao gồm 1 gói thầu xây lắp, thời gian thực hiện hợp đồng từ tháng 6/2023 và hoàn thành vào 9/2025. Hiện nhà thầu đã dọn dẹp mặt bằng, đóng nhồi cọc xây dựng cầu, xây dựng khu nhà điều hành và khu lán trại cho công nhân.
Năm 2022, dự án đã giải ngân được hơn 99 tỷ đồng/670 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, đạt 14,9% kế hoạch vốn. Năm 2023, dự án được bố trí 440 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh, 1.018 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và hơn 570 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm 2022. Đến nay, dự án đã giải ngân được hơn 2.245 tỷ đồng, đạt 85,64%.
Ban Quản lý cho biết, tổng mức đầu tư đã vượt so với giá trị được duyệt nên kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sau khi Chính phủ trình; Chính phủ, các bộ, ngành trung ương xem xét bổ sung 500 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương năm 2023 và sớm trình Quốc hội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để có cơ sở bố trí vốn kịp thời thực hiện hoàn thành dự án đúng tiến độ. Đối với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án...
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát yêu cầu Ban Quản lý làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương; tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các dự án; việc khiếu kiện của người dân trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án; tiến độ công tác giải ngân vốn đầu tư công…
Phát biểu tại buổi giám sát, bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu Ban Quản lý hoàn chỉnh lại báo cáo theo đề cương, bổ sung các nội dung đoàn giám sát yêu cầu. Về những khó khăn cần được nêu rõ vướng mắc ở phạm vi nào có đề xuất cụ thể. Những kiến nghị của Ban Quản lý, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ làm việc với các sở, ngành liên quan tổng hợp đề xuất lên trung ương…