Gỡ vướng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Theo đề án cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đến năm 2015 sẽ CPH 531 DNNN. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng DNNN được CPH mới đạt gần 100 DN. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2015 sẽ còn 432 DNNN phải CPH theo kế hoạch. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, có nhiều lý do dẫn đến việc CPH DNNN khó có thể hoàn thành theo đúng hẹn.


Nhiều lý do chậm trễ


Lo ngại không đạt mục tiêu CPH DNNN của các chuyên gia kinh tế là có cơ sở, khi năm 2011 chỉ CPH được 12 DN, năm 2012 được 13 DN và năm 2013 được 74 DN. Trong 5 tháng đầu năm 2014, thêm 17 DNNN được CPH, tương đương 3,9% số DN phải CPH trong kế hoạch 2 năm 2014 - 2015 và 10,4% kế hoạch năm 2014.

 

Dự kiến đến cuối năm 2014, Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ thực hiện kế hoạch IPO với giá trị chào bán hàng ngàn tỷ đồng.


Theo TS Trần Du Lịch, nguyên nhân chậm CPH phần lớn là do khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, thị trường chứng khoán giảm sút, sức mua cổ phần thấp, nguồn cung dường như vượt quá năng lực hấp thụ. Thống kê đấu giá cổ phần của các công ty, tổng công ty nhà nước trong quý I và II/2014 cho thấy, trung bình có 27% số cổ phần chào bán trúng giá, trong đó có tới một nửa số DN chỉ bán được dưới 2% trong tổng số cổ phần chào bán. Việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hết sức khó khăn, mới đạt 4.161 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng cần thoái (19%). Trong đó, các nhà đầu tư bên ngoài chỉ mua 267 tỷ đồng, còn lại là 3.894 tỷ đồng từ trong nội bộ.


Cùng với nguyên nhân khách quan từ thị trường, bản thân các chính sách, việc tổ chức thực hiện pháp luật về CPH, thoái vốn nhà nước còn nhiều bất cập. Cụ thể, việc xác định giá trị DN vẫn gặp khó khăn, nhất là giá trị thương hiệu, giá trị lợi thuế, quyền thuê đất. Ngay cả việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược còn nhiều vướng mắc. Thêm vào đó, tiêu chí và cách thức thực hiện bảo toàn và phát triển vốn nhà nước thiếu linh hoạt, chưa phù hợp với tiêu chí thị trường nên tỷ lệ cổ phần trúng giá đạt thấp, thậm chí có DN không bán được cổ phần phải tổ chức lại hoặc tạm dừng bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài.

 

Điển hình như Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso), Tổng Công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng Công ty công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor), cùng các DN cảng biển lớn như cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Nha Trang đều chung cảnh "chợ chiều". Ngay cả DN đầu ngành trong lĩnh vực dệt may với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phải lùi thời gian tổ chức IPO trên Sở GDCK TP Hồ Chí Minh thêm 2 tháng (kế hoạch ban đầu là 22/7/2014) do gặp khó trong tìm nhà đầu tư mua cổ phần.


Ngoài ra, việc chỉ phát hành một loại cổ phần là cổ phần phổ thông, chưa phát hành loại cổ phần ưu đãi là chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy giảm, ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ CPH. Hiệu quả hoạt động của DNNN cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tốc độ CPH. Theo thống kê, lợi nhuận hợp nhất tại công ty mẹ tại 4 tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Viễn thông Quân đội, Bưu chính - Viễn thông và Công nghiệp cao su đã chiếm tới 70% lợi nhuận của toàn bộ khu vực DN 100% vốn nhà nước, điều này cho thấy, hầu hết các DN còn lại chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận dưới 10%/năm.


Kỳ vọng giải pháp phù hợp


Theo chuyên gia kinh tế TS Phạm Đỗ Chí, mặc dù có nhiều thách thức trong quá trình CPH DNNN, nhưng Chính phủ vẫn yêu cầu nhiều công ty, tổng công ty nỗ lực thực hiện CPH gắn với tái cơ cấu toàn diện, từng bước lành mạnh hóa tài chính, hướng tới áp dụng chuẩn mực quản trị công ty hiện đại, cơ cấu lại và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ... Các hoạt động này sẽ tạo thuận lợi hơn cho DNNN khi tìm kiếm cổ đông chiến lược và thực hiện IPO khi CPH.


Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 37/2014/QĐ - TTg ban hành tiêu chí, doanh mục phân loại DNNN, mở rộng đối tượng CPH, giảm từ 19 ngành, lĩnh vực xuống còn 16 ngành, lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ... Nghị định mới về CPH cũng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2014 (bổ sung một số điều của Nghị định 59/2011/NĐ - CP). Trong hoạt động điều hành và chỉ đạo thực hiện, Nghị định số 15/NQ - CP ngày 6/3/2014 về giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn Nhà nước cũng được ban hành nhằm thể hiện quyết tâm thực hiện và hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu DNNN.


Có thể thấy, trong 5 tháng đầu năm 2014, mặc dù chỉ có 17 DN CPH, nhưng có tới 13 tổng công ty nhà nước (thuộc Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Xây dựng). Dự kiện đến cuối năm 2014, sẽ có thêm nhiều tổng công ty, tập đoàn kinh tế quy mô lớn thực hiện kế hoạch IPO như Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam với giá trị chào bán hàng ngàn tỷ đồng.


Ngoài ra, một trong những cơ sở để đẩy nhanh quá trình CPH là cách thức tổ chức. Hiện đã có chủ trương là những DN có điều kiện thì thực hiện IPO theo quy định, những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược hoặc cổ đông tự nguyện khác. Với chủ trương trên, nhiều ý kiến cho rằng, những khó khăn khách quan của thị trường hiện nay và thời gian tới có thể ngăn cản việc bán phần vốn Nhà nước đúng mục tiêu về cả giá lẫn số lượng, nhưng khả năng hoàn thành chuyển DNNN sang công ty cổ phần theo kế hoạch đến 2015 có thể thành hiện thực.

 


Bài và ảnh: Hải Yên

Ngành giao thông kỳ vọng tạo 'đột phá' sau cổ phần hóa
Ngành giao thông kỳ vọng tạo 'đột phá' sau cổ phần hóa

Ngành giao thông được đánh giá là đi đầu trong công tác cổ phần hóa khi từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và tổ chức thành công đại hội cổ đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN