Gỡ khó cho hạng mục dân dụng Cảng hàng không Phan Thiết

Sáng 7/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận có buổi làm việc trực tuyến với Cục Hàng không Việt Nam về dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Dự án đầu tư xây dựng hạng mục hàng không dân dụng thuộc sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại Công văn số 7285/VPCP-KTN ngày 18/9/2014. Đồng thời, giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai thực hiện dự án.

Tuy nhiên, trong thời gian triển khai các bước tiếp theo của dự án, nhận thấy để đảm bảo sự phát triển lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác sân bay, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và Bộ Quốc phòng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E.

Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sân bay Phan Thiết quy hoạch là Cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, với 1 đường cất hạ cánh dài 3.050m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Toàn bộ diện tích của hai hạng mục là 546 ha.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, hiện nay, dự án đang ở giai đoạn điều chỉnh chủ trương đầu tư và hoàn thiện các thủ tục đầu tư, làm cơ sở triển khai thi công xây dựng công trình nhằm đồng bộ với các hạng mục sân bay quân sự, phát huy tổng thể hiệu quả đầu tư Cảng hàng không Phan Thiết. 

Trước khi dự án thi công hoàn thành và đưa dự án vào khai thác, Nhà đầu tư BOT sẽ phối hợp với doanh nghiệp khai thác cảng hàng không, sân bay thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đáp ứng các điều kiện đối với kinh doanh cảng hàng không, sân bay theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Việc điều chỉnh quy mô sân bay đã phát sinh một số khó khăn như theo hồ sơ dự án, tổng mức đầu tư dự án (cả 2 giai đoạn) là 4.800 tỷ đồng. Do dự án được điều chỉnh tăng quy mô so với trước đây rất nhiều nên Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cập nhật, đánh giá năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu mới thực hiện dự án theo đúng quy định.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, sớm hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét, báo cáo Bộ Giao thông vận tải có ý kiến về dự báo lưu lượng hành khách, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, mức giá thu phí dịch vụ, phương án khai thác, vận hành dự án và phối hợp, hướng dẫn địa phương khắc phục các khó khăn, vướng mắc để sớm hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng thẩm định liên ngành xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Tại buổi làm việc, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và Cục Hàng không Việt Nam thống nhất đầu mối liên hệ để phối hợp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Nguyễn Thanh (TTXVN)
Quy chế hoạt động của Tổ công tác nghiên cứu, đầu tư khai thác một số cảng hàng không
Quy chế hoạt động của Tổ công tác nghiên cứu, đầu tư khai thác một số cảng hàng không

Ngày 3/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành – Tổ trưởng Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); nghiên cứu Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư khai thác các cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu (Tổ công tác 1121) đã ký Quyết định 101/QĐ-TCT1121 ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN