Giúp doanh nghiệp thông quan

Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) ở một số tỉnh giáp biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang hiện khá trầm lắng. Trước thực trạng này, lãnh đạo Hải quan các địa phương cho biết sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm thủ tục, thông quan hàng hóa, không để xảy ra tình trạng bắt chẹt, cán bộ gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Đường không thuận, hàng khó đi

Cuối tháng 4, chúng tôi có dịp đến Chi cục Hải quan cửa khẩu (HQCK) Bí Hà, một trong những chi cục xa xôi của tỉnh Cao Bằng. Mặc dù con đường từ thành phố Cao Bằng tới Bí Hà chỉ 90 km nhưng mất gần 4 giờ, chúng tôi mới tới nơi vì tuyến đường đa phần là đèo dốc quanh co, nhiều khúc cua.

Nhân viên Chi cục hải quan cửa khẩu Thanh Thuỷ (Cục Hải quan Hà Giang) đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Minh Phương


Phó Chi cục HQCK Bí Hà, ông Nông Quốc Đoan cho biết: Trước đây, đường sá thuận tiện nên có một số doanh nghiệp thường xuyên tới để khai thác, mang lại nguồn thu. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, đường đi rất khó khăn, không thuận lợi cho vận chuyển hàng. Mặt khác, hàng xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là mía nguyên liệu nhưng lại thuộc nhóm hàng nông sản không có thuế suất. Vì vậy từ đầu năm tới nay, nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của chi cục vẫn chưa có. Hoạt động XNK của doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng do chính sách kinh tế biên mậu của Trung Quốc thường xuyên thay đổi.

Nhận định về mặt hàng XNK tại Cao Bằng, ông Lê Viết Phong, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Cao Bằng cho hay: Tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Cao Bằng, hàng nhập chủ yếu là than cốc, gạch chịu lửa, máy móc thiết bị phục vụ dự án đầu tư; hàng xuất là nhân hạt điều qua sơ chế, mía cây nguyên liệu, bã mía, cao su, gạo, bột đá. Còn ở tỉnh Bắc Kạn, hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị phục vụ dự án đầu tư, hàng xuất khẩu than củi, chì thỏi, bột đá nhưng số lượng và kim ngạch không nhiều. Theo ông Phong, từ ngày 1/1 - 15/3, tổng kim ngạch XNK cả Cao Bằng và Bắc Kạn chỉ đạt hơn 44,82 tỷ đồng, giảm 6,77% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số thuế thu nộp ngân sách chỉ đạt 44,27% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao năm nay (155 tỷ đồng).

Chi cục trưởng HQCK Phó Bảng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), ông Khổng Mạnh Cường cũng cho biết: “Những năm trước, có thời điểm số thu ngân sách đạt cao nhất là 4 - 5 tỷ đồng. Nhưng năm ngoái, số thu chỉ đạt 50 triệu đồng. Hàng xuất ở đây chủ yếu là gạo, ngô, cao su. Nguyên nhân giảm là đường đi lại không tiện, thời tiết lại khắc nghiệt. Khí hậu quanh năm giá lạnh. Mùa hè duy trì dưới 20 độ C. Mùa đông luôn âm độ. Tuyết có, băng giá có. Vì vậy, doanh nghiệp không mặn mà”.

Theo Phó Cục trưởng Hải quan Hà Giang, ông Lê Ngọc Hiệu, Hà Giang là tỉnh biên giới có địa hình phức tạp, khó khăn. Có những chi cục cách xa 150km, đường khó đi. Tổng trị giá kim ngạch XNK (từ ngày 01/01 đến 15/3) đạt 32,76 triệu USD, gảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do các mặt hàng XNK với Trung Quốc giảm. Nhiều dự án triển khai chậm nên không có nhu cầu nhập khẩu thiết bị. Tổng thu NSNN tính đến thời điểm trên đạt 24,77 tỷ đồng, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu

Mặc dù những tháng đầu năm, hàng hóa XNK tại các cửa khẩu hải quan tỉnh Cao Bằng và Hà Giang còn trầm lắng nhưng các lãnh đạo hải quan địa phương vẫn đặt quyết tâm hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu thu NSNN trong năm nay. Dự báo số thu Hải quan Cao Bằng năm nay là 179 tỷ đồng (vượt kế hoạch được giao 24 tỷ đồng). Còn chỉ tiêu số thu NSNN mà Bộ Tài chính giao cho Hải quan Hà Giang là 200 tỷ đồng.

Để hoàn thành được chỉ tiêu đề ra, đại diện Hải quan Cao Bằng cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, vận hành tốt hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) để giúp các doanh nghiệp đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí. Nhằm giúp các doanh nghiệp khai báo trên VNACCS/VCIS được thuần thục hơn, phía hải quan đã thiết lập đường dây nóng hỗ trợ và có một chuyên mục riêng giải đáp trên Cổng thông tin điện tử Hải quan.

Để doanh nghiệp làm thủ tục thuận tiện hơn, ông Lê Ngọc Hiệu (Hải quan Hà Giang) cho hay: Từ nay tới cuối năm, Hà Giang tập sẽ trung công tác cải cách hành chính để thu hút doanh nghiệp. Vì gỡ khó cho doanh nghiệp thì nguồn thu mới có cơ hội tăng. Trong buổi làm việc mới đây về kết quả hoạt động XNK hàng hóa qua biên giới 4 tháng đầu năm tại tỉnh Hà Giang, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Để khuyến khích hoạt động đầu tư, kinh doanh nhằm tăng nguồn thu NSNN, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu phụ như: Săm Pun, Xín Mần, Phó Bảng (Hà Giang) để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cửa khẩu này; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tìm giải pháp rút ngắn thời gian khâu kiểm dịch đối với hàng hóa của doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Giang, giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là cần huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu; sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển KT-XH tại Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy để khuyến khích kinh doanh thương mại, dịch vụ; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp (cung cấp thông tin diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các quy định hiện hành về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của phía Trung Quốc...).

Minh Phương

Xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng mạnh đến năm 2020
Xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng mạnh đến năm 2020

Xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh châu Âu ước tính sẽ tăng thêm 75% đến năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN