Thúc đẩy xuất khẩu từ các hiệp định thương mại

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay vẫn rất lớn nhờ việc tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ kí kết.

Tìm thị trường mới

Công ty CP thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) chuyên sản xuất, chế biến các mặt hàng thủy sản surimi (thịt cá xay) cho đối tác nước ngoài. Ông Lê Văn Kháng, Tổng giám đốc Công ty, Ủy viên Thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết, kế hoạch năm 2015, công ty phấn đấu xuất khẩu 14.000 tấn sản phẩm các loại với kim ngạch xuất khẩu 28 triệu USD theo đơn đặt hàng của các đối tác. Riêng 2 tháng đầu năm 2015, công ty đã xuất khẩu được gần 4 triệu USD.

Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ông Kháng cho biết, ngoài một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ, công ty đã chú trọng hơn đến một số thị trường mới như Pháp. Hiện sản phẩm của công ty đang được một tập đoàn thủy sản uy tín của Pháp phân phối. Với việc FTA giữa Việt Nam và EU được kí kết hoàn tất trong năm 2014, thuế nhập khẩu giảm về 0%, ông Kháng kì vọng sản phẩm của công ty sẽ thâm nhập thành công thị trường khó tính này.

“Cần chú ý 3 trụ cột để đảm bảo xuất khẩu bền vững: Mở cửa thị trường; nâng cao hàm lượng Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; thuận lợi hóa thương mại thông qua cải cách quy trình, thủ tục chính sách”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu.

Nhìn lại quý 1/2015, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 200 triệu USD so với cùng kỳ năm 2014, mà một trong những nguyên nhân là thuế suất nhập khẩu cao khiến giá bán khó cạnh tranh. Các hiệp định FTA được ký kết sẽ đưa mức thuế suất nhập khẩu về 0%, được kì vọng sẽ giúp thủy sản Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Không riêng gì các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mà ngay cả các những mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu trong quý 1 như dệt may, da giày cũng đang cố gắng tìm kiếm những thị trường mới bởi những thị trường truyền thống dần “bão hòa”. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tồn tại một số yếu tố chưa bền vững, đặc biệt là cơ cấu thị trường chưa giải quyết được đồng bộ, xuất khẩu còn phụ thuộc vào một số thị trường quen thuộc.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản chủ lực như: gạo, hạt tiêu, cà phê đã tới ngưỡng tối đa tại một số thị trường nên khó tăng được kim ngạch, đặc biệt tại các thị trường có mặt hàng cạnh tranh cùng loại như Thái Lan, Philippines... Do đó, việc tận dụng các FTA đã kí kết cũng như đẩy nhanh đàm phán các hiệp định FTA được xem là giải pháp hữu hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nâng chất lượng hàng xuất khẩu

Hiện nay, các FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA), FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) đã cơ bản hoàn tất. Đối với các Hiệp định còn lại, Việt Nam đang gấp rút hoàn tất các khâu đàm phán cuối cùng, bao gồm TPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do Châu Âu.

Những thị trường mà Việt Nam kí kết FTA đều rất “khó tính”. Việc kí kết FTA với việc tiến tới miễn thuế nhập khẩu mới chỉ mở “cánh cửa” thuế quan cho các doanh nghiệp Việt Nam, còn để hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập được vào các thị trường này, hàng hóa Việt Nam còn cần phải vượt qua nhiều hàng rào phi thuế quan khác. Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc ký FTA với các đối tác hàng đầu thế giới chắc chắn sẽ tạo cơ hội xuất khẩu nông lâm hải sản sang các thị trường tuy khó tính nhưng có giá trị cao này. Tuy nhiên, còn phụ thuộc rất nhiều vào thực lực của các doanh nghiệp nội.

Chẳng hạn, Australia là một thị trường khá thuận lợi vì hầu hết các mặt hàng không cần có giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, đây lại là thị trường yêu cầu cao về chất lượng. Họ áp dụng “Lệnh giữ hàng” để xử lý các lô hàng thực phẩm nhập khẩu không đạt yêu cầu về chất lượng hoặc yêu cầu về đóng gói, bao bì. Khi đã bị áp lệnh giữ hàng, các lô hàng tiếp theo sẽ không được phép nhập khẩu vào Australia hoặc phải chịu kiểm tra chặt chẽ trong 5 chuyến sau nếu vi phạm lần đầu. Thực tế, những năm qua, phần lớn các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị áp lệnh giữ hàng là do sơ suất trong khâu ký mã hiệu, bao bì, nhãn mác như thiếu tên nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, không ghi hạn sử dụng, không ghi xuất xứ hoặc thành phần sản phẩm...

Đồng quan điểm, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, với những tiêu chuẩn khắt khe về hàng hóa tại các thị trường như Hàn Quốc, EU mà Việt Nam đã kí kết FTA, rất nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam khó lòng “chui lọt”. Do đó, để xuất khẩu được vào các thị trường này, phải sắp xếp lại chuỗi giá trị nông sản từ khâu chọn giống, nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản, chế biến... tạo ra chuỗi sản phẩm có chất lượng cao cho xuất khẩu.

Đề cập tới tác động của các FTA song phương và đa phương tới xuất khẩu Việt Nam, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các hiệp định sẽ mở ra cơ hội thị trường đa dạng, bổ sung cho cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam với những khu vực kinh tế năng động và mở nhất. “Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và gia tăng độ minh bạch trong quản lý”, ông Thành nói.

Hoàng Dương
Nghệ An mở rộng thị trường xuất khẩu lao động
Nghệ An mở rộng thị trường xuất khẩu lao động

Tỉnh Nghệ An chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiếp tục khai thác và phát triển các thị trường lao động truyền thống, đồng thời mở rộng thêm nhiều thị trường mới tiềm năng có thu nhập cao, ổn định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN