Trong nhiều năm qua, khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế, chiếm tỷ trọng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cũng như tạo khoảng 3 triệu việc làm.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến nền kinh tế” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 9/4, tại Hà Nội.
Sau gần 30 năm đổi mới, mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút nguồn vốn lớn, với mức giải ngân trung bình 10 tỷ USD/năm. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp rất đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp Việt Nam mở rộng hội nhập với thế giới...
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Đó là tình trạng chậm chuyển giao công nghệ cho các đối tác trong nước, việc áp dụng công nghệ nguồn ít, chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên; 20 - 30% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ liên tiếp trong nhiều năm; doanh nghiệp FDI vi phạm về quy định về bảo vệ môi trường tăng; việc liên kết doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn kém...
Các chuyên gia khuyến nghị, cần có các chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI và giữa doanh nghiệp trong nước với nhau; hình thành cụm, KCN chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực.
Thu Trang