Tích cực cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp FDI

Sáng ngày 4/3, UBND TP Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã tổ chức "Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn dịp Tết Ất Mùi năm 2015". Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cho biết, thông qua cuộc gặp này lãnh đạo thành phố mong muốn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời xây dựng, triển khai và chỉ đạo điều hành để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường hoạt động đầu tư kinh doanh trong năm 2015.


Những con số biết nói


Hiện nay, TP.HCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Tính đến 31/12/2014, TP.HCM có 5.310 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 36,28 tỷ USD. Riêng năm 2014, vốn FDI vào Thành phố có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đầu tư là 457 dự án với tổng vốn đăng ký là 2,88 tỷ USD, tăng 2,7 lần so với năm 2013. Ngoài ra, còn có 138 dự án đầu tư điều chỉnh tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm là 383,41 triệu USD. Tính chung, các dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn, Thành phố đã tiếp nhận 3,26 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 56,6% so cùng kỳ năm 2013. Vốn FDI thực hiện trên địa bàn năm 2014 khoảng 2,5 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh gặp gỡ các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố.

Về lĩnh vực đầu tư, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với giá trị vốn đầu tư đăng ký là 1,65 tỷ USD (chiếm 57,2%). Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nhằm đón đầu một chu kỳ tăng trưởng mới sau một thời gian trầm lắng với số vốn đầu tư đăng ký cấp mới đạt xấp xỉ 635 triệu USD (chiếm 22,07%). Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác với 334 triệu USD vốn đầu tư (chiếm 11,63%).


Hiện có khoảng 550.000 người làm việc trong các doanh nghiệp FDI. Như vậy, các doanh nghiệp FDI đã tạo ra khoảng 22,5% chỗ làm cho lực lượng lao động tại Thành phố, góp phần không nhỏ vào việc tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống của người dân.


Khối doanh nghiệp FDI cũng là khu vực có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Năm 2014, ước tính các doanh nghiệp trong khối này đã nộp ngân sách gần 1,74 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước (khoảng 1,27 tỷ USD) và khối doanh nghiệp tư nhân (khoảng 1,43 tỷ USD). Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi số lượng doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 2% tổng số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế của Thành phố (khoảng gần 5.000 doanh nghiệp FDI trong tổng số hơn 238.000 doanh nghiệp).


Trong năm 2014, khu vực có vốn FDI xuất khẩu 11,2 tỷ USD, chiếm 38,4% trong tổng giá trị xuất khẩu của Thành phố.


Tích cực cải thiện môi trường đầu tư


Mặc dù các doanh nghiệp FDI đóng vai trò cực kỳ quan trọng và không thể thiếu được trong nền kinh tế TP.HCM, thế nhưng hoạt động của các doanh nghiệp FDI trong năm qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục đầu tư rườm rà và thời gian giải quyết theo luật định còn kéo dài. Lĩnh vực pháp luật lao động, xuất nhập cảnh còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện để các doanh nhân được xuất nhập cảnh và cư trú thuận lợi cũng như việc tuyển dụng và sử dụng lao động phù hợp với quy định còn khó khăn. Thủ tục thuế và hải quan còn tốn nhiều thời gian do có nhiều quy định khác nhau, trong đó nhiều văn bản quy phạm còn chồng chéo lẫn nhau hoặc chưa rõ ràng.


Ông Thái Văn Rê, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết kể từ ngày 1/7/2015, Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp năm 2014 sẽ có hiệu lực với nhiều cải tiến đáng kể trên các mặt như: thể chế hóa quyền tự do kinh doanh, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, cải cách về con dấu của doanh nghiệp, bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp; tạo thêm các ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài như miễn thuế nhập khẩu máy móc, vật liệu, phương tiện vận tải chuyên dùng, miễn giảm tiền thuê đất đối với các dự án khuyến khích đầu tư; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp còn 3 ngày, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xuống còn 15 ngày…


Bên cạnh việc triển khai các quy định mới của Trung ương, Thành phố sẽ triển khai đăng ký đầu tư trực tuyến với thời gian giải quyết được rút ngắn xuống còn 5-10 ngày làm việc; triển khai liên thông cấp Giấy chứng nhận đầu tư với cấp mã số thuế; áp dụng dịch vụ chuyển phát kết quả hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư qua hệ thống bưu điện.


Ngoài ra, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp để lắng nghe kiến nghị và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp,… nhằm góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường đầu tư của Thành phố.


Về lĩnh vực đầu tư, Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực theo đúng định hướng phát triển của Đảng bộ và chính quyền thành phố, gồm có 9 nhóm ngành dịch vụ (tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu; bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học - công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục - đào tạo) và 4 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm).


Về địa bàn đầu tư, Thành phố sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất và cụm công nghiệp phát triển theo hướng xanh, đổi mới trang thiết bị, tăng năng lực cạnh tranh; tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành để tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ cao; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao giai đoạn 1 và chuẩn bị xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2 để thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất.


Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu đô thị mới mới như khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị mới Nam Thành phố, khu đô thị Tây Bắc Thành phố, khu đô thị cảng Hiệp Phước,….


Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh khẳng định, tác động tích cực của các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ thể hiện qua các con số nêu trên bởi các nhà đầu tư không chỉ đơn thuần dừng ở việc đưa vốn vào Thành phố, mà theo đó còn là đầu tư công nghệ, kỹ thuật, phương thức và bí quyết kinh doanh, tâm huyết và sự gắn bó của các nhà đầu tư với Thành phố. Đây mới là yếu tố quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Chính vì vậy, việc gặp mặt lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp sẽ giúp cho chính quyền TP. HCM cải thiện tốt hơn nữa về cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho các nhà đầu tư nước ngoài; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp


Bài, ảnh: Hải Yên


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN