Theo đó, các địa phương khẩn trương trình Hội đồng nhân dân phê duyệt kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đoạn 2021 - 2025 để làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022.
Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững và nông thôn mới.
Thứ trưởng Phương đề xuất, Chính phủ xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, làm cơ sở để cán bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai; lựa chọn nội dung ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án, dự án có liên quan.
Cùng với đó, các địa phương triển khai các giải pháp huy động, bổ sung nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, tổ chức quán triệt, thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và đối tượng có liên quan về các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, một số kết quả nổi bật trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đó là: bộ máy quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp đã được kiện toàn và có tính thống nhất từ Trung ương đến địa phương; việc lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có tầm nhìn trung hạn gắn giữa kế hoạch 5 năm và kế hoạch hằng năm.
Đặc biệt, thông tin về chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được chú trọng theo phương thức vừa có sự kế thừa, vừa có sự đổi mới đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mói và giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cụ thể, việc huy động và sử dụng nguồn lực chưa thực sự tạo được cơ chế khuyến khích những địa phương đạt kết quả tốt. Phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm.
Tỷ lệ các công trình giao cấp xã làm chủ đầu tư mới đạt khoảng trên 60% và chủ yếu phân cấp đối với công trình thực hiện xây dựng nông thôn mới; năng lực của cán bộ làm công tác quản lý, điều hành chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp huyện, cấp xã còn yếu; cán bộ phụ trách ở cấp huyện, xã còn kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên sâu làm công tác giảm nghèo.
"Trong xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn tình trạng chậm tiến độ, thiết kế chính sách đặc thù hỗ trợ công tác giảm nghèo chưa thực sự phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương", Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.