Tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Tài chính và các sở, ngành cần phối hợp tốt hơn để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án, công trình; trong đó có việc rà soát các văn bản, quy định hiện hành để bổ sung, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp.
Danh mục các dự án, công trình trong diện giám sát gồm: Đường trục Bắc Nam; cầu Mây; đường tỉnh 396 (huyện Thanh Miện, Hải Dương) với đường huyện 80 (huyện Phù Cừ, Hưng Yên); đường tuyến kết nối quốc lộ 38 với đường huyện 31 của tỉnh Hưng Yên; đường nối từ cầu Từ Ô với đường tỉnh 386; đường nối đường tỉnh 398B (Hải Dương) với đường tỉnh 345 (Quảng Ninh); cầu Triều và đường dẫn hai đầu cầu; đường tránh trung tâm thành phố Chí Linh; cầu Dinh; cầu Thanh Quang.
Ông Dương Văn Xuyên, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hải Dương cho biết, từ khi thực hiện Luật đất đai năm 2013 đến nay, Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh. Kết quả, trong số 10 dự án, công trình trọng điểm của tỉnh, Sở Tài chính đã tham gia thẩm định đơn giá bồi thường đất ở đối với dự án đường tỉnh 396 (huyện Thanh Miện) với đường huyện 80 (huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). Các dự án còn lại, Sở Tài chính chưa nhận được phương án đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Về việc xác định giá khởi điểm để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với những khu đất có giá trị dưới 20 tỷ đồng, từ năm 2017 đến nay, Sở Tài chính tỉnh Hải Dương đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 288 lượt hồ sơ.
Xuất phát từ nhiều vướng mắc trong quá trình xây dựng, công tác phê duyệt giá đất tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; giá khởi điểm để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất của một số công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, đại diện Sở Tài chính tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 104/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khung giá đất theo hướng không quy định giá tối đa, chỉ quy định giá tối thiểu.
Đối với đơn giá bồi thường, Sở Tài chính Hải Dương đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Đất đai năm 2013 cho phù hợp tình hình thực tế, thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người thu hồi đất. Về giá khởi điểm để đấu giá, xử lý hủy kết quả đấu giá, Sở Tài chính tỉnh Hải Dương đề nghị các Bộ Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp phối hợp rà soát, xử lý nội dung chưa thống nhất tại thông tư 02 của Bộ Tài chính, thông tư 14 của Liên Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp. Đồng thời, trong quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất có vướng mắc khi xử lý hủy kết quả trúng đấu giá, do Luật chưa quy định các điều kiện hủy kết quả đấu giá gây khó cho các địa phương, Sở Tài chính đề nghị quy định thời hạn cụ thể sau khi trúng đấu giá nhưng không nộp tiền sẽ được hủy kết quả đấu giá; đề nghị quy định cụ thể việc xử lý tiền đặt trước, tiền sử dụng đất đã nộp một phần.
Theo ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng, có nơi huyện không quyết liệt, ngại va chạm, có tình trạng “đá bóng” lên tỉnh. Điều này dẫn đến việc chậm giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết, giải phóng mặt bằng đang là điểm nghẽn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở nhiều địa phương, không riêng Hải Dương. Sở Tài chính đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh những văn bản cần thiết. Tuy nhiên, việc tham mưu của Sở Tài chính cho Hội đồng giải phóng mặt bằng và UBND tỉnh có nơi, có lúc vẫn chưa được thường xuyên, chủ động dẫn đến việc giải phóng mặt bằng chậm. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục còn thiếu một số khâu như quy định về thời gian giữa các công đoạn. Trong quá trình tiến hành giải phóng mặt bằng, một số nơi cấp huyện chưa quyết liệt phối hợp với cấp tỉnh. Một số cơ quan chức năng chưa kiên quyết trong thẩm định quy hoạch của một số địa phương. Đến nay vẫn tồn tại một số dự án chưa giải phóng mặt bằng xong.
Phó Chủ tịch Thường trực ĐND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Tài chính cần rà soát lại để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành một số văn bản để đẩy nhanh tiến độ giải phóng trong thời gian tới. Trước mắt, Sở Tài chính cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại một số văn bản hiện hành để bổ sung, chỉnh sửa những điểm không còn phù hợp. Hai sở nên ban hành hoặc bổ sung vào quy chế nội bộ quy định về thời gian xử lý từ khi tiếp nhận hồ sơ cấp huyện gửi lên, để chặt chẽ trong quá trình triển khai. Sở Tài chính cần bồi dưỡng thường xuyên trình độ cho cán bộ chuyên môn, hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho địa phương trong hoàn thiện các thủ tục tránh tình trạng hồ sơ thủ tục gửi đi gửi lại mất thời gian. Các ngành cũng cần tích cực hơn trong phối hợp với Sở Tài chính, với các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.
Liên quan đến công tác thẩm định quy hoạch, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh kiên quyết chấn chỉnh việc xây dựng quy hoạch không đúng ở một số địa phương…