Giám sát đặc biệt tiến độ cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt

Ngày 28/6, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, đến thời điểm này sản lượng mới đạt 7,6%, chậm khoảng 2,6% so với kế hoạch. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 6 (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) tiếp tục theo dõi, đôn đốc tiến độ.

Chú thích ảnh
Điểm cuối tuyến dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt tại huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Sơn Hùng/Báo Tin tức

"Trong tháng 6/2022, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập 2 tổ công nhằm kiểm tra, giám sát cụ thể dự án này. Theo đó, tổ công tác số 1 có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, rà soát các nội dung hợp đồng BOT để xem xét, xử lý trách nhiệm của nhà đầu tư; tổ công tác số 2 thực hiện kiểm tra, rà soát việc thực hiện kế hoạch, tiến độ thi công để chấn chỉnh đôn đốc các đơn vị khẩn trương thực hiện và xem xét, xử lý trách nhiệm các nhà đầu tư theo quy định", ông Bùi Quang Thái cho hay.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 6 cho hay, qua kiểm tra mới đây cho thấy công trường đã có những chuyển biến nhưng vẫn chậm so với tiến độ sau khi đã được điều chỉnh. Dự án đã mất 9 tháng "dẫm chân tại chỗ" vì dịch bệnh, khó khăn về vốn, mỏ vật liệu và mặt bằng. Đến nay những khó khăn, vướng mắc nói trên đã cơ bản được giải quyết. Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ dự án, các doanh nghiệp phải ngồi lại đưa ra các giải pháp, thay đổi biện pháp thi công, vẽ lại đường găng tiến độ từ đó kéo bù quãng thời gian đã mất và nhanh chóng đạt sản lượng theo quy định của tổ chức tín dụng để được giải ngân nguồn vốn.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) chia sẻ, để đẩy nhanh dự án, các nhà thầu đã huy động 86 mũi thi công, tổng giá trị các Nhà thầu thực hiện được hơn 600 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Việt cũng thừa nhận, dự án đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án bị chậm. Ngoài yếu tố chủ quan của các nhà đầu tư, nhà thầu thi công thì còn những khó khăn khách quan như mặt bằng còn bị vướng, đường công vụ chưa xong.

Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết, đến nay Ban quản lý dự án 6 và hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương đã giải phóng xong 49,22 trong tổng 49,30 km của toàn dự án, đạt 99,84%. Hiện còn vướng mắc hệ thống đường điện trên tuyến đang được các cơ quan chức năng tháo gỡ.

Trong khi đó, về các mỏ vật liệu đất đắp, ông Nguyễn Quốc Việt cho biết về cơ bản đáp ứng, tuy nhiên do các mỏ phân bố không đều nên giá thành vận chuyển cao, một số mỏ có giá cao hơn rất nhiều so với dự toán nên rất khó khăn cho nhà thầu. Đối với các mỏ cát trữ lượng đáp ứng tốt, tuy nhiên công suất khai thác của các mỏ thấp, các nhà thầu phải sử dụng rất nhiều mỏ mới có thể đáp ứng tiến độ.

Chia sẻ về những khó khăn do "bão giá", ông Nguyễn Quốc Việt cho hay, thời gian qua giá vật liệu đầu vào gần như tăng đột biến đối với tất cả các loại nguyên vật liệu chính phục vụ thi công như thép, xi-măng, cát, đá, nhựa đường... dẫn đến giá các gói thầu tăng khoảng 13 - 15%. Bên cạnh đó, giá đất tại các mỏ cũng tăng khoảng 1,5 - 2 lần so với đơn giá trong dự toán gói thầu. Hiện nay giá nhiên liệu tiếp tục tăng; trong đó giá dầu diezen 29.020 đồng/lít (giá thời điểm trúng thầu là 12.440 đồng/lít, chênh 2,33 lần) và có xu hướng tiếp tục tăng kéo theo giá vận chuyển, giá các loại vật liệu khác tăng. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu hỗ trợ điều chỉnh giá cho các nhà thầu.

Về công tác giải ngân, lãnh đạo doanh nghiệp dự án cho hay, nhà đầu tư đã dùng vốn lưu động để thực hiện dự án hơn 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa giải ngân được từ nguồn vốn vay tín dụng và vốn góp của nhà nước dẫn đến khó khăn về dòng tiền.

Vì vậy, doanh nghiệp dự án đề nghị Bộ giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan đơn vị sớm triển khai để thống nhất hồ sơ thanh toán vốn VGF (hỗ trợ vốn trực tiếp của Nhà nước cho nhà đầu tư tư nhân), phụ lục hợp đồng BOT để kịp thời giải ngân khi đáp ứng đủ các điều kiện giải ngân theo hợp đồng BOT đã ký.

Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài khoảng 50 km, đi qua địa phận 2 tỉnh Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km). Để phù hợp với nhu cầu vận tải, giai đoạn 1 của dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư PPP; trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện khoảng hơn 6.067 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự án khoảng 3 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 6 tháng 8 ngày.

Nhà đầu tư dự án này là liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VINA2. Dự án được khởi công từ tháng 5/2021 nhưng mãi đến giữa tháng 2/2022 mới ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng vì vậy, dự án mới thực sự được thi công trên toàn tuyến.

Quang Toàn (TTXVN)
Cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt khó rút ngắn được tiến độ
Cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt khó rút ngắn được tiến độ

Liên quan đến việc rút ngắn tiến độ dự án PPP (hợp tác công tư) cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, theo báo cáo của nhà đầu tư, dự án khó có thể rút ngắn tiến độ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN