Để giải tỏa tâm lý cho người dân về vấn đề này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tăng hóa cục bộ tại một số điểm và những bước đi cụ thể của Bộ Công Thương trong thời gian tới để đảm bảo cung ứng hàng hóa và ổn định giá cả. Đây là giải pháp mà Bộ Công Thương chú trọng khi thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát khiến người dân lo thiếu lương thực dẫn đến tình trạng đổ xô mua hàng tích trữ. Mặc dù Bộ Công Thương đã cam kết đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa và không tăng giá bán nhưng thực tế nhiều mặt hàng giá vẫn tăng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Từ rất sớm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trên cả nước có phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch COVID-19 và kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết.
Tuy nhiên, do tâm lý nên vẫn có hiện tượng cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm, đã gây gián đoạn nguồn cung cục bộ tại một số điểm bán hàng và tập trung ở mặt hàng thực phẩm tươi sống. Thế nhưng, ngay sau đó hiện tượng này đã nhanh chóng được xử lý, thị trường dần ổn định và sức mua giảm. Giá hàng hóa thực phẩm có biến động tăng tại các chợ trong những giai đoạn cầu tăng mạnh do tâm lý người dân nhưng sau đó đã giảm trở lại. Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa đầy đủ và giá được giữ ổn định hơn.
Thực tế này làm ảnh hưởng đến thị trường, giá cả trên địa bàn một số tỉnh, thành phố, gây bức xúc trong dân và vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý; lập đường dây nóng tại tất cả 63 tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh của người dân 24/24 về hành vi vi phạm pháp luật, gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán kiếm lời.
Ngoài ra, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố gặp khó khăn do các yêu cầu về kiểm dịch khiến cung ứng hàng hóa mất nhiều thời gian hơn bình thường. Vì vậy, giá hàng hóa tăng cũng do các chi phí vận chuyển, phí nhân công, lái xe, hàng hóa hư hỏng, hao hụt do kéo dài thời gian lưu thông.
Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa lưu thông giữa các địa phương, nhất là 19 địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại phía Nam đã được thuận lợi hơn rất nhiều sau khi các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn nên nguồn cung hàng hóa tại các địa phương đã cơ bản ổn định.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, nguồn cung hàng hóa, nhất là thực phẩm thiết yếu được cải thiện hơn trước; giá cả dần ổn định trở lại, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Nhiều hệ thống phân phối như: siêu thị Go! & Big C, Coop. Food… đã tăng lượng hàng dự trữ lên nhiều lần và cam kết giữ vững bình ổn giá, không tăng giá, góp phần ổn định tâm lý cho người dân.
Ông có thể phân tích kỹ nguyên nhân đội giá các mặt hàng thiết yếu có thể là do vận chuyển khó khăn, phí xét nghiệm... trong thời gian gần đây?
Thời gian qua, một trong các nguyên nhân khiến giá các mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng là do việc cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phát sinh những khó khăn trong vận chuyển, lưu thông khi phải thực hiện quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Chẳng hạn như: việc tất cả các lái xe khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm COVID-19 nhưng các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ.
Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời; kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.
Bên cạnh đó, số lượng vaccine còn hạn chế, phần lớn lái xe và người áp tải hàng chưa được tiêm. Điều này, gây tâm lý e ngại do mất thời gian làm xét nghiệm, tốn tiền xét nghiệm, lo ngại bị lây dịch, tốn phí xét nghiệm, ra vào vùng dịch phải cách ly 21 ngày không muốn tham gia vận chuyển lưu thông hàng hóa. Từ đó, gây thiếu phương tiện và lái xe cục bộ.
Không những thế, nông sản vận chuyển đi tiêu thụ mặc dù có đầy đủ giấy tờ về phòng, chống dịch nhưng do phải đi qua nhiều chốt kiểm soát nên mất nhiều thời gian làm giảm phẩm cấp, chất lượng nông sản. Thậm chí, có nhiều chốt do thực hiện quá nghiêm, vận dụng cực đoan, hiểu sai văn bản hướng dẫn dẫn đến hiện tượng “ngăn sông, cấm chợ”.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương có quy định về thủ tục, quy trình kiểm soát hàng hóa, phương tiện con người và phòng chống dịch COVID-19 khác nhau nên các doanh nghiệp lúng túng trong hoạt động kinh doanh.
Chính bởi vậy, giá hàng hóa tăng do chi phí làm giấy xét nghiệm COVID-19, chi phí vận chuyển, phí nhân công, lái xe, hàng hóa hư hỏng, hao hụt hàng tươi sống do kéo dài thời gian lưu thông.
Ngoài ra, theo phản ánh của một số doanh nghiệp phân phối, việc tăng giá hàng hóa còn bởi việc điều chỉnh giá từ phía nhà cung cấp, thiếu nhân công sản xuất và một số chi phí đầu vào khác. Tuy nhiên, hiện nay các vướng mắc trong khâu lưu thông hàng hóa, xét nghiệm, vận chuyển đã dần được tháo gỡ.
Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương về các vấn đề liên quan đến lưu thông hàng hóa thiết yếu; đồng thời, yêu cầu các địa phương không được đặt ra các điều kiện cản trở.
Để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người dân, ông cho biết Bộ Công Thương có những giải pháp nào để ổn định thị trường và giá cả?
Việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân, bình ổn thị trường giá cả và hỗ trợ lưu thông hàng hóa là một trong các nhiệm vụ trọng yếu mà Bộ Công Thương thường xuyên chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan triển khai và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp chỉ đạo các địa phương tăng dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu; tăng cường các điểm bán hàng lưu động; chủ động và tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố phía Nam đang có nhu cầu.
Cùng với đó, Bộ còn tạo điều kiện đảm bảo cho hàng hóa thiết yếu được lưu thông thông suốt, không bị ách tắc; tạo các vùng đệm cho hàng hóa ra vào các tỉnh, thành phố. Cùng đó, nghiên cứu mở lại các chợ truyền thống nếu đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch; ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ thiết yếu.
Mặt khác, Bộ cũng hướng dẫn Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; hướng dẫn phòng, chống dịch tại chợ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; duy trì phương thức giao nhận thương mại điện tử và nghiên cứu tổ chức điểm tập kết giao nhận hàng hóa.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã đề nghị các bộ giảm yêu cầu xét nghiệm cho các lái xe, phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu và người áp tải hàng hóa; tạo luồng “luồng xanh”, luồng “ưu tiên đặc biệt” để các phương tiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu giữa các địa phương; bảo đảm sản xuất, hỗ trợ khâu thu hoạch, góp phần duy trì nguồn hàng đầu vào ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm thiết yếu…
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.
Bộ Công Thương còn chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối về việc tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam; liên tục ban hành văn bản chỉ đạo về quản lý thị trường, lập đường dây nóng của tại tất cả 63 tỉnh, thành phố để tiếp nhận phản ánh của người dân 24/24; tăng cường tổ chức đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên nền tảng thương mại điện tử.
Đáng lưu ý, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 để phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tại phía Nam để xử lý kịp thời các vấn đề nóng, vướng mắc, khó khăn để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu. Nhờ đó, Bộ Công Thương đã có nhiều chỉ đạo sát sao hơn với việc đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường và giá cả hàng hóa thiết yếu.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, đơn vị có liên quan để bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường; xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời, không để đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch.
Xin trân trọng cảm ơn ông!