Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc giãn cách xã hội cùng lúc nhiều tỉnh, thành phố đặt ra vấn đề điều phối, vận chuyển, cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm nhằm đảm bảo đời sống cho người dân cũng như lưu thông hàng hóa được thuận lợi.

Sau khi 3 tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, thì từ 0 giờ ngày 19/7, 16 tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam cũng áp dụng giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch. Đây là thách thức lớn trong việc điều phối, cung ứng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm giữa các tỉnh, thành với nhau, đặc biệt là giữa các tỉnh, thành với TP Hồ Chí Minh - thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất khu vực.

Chợ Bến Thành, Quận 1 đóng cửa theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có khoảng 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm là rất lớn. Trung bình mỗi tháng, thành phố cần khoảng 59.500 tấn gạo, 22.640 tấn thịt lợn, gần 20.000 tấn thịt gia cầm, hơn 64,6 triệu quả trứng gia cầm các loại và 127.366 tấn rau củ quả. Tuy nhiên, khả năng cung ứng của ngành nông nghiệp thành phố đối với các mặt hàng thiết yếu trên chỉ đáp ứng được từ 7,8 - 19,47% nhu cầu. Như vậy, 80 - 90% sản lượng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phải phụ thuộc vào nguồn cung từ các tỉnh, thành khác.

Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phía Nam nhằm phối hợp thực hiện phương án điều phối vận chuyển, cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm của vùng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội (do Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều 19/7), thì năng lực cung ứng của các kênh tại thành phố là: Các doanh nghiệp bình ổn thị trường chiếm 30 - 40% thị phần; thương nhân các chợ đầu mối chiếm 60 - 70% thị phần, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác chiếm 10 - 20% thị phần.

19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch COVID-19.

Tại TP Hồ Chí Minh, khi thực hiện giãn cách, có tới 3 chợ đầu mối và trên 150 chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động nên nhiều người dân thành phố có tâm lý lo ngại thiếu thực phẩm, dẫn đến tình trạng gom các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Theo tính toán sơ bộ của Sở Công Thương, hiện thị trường thành phố đang thiếu hụt khoảng 1.500 tấn rau củ quả và  300.000 - 400.000 quả trứng gia cầm mỗi ngày.

Trong khi đó, việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ vào TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn do các chốt kiểm dịch kiểm tra lái xe chở hàng phải đủ giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19, còn hiệu lực (3 ngày) và giấy xác nhận cho phép lưu thông do công ty, đơn vị cấp. Nếu không đủ các giấy tờ trên sẽ không được qua, điều này đã dẫn đến ách tắc trong cung ứng và tiêu thụ nông sản về thành phố.

Khơi thông “luồng xanh” để đẩy nhanh vận chuyển hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là nguồn cung cấp sản lượng lớn rau củ cho TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay giá các loại rau củ có thể bảo quản được lâu đã tăng lên từ 30 - 50%, thậm chí là 70% so với trước. Trong khi đó các loại rau ăn lá, khó bảo quản lại khó tiêu thụ nên giá giảm.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã liên hệ với TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ nông sản cho các vùng cách ly. Hiện nay, mỗi ngày, Lâm Đồng có khả năng cung ứng cho thành phố từ 6.000 - 7.000 tấn rau, củ.

Trong khi đó, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, TP Hồ Chí Minh là thị trường tiêu thụ số lượng lớn nhiều loại nông sản, trái cây và sản phẩm chăn nuôi của Đồng Nai, tuy nhiên, từ khi TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai cùng áp dụng Chỉ thị 16 thì việc vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn. 

Hiện nay, mỗi ngày Đồng Nai cung ứng ra thị trường 8.300 con lợn, 120.000 con gà, vịt và 4 triệu quả trứng gia cầm. Trong đó, sản lượng cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh khoảng 3.700 con lợn, 4.800 con gà, vịt và hơn 2 triệu quả trứng gia cầm. Trên địa bàn tỉnh hiện có 45 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và cung cấp cho TP Hồ Chí Minh.

Khơi thông “luồng xanh” để đẩy nhanh vận chuyển hàng hóa, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vừa giải quyết đầu ra cho nông sản các địa phương.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh thông tin, trong khoảng 2 tuần tới, Tây Ninh sẽ thu hoạch 24.000 tấn rau và 80.000 tấn lúa. Ngoài sản lượng tiêu thụ tại chỗ, Tây Ninh có thể cung ứng cho TP Hồ Chí Minh 20.000 tấn rau, 40.000 tấn lúa.  

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, tỉnh đang gặp khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa dẫn đến giá một số mặt hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn giảm, trong khi giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng nên người dân có tâm lý dừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, chăn nuôi. Việc cung ứng hàng hóa cho TP Hồ Chí Minh hiện gặp trở ngại lớn nhất là các lái xe liên tục bị yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm COVID-19 nên không dám đi.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh cũng phản ánh tình trạng các lái xe rất ngại vận chuyển hàng hóa lên TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các tỉnh ở xa như An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu do phải đi qua nhiều chốt kiểm soát mà mỗi chốt, mỗi địa phương lại yêu cầu một thủ tục khác nhau.

Để đáp ứng đủ nhu cầu nông sản, thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh đồng thời tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ cho các tỉnh, thành khác trong khu vực suốt thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đại diện nhiều địa phương, hiệp hội cho rằng, cần thống nhất quy trình vận chuyển hướng dẫn cụ thể trong tất cả các khâu cung ứng nông sản.

Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu số lượng phong phú tại siêu thị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ngày 18/7/2021. 

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tập trung rà soát, giới thiệu các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi, các đơn vị sản xuất sản phẩm nông sản an toàn và có nguồn hàng ổn định tham gia phân phối hoặc cung ứng hàng hóa cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường và các đơn vị tiêu thụ hàng hóa nông sản trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở cũng định hướng, giới thiệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết trong quá trình đầu tư, phát triển chăn nuôi, tạo nguồn lương thực, thực phẩm bình ổn thị trường thành phố những tháng tới.

Đối với nguồn hàng nông sản từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh, Sở sẽ phối hợp Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương để giới thiệu điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa; thống nhất quy trình và hướng dẫn các địa phương thực hiện nhất quán, tránh mỗi nơi một kiểu gây khó khăn cho doanh nghiệp, ách tắc luân chuyển hàng hóa. Thành phố cũng dự kiến kết nối với các hợp tác xã tại các tỉnh, thành để trung chuyển hàng hóa không cần thông qua chợ đầu mối.

Việc mua hàng hóa thiết yếu tại chợ và siêu thị trong những ngày giãn cách xã hội tại khu vực phía Nam cần đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị 16, các doanh nghiệp thu mua rau quả chưa được hướng dẫn cụ thể. Tại các nhà máy sơ chế, công nhân rất lo ngại do chưa có hướng dẫn lao động trong điều kiện dịch bệnh. Thêm vào đó, các vùng bị phong tỏa dẫn đến thương lái không thể vào thu mua, làm thị trường bị thiếu hụt. Do đó, Hiệp hội kiến nghị ngành nông nghiệp có biện pháp, hướng dẫn cụ thể trong tất cả các khâu như thu hoạch, nhà máy sơ chế, vận chuyển tiêu thụ để giải quyết tình trạng ùn ứ tại nơi sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở nơi tiêu thụ.

Đại diện ngành nông nghiệp các địa phương đều cho biết sẵn sàng cung ứng nông sản, thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh phù hợp với năng lực hiện có. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo các tỉnh, thành cần thống nhất với nhau về quy trình vận chuyển, tiếp nhận, phân phối, tạo điều kiện để các lái xe vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận lợi, giảm các chi phí và thủ tục phát sinh, đẩy gánh nặng giá cả lên người tiêu dùng. 

Tại các chợ Vĩnh Long sẵn sàng nguồn cung hàng hóa, chủ động phòng, chống dịch.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, có một số việc cần làm ngay của các tỉnh thành phía Nam để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và những tháng sau đó. Đầu tiên, cần theo dõi dự báo tình hình nguồn cung từ nay đến cuối năm. Các tỉnh, thành trong khu vực đều có 2 nhiệm vụ là phải đảm bảo cung ứng tại chỗ cho địa phương mình và tiếp tục hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh. Các tỉnh, thành phố cần báo cáo cho Tổ công tác đặc biệt của Bộ về tình hình cơ sở sản xuất giết mổ. Đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, phải chú trọng công tác phòng chống dịch tại các cơ sở này, bởi chỉ cần một nhân viên cơ sở giết mổ nhiễm COVID-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các tỉnh, thành nên phối hợp với Bộ Công Thương và TP Hồ Chí Minh để xây dựng, củng cố các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản, thực phẩm; trong đó, sớm hình thành các chuỗi cung ứng thể hiện vai trò của Nhà nước để điều phối kịp thời khi cần thiết. Điển hình như chuỗi cung ứng - tiêu thụ sản phẩm giết mổ gia súc, gia cầm giữa Đồng Nai - TP Hồ Chí Minh, chuỗi cung ứng rau quả Lâm Đồng - TP Hồ Chí Minh…

Với các tỉnh, thành đang gặp khó khăn về tiêu thụ các loại trái cây, nông sản, cần đẩy mạnh bán hàng qua các kênh thương mại điện tử cũng như phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) quảng bá, kết nối xuất khẩu.

Ngoài vấn đề tiêu thụ, phân phối sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý các địa phương tập trung giải quyết những bất cập trong việc cung ứng vật tư đầu vào, thức ăn chăn nuôi; đồng thời, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường để đảm bảo nguồn cung nông sản ổn định cho tiêu dùng những tháng cuối năm và phục vụ xuất khẩu.

Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu số lượng phong phú tại siêu thị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Đặc biệt, trong cuộc họp trực tuyến do Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh chiều 21/7 mới đây, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, qua dữ liệu tổng hợp từ các địa phương có thể thấy, nguồn cung thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh và cả các tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là không thiếu. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng “tắc nghẽn” trong việc kết nối giữa các đơn vị cung ứng và phân phối.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để khắc phục tình trạng trên, cần nhanh chóng kết nối trực tiếp các đơn vị cung ứng thực phẩm với các đơn vị phân phối đang hoạt động để đảm bảo hàng hóa, đặc biệt là các thực phẩm thiết yếu được lưu thông liên tục. Việc này không chỉ đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh trong thời gian chống dịch mà còn giải quyết đầu ra cho người sản xuất tại các địa phương.

Không chỉ các địa phương của khu vực phía Nam đang nỗ lực để điều phối nông sản, thực phẩm cho bà con vùng dịch ở phía Nam, mà các bộ, ngành liên quan cũng đang áp dụng nhiều biện pháp để có thể vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi UBND gửi các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, Kiên Giang; các Cục Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam liên quan việc sử dụng tàu cao tốc đường thủy để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, quyết định tổ chức việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản để bảo đảm phù hợp thẩm quyền và tình hình thực tế tại địa phương.

Tàu cao tốc chở khách triệu đô được tháo ghế để chuyên chở thực phẩm từ miền Tây về TP Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì tổng hợp nhu cầu sử dụng phương tiện thủy nội địa cao tốc thuộc địa bàn quản lý và phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam để triển khai các nhiệm vụ cần thiết theo thẩm quyền. Các tỉnh, thành phố và các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sử dụng tàu thuyền, phương tiện thủy nội địa cao tốc vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản cho TP Hồ Chí Minh và các địa bàn khác khi có nhu cầu, bảo đảm an toàn giao thông và phòng chống dịch bệnh COVID-19. Và ngày 19/7, tàu cao tốc GreenlinesDP đã chở hai chuyến hàng với gần 40 tấn thực phẩm là rau củ, quả từ Tiền Giang cập bến Bạch Đằng (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Sau đó, toàn bộ số rau củ, quả này đã được vận chuyển lên xe tải rồi phân phối về hệ thống các cửa hàng để phục vụ cho người dân thành phố.

Người dân đi chợ Bình Thới, Quận 11 đi từ sớm, đảm bảo giãn cách xã hội. 

Ngoài ra, trước yêu cầu cấp bách về phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh phía Nam, “Tổ công tác đặc biệt” của Bộ Công Thương đã được thành lập trên cơ sở của Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có mặt tại TP Hồ Chí Minh, trực tiếp phụ trách và chỉ đạo “Tổ công tác đặc biệt” này.

Ngay khi thành lập, “Tổ công tác đặc biệt” của Bộ Công Thương đã họp với Tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng trao đổi cơ chế phối hợp cũng như các yêu cầu cấp bách để thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo đó, Tổ công tác đặc biệt có trách nhiệm bám sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam. Tổ này cũng có nhiệm vụ kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu trong và ngoài các địa phương phía Nam, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng dịch; thực hiện điều tiết, cung ứng hàng hóa thiết yếu thông suốt tại các tỉnh, thành phố có dịch, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đi kiểm tra nguồn cung hàng hóa tại các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh. 

Tổ công tác đặc biệt cũng phối hợp với lực lượng chức năng tại các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh; tham mưu, đề xuất hướng xử lý để báo cáo Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam.

Trước đó, Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương đã phối hợp cùng UBND TP Hồ Chí Minh đi khảo sát, kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa cũng như chống dịch tại các chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gồm: Chợ Bình Thới trên đường Lạc Long Quân, phường 10, quận 11; chợ Hạnh Thông Tây trên đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp và chợ Ba Bầu, trên đường  Tô Ký, khu phố 3, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12.

Nhằm “chia lửa” cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang quá tải hiện nay, thành phố cũng sẽ dần dần cho khôi phục hoạt động các chợ truyền thống ở trên cơ sở đảm bảo phòng chống dịch. Mỗi chợ sẽ không mở cửa lại toàn bộ mà chỉ lựa chọn một số tiểu thương có đủ năng lực tổ chức hoạt động với mô hình điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả, thịt cá, để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn. Hiện đã có các chợ An Đông (Quận 5), chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 10), chợ Bình Thới (Quận 11) hoạt động trở lại.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương sẽ “bắt tay” thật chặt, để phối hợp nhằm đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Tại cuộc họp trực tuyến sáng 18/7 giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với các Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định, trong mọi tình huống hai ngành chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực, thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, phối hợp và tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương, tập trung thực hiện các nhiệm vụ. "Quan trọng là địa phương phải kê được cái gì mình có, cái gì mình thiếu, cần mua, cần bán, trên cơ sở đó Tổ công tác tiền phương và Ban chỉ đạo hai Bộ mới có thể điều tiết được", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các ngành giao thông, y tế, công an, quân đội làm tốt việc lưu thông phân phối, điều tiết hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt một cách kịp thời, cái gì cần bán phải kết nối nơi cần mua để giải quyết bài toán thừa - thiếu. Với vùng nuôi trồng bị đứt gãy chuỗi cung ứng phải báo cáo ngay với hai Bộ, trong trường hợp cần thiết kiến nghị huy động lực lượng quân đội tại chỗ, sẵn sàng.

Như vậy, đến thời điểm này, các bộ ngành, địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt nhằm đảm bảo tốt nhất cho việc phân phối hàng hoá, nông sản, thực phẩm thiết yếu cho bà con vùng dịch phía Nam; không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian giãn cách xã hội cũng như khi tình hình dịch COVID-19 vẫn còn đang tiếp diễn.

Giải pháp lưu thông nông sản cho các tỉnh phía Nam:

Bài: Xuân Anh - Uyên Hương - Quang Toàn
Ảnh, đồ họa: TTXVN - Mạnh Linh - Hoàng Tuyết
Video: Vnews - Hoàng Tuyết
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Hà Nguyễn

24/07/2021 05:30