Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, khâu kết nối doanh nghiệp, xúc tiến tiêu thụ vụ vải thiều 2021 thực tế đã vướng phải một số vấn đề như không có hàng mẫu để chào hàng tới nhà nhập khẩu, khách hàng không trực tiếp sang được Việt Nam để kiểm tra vùng trồng và chất lượng quả vải… Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực quảng bá, những lô quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam đã được đón nhận một cách hào hứng tại các thị trường khó tính ở châu Âu là Pháp, Bỉ, Đức, Hà Lan, CH Séc...

Những lô vải thiều Thanh Hà - Việt Nam gắn tem truy xuất nguồn gốc, lần đầu tiên nhập khẩu vào Pháp, đã chính thức có mặt trên những kệ hàng ở hệ thống siêu thị châu Á tại Paris từ trung tuần tháng 6. Chỉ trong vài ngày, những quả vải đỏ au, thơm ngọt đã được tiêu thụ nhanh chóng mặc dù giá thành không phải là rẻ.         

Sau gần 5 năm vắng bóng, năm 2021, với sự trợ giúp của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, quả vải thiều đã trở lại thị trường này. Ban đầu là Thanh Binh Jeune, tiếp đến là Tang Frères, Grand Frais và một số siêu thị khác cũng đã đồng loạt vào cuộc. Chỉ trong vài ngày, gần 4 tấn vải thiều Thanh Hà đã được người tiêu dùng Pháp đón nhận. Không chỉ ở Pháp, những quả vải tươi chín mọng của Việt Nam cũng được chào đón ở Bỉ, Đức, Hà Lan, CH Séc và nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu (EU).

Đoàn xe vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất đi tiêu thụ tại thị trường EU.

Dù không phải là điểm đến trực tiếp của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines, nhưng mùa hè này, một số loại trái cây đặc sản của Việt Nam đã có mặt tại Bỉ. Lần đầu tiên, quả vải thiều Việt Nam được bày bán trên các kệ hàng của hệ thống siêu thị Carrefour và Spar tại xứ sở của các loại chocolate nổi tiếng.

Thị trường Bỉ tuy nhỏ bé nhưng cũng đã đón nhận 2 tấn vải. Ông Bernhard Weiss, quản lý siêu thị Carrefour ở thủ đô Brussels,  đã không giấu được sự ngạc nhiên và thích thú khi được nếm quả vải Việt Nam. Ông trầm trồ: "Tôi không thể tưởng tượng được lại có loại quả vải ngon đến như vậy. Quả căng, tròn, đều, hạt nhỏ, ngọt, không giống như các giống quả vải của Madagascar, Nam Phi hay Australia mà chúng tôi vẫn thường bán vào mùa đông. Đây là một khám phá thú vị để người dân ở Bỉ biết được thứ trái cây độc đáo này của Việt Nam". Ông cho rằng "cần đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá loại quả không độc hại và hoàn toàn tốt cho sức khỏe như quả vải”.

Nhập thử hơn 150 kg vải, chuỗi siêu thị Carrefour do ông Weiss quản lý đã bán hết chỉ trong vài ngày với những phản hồi tích cực từ khách hàng. Từ chỗ còn e ngại với trái vải thiều Việt Nam vì giá bán khá cao so với các loại trái cây khác (25 euro/kg), khách hàng của ông Weiss giờ đây đã đánh giá cao thứ quả độc đáo đến từ đất nước nhiệt đới xa xôi ở Đông Nam Á và hy vọng tiếp tục được "khám phá" thêm nhiều loại trái cây đặc sản khác của Việt Nam.

Ông Bernhard Weiss, quản lý siêu thị Carrefour Tongres, Brussels và lô vải thiều Việt Nam.

Là chủ siêu thị Spar Zonhoven ở miền Đông Nam của Bỉ, thuộc vùng nói tiếng Hà Lan, mùa hè này, chị Nguyễn Thị Minh Thu cũng nhập vài chục cân vải thiều để bày bán. Khu vực này hầu như không có người châu Á sinh sống nên quả vải còn quá xa lạ với khách hàng ở đây.

Để quảng bá cho vải thiều, chị Minh Thu đã bày một khay vải mời khách hàng nếm thử, giúp họ thấy loại trái cây mùa Hè này không giống với những quả vải đóng hộp hay sấy khô mà siêu thị của chị vẫn bán. Chị còn giới thiệu cho khách câu chuyện về nguồn gốc của quả vải Việt Nam, quả được trồng, chăm sóc ra sao và là đây là thứ quả "tiến vua" thời phong kiến để khách hàng hiểu và từ đó sẽ yêu mến thứ trái cây đặc sản này.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Minh Thu chia sẻ: "Quả vải thiều của Việt Nam rất ngon, vượt xa các giống vải nhập khẩu nhưng là mặt hàng mới, khách chưa biết nên tôi muốn chung tay với doanh nghiệp nhập khẩu để lan tỏa nông sản Việt Nam tới người dân nơi đây".

Vải thiều Việt Nam lần đầu đến Bỉ:

Khi những lô vải thiều đầu tiên từ Việt Nam "cập bến" châu Âu, Công ty xuất nhập khẩu nông sản Vinamex Belgium đã nhập luôn 500 kg để bán thử. Không ngờ, chỉ trong 48 giờ, toàn bộ lô hàng nửa tấn vải đã được tiêu thụ hết. Trên đà đó, công ty tiếp tục đặt hàng thêm một tấn vải thiều Thanh Hà và Lục Ngạn. Tất cả cũng đều được cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm châu Á và được khách hàng đánh giá cao. Công ty tiếp tục đặt hàng cho lô vải cuối sẽ sang vào đầu tháng 7, kết thúc mùa vải thiều 2021. Công ty Vinamex Belgium cũng đã ký hợp đồng với đối tác Việt Nam để nhập khẩu nhãn lồng Hưng Yên, khi mùa nhãn vào vụ.

Đây cũng là lần đầu tiên quả vải thiều Việt Nam đươc nhập thử sang Hà Lan, song chỉ trong khoảng 2 tuần, thị trường nước này đã đón khoảng 3 tấn vải thiều. Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan đánh giá đây là kết quả đáng mừng bởi Hà Lan được coi là cửa ngõ lớn nhất để hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU.

Nông dân Bắc Giang thu hoạch vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU. 

Ngoài thị trường các nước EU, vải thiều Việt Nam cũng đã hiện diện tại Anh, Khoảng 2 tấn vải thiều do công ty TT Meridian lần đầu nhập khẩu chính ngạch theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) đã được phân phối đến các siêu thị và khách hàng Anh.  

Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại tại Bỉ, EU kiêm nhiệm Luxembourg, chỉ tính riêng mùa vải năm nay, các doanh nghiệp ở nhiều nước châu Âu đã tiếp nhận và tiêu thụ gần 50 tấn vải thiều. Đây là con số kỷ lục từ trước tới nay.

Những kết quả trên thực sự rất đáng khích lệ bởi EU là một thị trường có yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao nhất thế giới. Những yêu cầu về kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), dán nhãn, môi trường… của EU rất khắt khe. Đối với nhóm sản phẩm rau củ quả, sản phẩm xuất khẩu sang EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an thực phẩm cao, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận đang áp dụng rộng rãi tại EU như Global Gap... EU có xu hướng yêu cầu đạt nhiều loại tiêu chuẩn như hữu cơ, fair-trade, 4C, Rainforest Allinace, BRC... Ngoài ra, EU liên tục mở rộng danh mục cấm sử dụng nhiều loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí có những loại thuốc bảo vệ thực vật chỉ sử dụng cho cây trồng nhiệt đới và không sử dụng đối với cây trồng ôn đới tại EU, nhưng vẫn bị cấm sử dụng.      

Đại diện cơ quan chức năng và đơn vị xuất khẩu với lô hàng xuất khẩu vải thiều đầu tiên sang thị trường châu Âu tại sân bay Nội Bài.

Sự kiện những quả vải thiều Việt Nam được xuất khẩu đến EU thông qua các kênh nhập khẩu tại Bỉ, Hà Lan, CH Séc, Pháp... được đưa vào các siêu thị của châu Âu như Carrefour, Spar, Plus, Jumbo, Tang Frères, Grand Frais... và được người tiêu dùng hoan nghênh, chào đón, đã cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nhằm giúp các loại trái cây Việt Nam nói riêng, nông sản Việt Nam nói riêng chinh phục thị trường "khó tính" này.

Vải thiều Việt Nam đến thị trường Anh:

 

Trong hành trình các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đưa quả vải đến với “xứ người”, có vai trò dẫn dắt, định hướng, làm cầu nối của các “ông tơ bà nguyệt” là các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam và cơ quan thương vụ tại châu Âu. Đặc biệt, việc quả vải chinh phục thành công thị trường châu Âu lần này phải kể đến vai trò quan trọng của Bộ Công Thương và sự năng động của hệ thống thương vụ Việt Nam tại địa bàn. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới sự chuyên nghiệp, năng động của các doanh nghiệp

Chăm sóc vải chín sớm xuất khẩu tại 1 hộ gia đình ở xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang).

Không phải bây giờ người dân Pháp mới biết đến quả vải Việt Nam. Từ những năm 2012-2013, một vài nhà phân phối hàng châu Á đã về nước tìm mua vải thiều Hải Dương đưa sang Pháp để bán. Sau 3-4 năm kinh doanh không hiệu quả do chất lượng sản phẩm đi xuống, vận tải khó khăn, tỷ lệ quả hỏng nhiều, họ đã không còn hào hứng với mặt hàng hoa quả này nữa.

Ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cho rằng việc quả vải Việt Nam quay trở thị trường Pháp với số lượng nhập khẩu lớn nhất từ trước tới nay là nhờ vào nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó có 3 điểm nhấn quan trọng. Đó là việc áp dụng các công nghệ và tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như GlobalGAP, VietGap, chất lượng vùng trồng và chất lượng trái vải ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, từ trong và ngoài nước, ngày càng phối hợp nhịp nhàng để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược phát triển thị trường nước ngoài. Điều này được thể hiện rõ ở sự phối hợp xuyên suốt và nhịp nhàng nhất từ trước tới nay giữa các địa phương và Bộ Công Thương nhằm triển khai thực hiện các chính sách, định hướng của chính phủ trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thành công của mùa vải năm nay cũng là nhờ có sự chủ động và tích cực của Bộ Công Thương và các tỉnh như Hải Dương, Bắc Giang trong việc phối hợp để tìm đầu ra cho nông sản.

Từ đầu năm 2020, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết và đối diện với tình hình mới do dịch bệnh COVID-19, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã có những chỉ đạo sát sao và định hướng hoạt động cụ thể tới các cơ quan thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu nhằm tăng cường hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sẵn sàng đương đầu với những thách thức để tìm hướng đi mới, nâng tầm cho nông sản Việt Nam.

Như chia sẻ của ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại tại Bỉ, EU, kiêm nhiệm Luxembourg: “Năm nay là năm đầu tiên chúng tôi chứng kiến sự quyết liệt, chuyên nghiệp và bài bản của Bộ Công Thương trong việc xúc tiến xuất khẩu nông sản, trong đó có quả vải, khi mà cả hệ thống thương vụ được chỉ đạo tập trung tìm đầu ra, xúc tiến quả vải và một số nông sản khác trong đợt cuối tháng 5 và trong tháng 7. Chính những hành động này đã giúp bà con nông dân tìm được đầu ra bền vững cho nông sản của mình, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, tình trạng phong tỏa, cách ly diễn ra khắp nơi trên thế giới khiến thương mại toàn cầu bị đình trệ”.

Thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn từ khâu chăm sóc đến sơ chế, vận chuyển để có thể xuất khẩu vải ra thị trường quốc tế.

Với mục tiêu tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với các kênh phân phối nước ngoài, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020”. Trên cơ sở đề án này, các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã tăng cường tổ chức một loạt các hoạt động quảng bá, giới thiệu trực tiếp nông sản Việt Nam trong các hệ thống siêu thị, phân phối và trong các chợ đầu mối, bán sỉ cũng như kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Như tại thị trường Pháp, để đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ loại hoa quả đặc sản của vùng nhiệt đới này, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức gian hàng quảng bá vải thiều tại Lễ hội ẩm thực Việt Nam 2021 diễn ra vào trung tuần tháng 6 ở quảng trường Monge, trung tâm thủ đô Paris. Tại sự kiện này, nhiều người tiêu dùng Pháp lần đầu tiên được khám phá hương vị thơm ngon của trái vải thiều Thanh Hà, Hải Dương.

Ông Vũ Anh Sơn nhấn mạnh việc triển khai đề án nêu trên của Bộ Công Thương đã tạo tiền đề để các nhà nhập khẩu bán sỉ gia tăng đáng kể các đơn hàng nhập khẩu hàng Việt Nam và người tiêu dùng Pháp được biết đến nhiều hơn về nông sản Việt. Cho tới nay, với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng được chuỗi cung ứng nông sản đạt chất lượng xuất khẩu vào các kênh phân phối tại thị trường Pháp và châu Âu.

Giới thiệu đặc sản vải thiều Việt Nam tại EU.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyên nghiệp, năng động và quyết tâm hơn trong việc tiếp cận những thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa đầu ra của sản phẩm, tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống. Nếu như trước đây, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không tham gia vào quá trình sản xuất mà chỉ thu mua sản phẩm từ các hộ nông dân nhỏ lẻ, thì hiện nay đã hình thành nhiều doanh nghiệp lớn, đầu tư có bài bản các vùng trồng riêng, hoặc đồng hành cùng các hộ canh tác từ khâu sản xuất, kiểm tra chất lượng cho đến tiêu thụ sản phẩm.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn của Vương quốc Anh, một thị trường khó tính, có các yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, công ty TT Meridian, có trụ sở tại London và chuyên về xuất nhập khẩu giữa Anh, EU và Việt Nam, đã phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ FUSA ở Việt Nam để lựa chọn các trái vải thiều được trồng tại các nhà vườn đáp ứng tiêu chuẩn Global GAP ở Lục Ngạn, Bắc Giang.

Ngoài ra, để đảm bảo độ tươi ngon của trái vải khi đến tay người tiêu dùng, lô hàng đã được vận chuyển bằng đường hàng không, theo chế độ có kiểm soát nhiệt độ trong suốt hành trình Nội Bài, qua Singapore và đến sân bay Heathrow của Anh. Các công ty tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu cũng phải chuẩn bị trước hồ sơ một cách đầy đủ nhằm rút ngắn thời gian thông quan và nhanh chóng  đưa sản phẩm đến các chuỗi siêu thị Việt Nam lớn và lâu đời ở Anh như Bảo Long, Hà Nội, Huy Minh, Longdan.

Vận chuyển vải thiều lên máy bay của Vietjet.

Nói về việc nhập khẩu thành công trái vải thiều vào Vương quốc Anh, ông Thái Trần, Giám đốc điều hành công ty TT Meridian, cho biết: “Vương quốc Anh có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông sản, đặc biệt là hàng từ các nước đang phát triển. Do đó, các công ty tham gia vào lô hàng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước lô hàng này, cả FUSA và TT Meridian đều đã có kinh nghiệm xuất nhập khẩu hàng nông sản vào thị trường các nước EU như CH Séc, Pháp, Hà Lan… Đây là cơ sở để chúng tôi mạnh dạn thực hiện lô hàng này".

Có thể thấy rằng sự vào cuộc tích cực, chủ động cùng sự phối hợp đồng bộ của các bên đã đem lại thành công cho "thương vụ" vải tại châu Âu lần này. Và như lời bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan, các cơ quan thương vụ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy sự có mặt ngày càng nhiều những loại trái cây chất lượng cao nói riêng như vải, nhãn, thanh long…, cũng như nông sản Việt nói chung, vào thị trường châu Âu, để tận dụng tối đa lợi ích của EVFTA, đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Từ hành trình xuất khẩu quả vải tươi sang các nước EU, có thể nói nông sản của Việt Nam đang có cơ hội lớn vào thị trường châu Âu nhờ "bệ phóng" EVFTA. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại châu Âu, ông Trần Văn Công, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại EU, cho biết xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu khởi sắc sau khi EVFTA có hiệu lực. Với sự hỗ trợ của các đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở châu Âu và tận dụng lợi thế từ EVFTA về miễn thuế một số nhóm hàng, các doanh nghiệp đã tăng cường xuất khẩu trái cây, mà quả vải thiều tươi là một điển hình. Tiếp nối thành công này, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch xuất khẩu nhãn sang Anh, Hà Lan, Séc, Đức, Bỉ. Đây là những tín hiệu vui cho nông sản Việt Nam. Ngoài ra, những sản phẩm khác như thanh long, chanh leo, dừa, chanh không hạt cũng sẽ được xuất khẩu sang Tây Âu trong thời gian tới.

Nhân viên của Công ty Thanh Bình Jeune giới thiệu, bán vải thiều Việt Nam ở Lễ hội ẩm thực 2021 tại Pháp.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cảm nhận được tác động của EVFTA. Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu nông sản Vinamex Belgium Nguyễn Thị Minh Liên khẳng định EVFTA tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tại EU nhập khẩu được nhiều nông sản Việt Nam, mà doanh nghiệp của chị là một ví dụ. Với những yêu cầu cao khi thực hiện EVFTA, quả vải thiều Việt Nam được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, được kiểm định chất lượng và đóng dấu chứng nhận GlobalGAP, giúp cho việc thông quan dễ dàng và tạo niềm tin cho người tiêu dùng châu Âu.

Thành công của thương vụ vải tại châu Âu đang mở ra triển vọng rất lớn trong xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường 450 triệu dân này. Hiện tại, chủ yếu nông sản của Việt Nam được phân phối trong các cửa hàng châu Á, một số sản phẩm ưu việt như quả vải đã bước đầu tiếp cận thành công hệ thống siêu thị của EU.

Chanh leo, thanh long, chanh không hạt… cũng sẽ được xuất khẩu sang châu Âu trong thời gian tới.

Không chỉ có trái cây, gạo Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng ở thị trường EU. Theo ông Trần Văn Công, mỗi năm châu Âu phải nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo nhưng Việt Nam mới chỉ xuất được 60.000 - 70.000 tấn. EU cũng cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn/năm, hưởng thuế xuất 0%. Đây là một cơ hội cho gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường này.

Tham tán Trần Văn Công nêu rõ: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc kỹ hơn với các doanh nghiệp để tận dụng tối đa cơ hội đưa gạo Việt Nam vào thị trường EU. Gạo Việt Nam được thế giới đánh giá cao nên việc thâm nhập vào thị trường này có lợi thế vì một số dòng sản phẩm gạo thơm được khách hàng châu Âu ưa chuộng. Thời gian qua, gạo mới chỉ được bán ở các cửa hàng tiện lợi châu Á. Chúng tôi muốn rằng tới đây, gạo Việt Nam sẽ được bán rộng rãi hơn, tại các siêu thị lớn của châu Âu".

Bốc xếp gạo xuất khẩu của Vinafood 2 tại cảng Sài Gòn.

Những ngày cuối tháng 6, một containeur 24 tấn gạo ST25 của Việt Nam đã cập cảng Anvers của Bỉ do Vinamex Belgium nhập khẩu. Đây sẽ là lần đầu tiên, người dân sống ở châu Âu được thưởng thức loại gạo từng nhận danh hiệu "ngon nhất thế giới" được gieo trồng và chế biến tại Việt Nam.

Tham tán Thương mại tại Bỉ, EU, kiêm nhiệm Luxembourg, ông Trần Ngọc Quân cho rằng để nông sản Việt Nam tiếp cận bền vững thị trường tiềm năng này, các cơ quan thương vụ Việt Nam tại châu Âu sẽ có nhiều việc để làm.

Thứ nhất là tiếp cận các nhà nhập khẩu nông sản của thị trường mình, trong đó chú trọng việc vận động các nhà nhập khẩu là doanh nghiệp của người Việt tại nước sở tại hoặc nhân viên người Việt làm nhiệm vụ mua hàng của chuỗi cung ứng là tốt nhất vì đã có sự đồng cảm, hiểu biết trước về nông sản trong nước. Trên thực tế, việc đưa trái vải vào EU lần này đều thông qua các doanh nghiệp người Việt ở nước sở tại. Đây cũng là kinh nghiệm của Thái Lan khi đưa nông sản nước này vào châu Âu.

Thứ hai, Thương vụ Việt Nam ở các nước sẽ phải tăng cường việc tiếp cận và liên hệ các siêu thị tại địa bàn để tìm hiểu về quy trình đưa nông sản nước ngoài vào siêu thị, đưa hàng mẫu đến chào bán và giới thiệu sản phẩm nhằm tiếp cận người tiêu dùng.

Thứ ba, để đảm bảo sự thơm ngon và tính thời vụ của nông sản tươi, cần nhập khẩu nông sản với lượng lớn và liên tục.Với lợi thế thị trường EU liên thông, các cơ quan thương vụ Việt Nam tại khu vực sẽ phối hợp với nhau theo mô hình liên kết vùng để tạo điều kiện giúp các nhà nhập khẩu nông sản có liên quan cùng nhập và cùng phân phối. Trong vụ vải vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ đã kết nối doanh nghiệp tại Bỉ với doanh nghiệp tại Hà Lan, Đức để cùng chia các lô hàng vải thiều, đảm bảo hàng vẫn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng.

Thứ tư, Thương vụ Việt Nam tại EU cần hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp và bà con nông dân trong nước, giúp bà con tiếp cận thông tin về nhu cầu và yêu cầu của thị trường. Nông sản chỉ có thể xuất khẩu vào EU nếu đó là sản phẩm ưu việt, được sản xuất, xuất khẩu theo tiêu chuẩn cao. Do vậy, bà con nông dân và doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường EU cần phải sản xuất bài bản, có vùng nguyên liệu chuyên biệt, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ như GlobalGAP.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh cho các vị khách, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Và yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là tăng cường quảng bá nông sản Việt tại thị trường EU. Không chỉ quảng bá đến các siêu thị mà còn phải quảng bá được đến người tiêu dùng châu Âu. Một trong những chương trình mà hệ thống thương vụ Việt Nam tại khu vực này đã và đang đẩy mạnh là triển khai Tuần lễ hàng Việt Nam, Tuần lễ ẩm thực Việt Nam và tiến tới Lễ hội ẩm thực - nông sản Việt... Việc quảng bá cần thực hiện thường xuyên, liên tục thì mới có thể thay đổi phần nào thói quen tiêu dùng cố hữu của người dân châu Âu.

Ông Trần Ngọc Quân cho rằng trong mọi nỗ lực chung, rất cần sự gắn bó chặt chẽ và tăng cường phối hợp giữa bốn nhà: nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp -  nhà quản lý, cần có sự phối kết hợp từ trung ương đến địa phương để có nhiều sản phẩm định vị quốc gia, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Vải thiều lần đầu sang châu Âu:

Bài: Thu Hà - Hương Giang - Phương Hồ
Ảnh: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

30/06/2021 10:15