Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, những hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản không chỉ tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm mà còn quảng bá cho thương hiệu nông sản Việt Nam. Trong đó, hầu hết nhà bán lẻ, tổ chức, cá nhân và người dân đã vào cuộc hỗ trợ, ưu tiên tiêu thụ nông sản nội địa, với tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Mặt hàng khoai lang tím Nhật Bản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa vụ thu hoạch với số lượng hơn 50.000 tấn. Nguồn nông sản này vốn chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng do dịch COVID-19 nên hoạt động này gặp khó khăn. Để hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, tổ chức, cá nhân và người dân TP Hồ Chí Minh đã phát động chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ với nhiều phương thức. Nhiều đơn vị như Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp, Câu lạc bộ Doanh nhân Đồng Tháp tại TP Hồ Chí Minh... cũng đang kết nối, tiêu thụ khoai cho nông dân.
Điển hình, Ngân hàng thực phẩm Food Bank Việt Nam phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long và một số đơn vị khác, đã thực hiện chiến dịch "Khoai lang nghĩa tình", theo đó, từ ngày 30/5 đến nay đã kết nối nhiều đơn vị tiêu thụ hàng trăm tấn khoai lang tím Nhật cho người dân ở xã Tân Thành và Thành Trung thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ngoài ra, Food Bank Việt Nam cũng trở thành đầu mối cho đơn hàng bán lẻ để đưa khoai lang tím Nhật trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Tương tự, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng một số tổ chức, cá nhân triển khai chương trình bán khoai lang tím Nhật cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Đồng Tháp... Hiện tại, giá khoai lang tím Nhật được hỗ trợ bán với giá 6.500 đồng/kg và đội ngũ tình nguyện viên giao hàng tận nơi cho người tiêu dùng trên địa bàn.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Minh Châu, nhân viên văn phòng Quận 11 (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, hằng năm cứ vào thời điểm này, mặt hàng nông sản, đặc sản, nhất là trái cây nhiều vùng, miền nhập về thị trường thành phố nên gia đình luôn ưu tiên tiêu dùng. Trước thực trạng người nông dân gặp khó khăn về thị trường, gia đình đã tăng sức mua gấp đôi những mặt hàng nông sản nội địa so với bình thường và hạn chế tiêu dùng sản phẩm nhập khẩu để chung tay hỗ trợ hàng hóa cho người nông dân.
Không chỉ riêng mặt hàng khoai lang tím Nhật, mà những mặt hàng khác như trái vải, bơ, sầu riêng, bắp cải thảo... cũng đang vào mùa thu hoạch và gặp khó khăn về đầu ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Theo đó, cả mạng lưới chợ truyền thống và kênh phân phối hiện đại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều liên tục thực hiện chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, đặc sản nội địa.
Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền và hệ thống bán lẻ (gồm các siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods) - thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Satra đã sớm có phương án phối hợp thu mua, vận chuyển và phân phối trái vải tươi. Qua đó, Satra chủ động hỗ trợ đầu ra cho nông dân của tỉnh Bắc Giang, bên cạnh phục vụ kịp thời nhu cầu thưởng thức trái cây đặc sản cho người tiêu dùng.
Theo ông Tsàn A Sìn, Phó Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền (đơn vị quản lý Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền), hiện tại có gần 10 thương nhân tại chợ tham gia kinh doanh vải và từ đầu vụ đến giờ đã tiêu thụ được khoảng 200 tấn vải thiều Bắc Giang. Thời gian tới, Bình Điền vẫn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ nhà vườn phía Bắc tiêu thụ trái vải tươi trong suốt mùa vụ.
Bắc Giang tiêu thụ thành công 50.000 tấn vải chín sớm:
Bà Phạm Thi Vân, Trưởng Ban Quản lý Hệ thống bán lẻ SATRA cho hay, hệ thống bán lẻ đã nhanh chóng triển khai việc đưa trái vải vào hệ thống để phục vụ nhu cầu thưởng thức loại trái cây đặc sản này của người tiêu dùng. Báo cáo nhanh của hệ thống bán lẻ Satra, gồm 3 siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods tại TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã tiêu thụ được hàng tấn vải thiều Bắc Giang, với giá bán là 37.500 đồng/kg (đã bao gồm VAT).
Khảo sát thực tế tại các điểm bán của hầu hết nhà bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh như Saigon Co.op, Satra, LOTTE Mart, Central Retail... cho thấy, mặt hàng nông sản nội địa được nhà bán lẻ ưu tiên vị trí quầy, kệ trung tâm của khu vực kinh doanh ngành hàng thực phẩm tươi sống. Số lượng hàng hóa thường được bổ sung trên quầy, kệ để thu hút người tiêu dùng mua sắm.
Nhằm kích cầu tiêu dùng nông sản, đặc sản nội địa, trong tháng 6/2021, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã triển khai hai đợt giảm giá lớn, mỗi đợt kéo dài trung bình hai tuần. Cụ thể, đợt 1 sẽ từ ngày 3 - 16/6/2021, tập trung giảm giá mạnh ở ngành hàng thực phẩm tươi sống, nông sản....
Đặc biệt, mặt hàng trái vải tươi của các tỉnh, thành phía Bắc đang bán tại Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food... thuộc khu vực phía Nam với giá bán khoảng 27.900 đồng/kg. Riêng nông sản, đặc sản các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Vĩnh Long, Đồng Tháp như khoai lang tím Nhật có giá bán đến tay người tiêu dùng chỉ 5.900 đồng/kg. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác luôn được đảm bảo nguồn cung cấp ổn định và lượng dự trữ có thể đáp ứng nhu cầu thị trường TP Hồ Chí Minh từ 3 - 6 tháng.
Các chuyên gia cho rằng, trong khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp thì những hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở cách kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trên kênh thương mại điện tử, bán hàng online sẽ góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Và để làm được điều này, việc chủ động kết nối, thiết lập hệ thống tiêu thụ nông sản các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 càng trở nên cần thiết.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ 53.000 tấn hàng hóa nông sản từ các tỉnh, thành phố với giá trị đạt 680 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, cơ quan này đã phối hợp với các địa phương cung cấp thông tin danh sách chi tiết doanh nghiệp, hợp tác xã của các địa phương đến các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, doanh nghiệp chế biến, cửa hàng trái cây, tiểu thương kinh doanh tại chợ của Thủ đô để chủ động kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông sản địa phương bị ảnh hưởng dịch COVID-19 về thị trường Hà Nội tiêu thụ.
Ngoài ra, Hà Nội cũng ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, bán không lợi nhuận, bố trí các khu vực thuận tiện mua sắm…, tạo điều kiện tối đa cho nông sản các địa phương tiêu thụ tại kênh phân phối của đơn vị trên địa bàn Hà Nội.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội giới thiệu, cung cấp thông tin về các điểm bán cố định để doanh nghiệp các địa phương khảo sát, đề xuất tổ chức điểm bán nông sản, trái cây tại Hà Nội trong mùa vụ. Sở còn phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đẩy mạnh đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử.
Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Big C khu vực miền Bắc cho biết, đồng hành cùng nông dân Bắc Giang là chương trình đã được Tập đoàn Central Retail triển khai thực hiện trên toàn bộ hệ thống 18 siêu thị Big C và GO! miền Bắc, bắt đầu từ ngày 25/5 và sẽ kéo dài liên tục cho đến khi hàng hóa nông sản của nông dân tỉnh Bắc Giang dần đi vào ổn định. GO! và Big C dự kiến sẽ tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản của tỉnh Bắc Giang trong khuôn khổ chương trình này.
Đối với sản phẩm xoài, nhãn Sơn La, phía Big C và GO! đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên trang điện tử và các kênh trực tuyến như Zalo hay App bán hàng. Doanh nghiệp sẽ yêu cầu đội ngũ thu mua làm việc với nhà cung cấp về quy cách đóng gói để thuận lợi hơn trong việc bán hàng trực tuyến và duy trì tăng trưởng doanh thu bán hàng trái cây của Sơn La tại siêu thị Big C, GO! trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.op Mart cũng cho hay, từ ngày 29/5, hơn 50 tấn trái vải tươi của Bắc Giang và Hải Dương đã bắt đầu được đưa lên kệ hàng của hệ thống siêu thị Co.op Mart khu vực phía Bắc để tiêu thụ. Trong vụ vải năm 2021, hệ thống siêu thị Co.op Mart đặt mục tiêu sẽ tiêu thụ 400 tấn vải và sẽ vượt 500 tấn nếu dịch bệnh được kiểm soát khả quan.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ nông sản cho các tỉnh, thành phố, bà Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị các địa phương có nhiều mặt hàng nông sản cần chỉ đạo các đơn vị đầu mối, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất cung cấp hàng hóa phải đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khi đưa hàng về tiêu thụ tại thành phố Hà Nội phải chấp hành đúng các quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Trung ương, của địa phương và thành phố Hà Nội.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn nên rất cần có một mô hình kết nối cung - cầu chính quy hơn để làm sao cho nông sản Việt ngày càng tốt lên. Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngày 2/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên để xây dựng, thiết lập mô hình tiêu thụ nông sản mùa dịch đảm bảo an toàn.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thông qua sự phối hợp 4 đơn vị sẽ tạo ra hình mẫu về kết nối cung cầu nông sản. Bốn đơn vị sẽ đồng hành để góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lan tỏa mô hình mới, xây dựng hệ sinh thái cùng đồng hành xây dựng nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng cho biết, Trung ương Đoàn gấp rút thiết lập các điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch COVID-19 theo mẫu thiết kế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng cho biết, Hội Nông dân có hơn 700 cửa hàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Hội sẽ đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai các điểm tiêu thụ an toàn phòng dịch COVID-19.
Theo ông Lê Văn Thành - Chánh Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tinh thần “Nâng niu giá trị nông sản Việt - kết nối nông sản - san sẻ yêu thương - vượt qua đại dịch”, phương thức vận hành của mô hình được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất là nông sản tại vùng dịch sẽ được thu hoạch, sơ chế, đóng gói với sự chịu trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nông dân trước khi đưa ra tiêu thụ. Việc vận chuyển nông sản từ vùng dịch ra nơi tiêu thụ sẽ là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các Sở, chính quyền địa phương đảm bảo hàng hóa không bị tắc nghẽn với sự tham gia của VNPT Post và Viettel Post…
Hội Nông dân thông báo kịp thời với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương hoặc thông tin trực tiếp đến Bộ về diện tích nông sản sắp thu hoạch mà chưa có đầu ra. Tại các địa phương thiếu hụt lao động do giãn cách đề nghị Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên tham gia hỗ trợ bà con nông dân thu hoạch nông sản.
Các bên phối hợp xây dựng các điểm tiêu thụ nông sản đảm bảo chất lượng và các yếu tổ đảm bảo an toàn dịch bệnh thông qua các hình thức: mở điểm bán trực tiếp, nhận đặt hàng qua hệ thống thương mại điện tử; giao nhận hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng. Tại các điểm bán hàng trực tiếp sẽ hiện diện cả logo của 4 đơn vị và với quy trình mua hàng đảm bảo an toàn dịch COVID-19.
Ông Lê Văn Thành cho biết, các điểm tiêu thụ nông sản mùa dịch đều được trang bị hệ thống sát khuẩn, bàn đo thân nhiệt; được bố trí khu vực xếp hàng đảm bảo khoảng cách an toàn; quầy thanh toán. Hiện nay, Bộ đang xây dựng khoảng 10 điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch COVID-19 tại Hà Nội và khoảng 10 điểm ở các tỉnh, thành khác.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Bộ sẽ làm việc với 9 doanh nghiệp bán lẻ để có thể thành lập Hiệp hội tiếp thị nông sản Việt Nam. Bộ sẽ cùng hệ thống của mình cung cấp thông tin, dữ liệu về cung; trong đó bao gồm sản lượng, chất lượng, thời điểm thu hoạch, truy xuất nguồn gốc… thường xuyên để cho các trung tâm bán lẻ, phân phối lớn xử lý dữ liệu đó và có kế hoạch kết nối chủ động hơn.
Để đảm bảo thông suốt sự kết nối cung cầu này, trong đầu vụ, trách nhiệm của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ước sản lượng sản phẩm. Bộ giao cho Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin cho Hiệp hội để cùng phân tích, xử lý để khi vào vụ sẽ đảm bảo sẽ tiêu thụ hết lượng cung.
Và trên hết, “Mô hình tiêu thụ nông sản của 4 đơn vị phối hợp không chỉ là câu chuyện trong mùa dịch mà hướng tới thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân, tạo nên hình ảnh, thương hiệu cho nông sản Việt. Khi đó nông nghiệp mới không còn rủi ro mùa vụ, đứt gãy cung cầu”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Đưa nông sản vùng dịch vào hệ thống phân phối:
Bài: Mỹ Phương - Nam Giang - Bích Hồng
Ảnh: TTXVN; Video: Vnews
Biên tập: Hoàng Linh
Trình bày: Quốc Bình
12/06/2021 06:00