Đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến đời sống xã hội nói chung. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 lan rộng khiến nhiều lao động, doanh nghiệp càng thêm chật vật. Trong bối cảnh đó, các cấp Công đoàn cùng các tổ chức, cá nhân tại TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời, góp phần giảm bớt những khó khăn của người lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong những ngày qua, TP Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước bước vào giai đoạn quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tại nhiều địa phương, các cấp Công đoàn cùng các tổ chức, cá nhân không chỉ góp công, góp sức, hết mình cho “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19, mà còn tổ chức nhiều việc làm thiết thực, kết nối tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng hướng về người dân, chăm lo cho người lao động.

Gia đình chị Đỗ Phạm Nguyệt Thanh làm tấm chắn giọt bắn gửi tặng các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Khởi đầu cho chuỗi hoạt động này, Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp đã trích kinh phí từ nguồn quỹ chăm lo công nhân, viên chức, người lao động để mua hàng trăm phần quà gồm gạo, mì, đường, dầu ăn, nước mắm… hỗ trợ khẩn cấp cho công nhân, người lao động tại khu cách ly, tổ công nhân tự quản khu vực bị phong tỏa, bị tạm ngừng việc.

Theo bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, các gia đình, trong đó nhiều công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở nơi tâm dịch không được rời khỏi khu vực cách ly. Do đó, việc hỗ trợ khẩn cấp trong thời điểm này không chỉ giúp giải quyết về nhu cầu đời sống của công nhân, người lao động, mà còn thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương, của tổ chức Công đoàn luôn đồng hành, sát cánh, chăm lo người lao động.

Chia sẻ với những khó khăn của người lao động nghèo, sự gian nan của cán bộ nơi tuyến đầu chống dịch, bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú đã vận động các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ tài chính, hiện vật. Bà cùng lãnh đạo Quận đã đến tận nơi thăm hỏi, tặng quà; quan tâm, chia sẻ với những gia đình, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang thực hiện cách ly tập trung.

Quà tặng của Liên đoàn Lao động quận Tân Phú cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong khu cách ly tại hẻm 25/49 và 25/18/6 Nguyễn Minh Châu.

Chỉ trong thời gian ngắn, công tác động viên, hỗ trợ khẩn cấp đã lan tỏa rộng khắp hệ thống Công đoàn. Liên đoàn Lao động các Quận 4, 5, 6, 8, Tân Bình, Bình Thạnh, Công đoàn ngành Y tế thành phố, Công ty cổ phần in tổng hợp Liksin, hệ thống siêu thị Co.op mart... lần lượt tổ chức nhiều đoàn đến trao quà, động viên người lao động, lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm chốt ở các cửa ngõ ra, vào thành phố, khu vực cách ly, bệnh viện, trung tâm y tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức...

Mới đây, khi hàng trăm công nhân tại Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp Vina thực hiện cách ly, Công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp đã kích hoạt tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch; chủ động trang bị mới các đồ dùng thiết yếu; lắp đặt thêm gần 100 nhà vệ sinh, vòi nước và nhiều quạt máy phục vụ công nhân trong thời gian cách ly. Ông Phan Thanh Phổ, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần thiết bị nhà bếp Vina cho biết, để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động, Công ty đã khử khuẩn, thuốc xịt muỗi; tổ chức 3 bữa ăn chính, 2 bữa phụ và sắp xếp giãn cách trong lao động sản xuất, thực hiện nghiêm Thông điệp 5K và hỗ trợ thêm 1 triệu đồng cho công nhân có con dưới 6 tuổi.

Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp chuẩn bị hàng hóa đồ dùng thiết yếu hỗ trợ khẩn cấp cho công nhân tại phường 15, quận Gò Vấp.

Hơn 17 năm gắn bó với Công ty, chị Hoàng Thị Ánh Tuyết cùng nhiều công nhân không khỏi bất ngờ và hoang mang, lo lắng khi nhận được thông báo cách ly. “Tuy nhiên, khi Tổ phản ứng nhanh phòng, chống COVID-19 của Công ty và Công đoàn hướng dẫn rõ các trường hợp tiếp xúc gần, nguy cơ lây nhiễm cho gia đình hay con nhỏ… mới thấy mình còn may mắn hơn nhiều người khác”, chị Tuyết chia sẻ. Giờ đây, mỗi ngày chị làm việc, ăn, ngủ ngay tại nhà máy cùng trên 770 đồng nghiệp. “Đây có lẽ là những ngày tháng khó có thể quên của chúng tôi", chị Tuyết tâm sự.    

Hỗ trợ người lao động bị cách ly do dịch:

Cùng với các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho lực lượng tuyến đầu, các trường hợp công nhân bị cách ly theo quy định, các cấp Công đoàn TP Hồ Chí Minh đã lập danh sách chuyển đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 về nơi đăng ký ban đầu để được hỗ trợ theo quy định. Nhiều Công đoàn đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác chăm lo, xử lý kịp thời những tình huống phát sinh từ thực tiễn; hỗ trợ nhiều trường hợp là lao động có hoàn cảnh khó khăn ở ngoài khu vực quản lý, người lao động ở khu vực phi kết cấu (lao động không chính thức).

Nhân viên nhà hàng quận Gò Vấp phát cơm miễn phí cho người nghèo.

Chị Huỳnh Phương Loan là lao động ngoại tỉnh, ở trọ tại Phường 14, quận Gò Vấp, vui mừng khi chủ nhà cùng cán bộ phường, Công đoàn đến thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ là các nhu yếu phẩm cần thiết trước thực hiện giãn cách. Chị Loan cho biết, dịch bùng phát trở lại khiến công việc của chị bị ảnh hưởng rất nhiều. Khi quận Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, gia đình chị càng lo lắng. "Những phần quà hỗ trợ khẩn cấp đã phần nào giúp gia đình vượt qua khó khăn", chị Loan chia sẻ. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở hẻm số 1, đường Nguyễn Văn Yến, quận Tân Phú, cũng nhận được hỗ trợ từ Liên đoàn Lao động quận. 

Để không ai bị bỏ lại phía sau, Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp tiếp tục thực hiện nhiều chuyến xe nghĩa tình tặng hơn 500 phần quà (gồm mì, đường, nước tương, dầu ăn, nhu yếu phẩm), hơn 6.000 kg chuối Nam Mỹ cho người lao động, tổ công nhân tự quản tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly trên địa bàn 14 phường. Liên đoàn Lao động quận Tân Bình, Bình Tân phối hợp cùng chính quyền địa phương tặng nhiều phần quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, người lao động ở các nghiệp đoàn, khu vực phi kết cấu tại các điểm cách ly; vận động các nguồn lực xã hội tổ chức tặng quà cho con em người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong nhà máy, xí nghiệp, khu cách ly nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Đồng hành cùng công nhân, người lao động, Trung tâm Công tác xã hội Công đoàn Thành phố vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm, phương tiện phòng dịch cho công nhân đang làm việc ở các xí nghiệp, nhà máy, đồng thời kết nối các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trao tặng gạo, gel rửa tay, kính ngăn giọt bắn, khẩu trang diệt khuẩn cho cán bộ công đoàn, lực lượng tuyến đầu chống dịch…

Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, các hoạt động hỗ trợ không chỉ diễn ra ở Công đoàn quận, huyện, thành phố, mà nhiều Công đoàn ngành, khối, các đơn vị trực thuộc cũng tham gia với nhiều hình thức khác nhau. Tất cả cùng chung mục tiêu hướng đến những trường hợp khó, người yếu thế trong xã hội, đoàn viên công đoàn, người lao động ở khu vực phi kết cấu.

Bên cạnh việc tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh đã và đang huy động mọi nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh, tránh nguy cơ lây lan trên diện rộng, làm đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế. 

Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp tặng quà lực lược trực tại chốt giao trên đường Huỳnh Văn Nghệ - Phan Huy Ích.

Bà Lê Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch UBND phường Phú Trung, quận Tân Phú, cho biết ngay khi triển khai lực lượng chốt chặn tại các khu cách ly, phường đã chủ động cung cấp các suất ăn cho những người làm nhiệm vụ. Các buổi tối, phường đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho mỗi người. “Phường cũng đã trang bị đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay, dung dịch khử khuẩn và vật dụng để mọi người đảm bảo sức khỏe, an toàn xuyên suốt thời gian làm nhiệm vụ”, bà Lê Thị Tuyến Nhung chia sẻ. 

Ông Phạm Hưng Quốc Bảo, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tân Phú đã chỉ đạo các lực lượng trải đều tại 20 địa điểm, khu vực cách ly trên địa bàn quận với phương châm cả hệ thống chính trị dồn sức tập trung để kiểm soát được dịch bệnh. Trước mắt, quận Tân Phú hỗ trợ các đơn vị tuyến đầu chống dịch như Trung tâm y tế, Bệnh viện, Công an, Quân sự từ 30 - 50 triệu đồng/đơn vị. Ủy ban MTTQ, Liên đoàn Lao động cùng các ngành đã động viên và tặng mỗi chốt chặn khu cách ly 5 triệu đồng. Quận cũng tăng cường lực lượng hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự ngay khi phong tỏa Công ty cổ phần Thiết bị nhà bếp Vina.

Ông Phạm Hưng Quốc Bảo, Phó Bí thư Thường trực quận Tân Phú thăm hỏi, tặng quà các lực lượng chốt chặn tại điểm cách ly trên đường Kênh Tân Hóa.

Chia sẻ với lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, Liên đoàn Lao động thành phố Thủ Đức, Quận 5, 6, 8, 12, Tân Bình, Bình Chánh, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, Công đoàn ngành Y tế thành phố cùng Mặt trận và các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều chuyến thăm hỏi, động viên, tặng quà tại các điểm trực, khu vực bị phong tỏa. Đồng cảm với lực lượng tuyến đầu, ông Trần Đăng Công Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Thành phố khẳng định tổ chức Công đoàn luôn đồng hành, chia sẻ cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Tại điểm chốt ngã tư Ba Làng (giao với quốc lộ 1A, giáp tỉnh Long An) những ngày cuối tháng 5, bên cạnh các chiến sỹ công an, dân phòng, còn có các y, bác sỹ Bệnh viện quận Bình Tân.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thùy Nhiêu, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện quận Bình Tân chia sẻ, ban đầu thấy số lượng tham gia chốt mỏng nên chị cũng ít nhiều lo lắng. Xác định tinh thần "chống dịch như chống giặc", mọi người đã động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời giữ gìn sức khỏe cho bản thân để tiếp tục chiến đấu cho những ngày sắp tới.

Lãnh đạo quận Tân Phú thăm hỏi, động viên các lực lượng tại khu vực cách ly hẻm số 1, đường Nguyễn Văn Yến.

Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Tuấn Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương có mặt tại chốt trực trên Quốc lộ 50 (giáp tỉnh Long An) ngay từ những ngày đầu. Ở đây ngày nắng nóng, đêm lạnh sương nhưng tất cả vì nhiệm vụ chung. Trong quá trình chốt trực, bác sỹ Đỗ Tuấn Linh đã đề xuất lãnh đạo địa phương một số giải pháp cải thiện môi trường, cảnh quan xung quanh khu vực chốt trực.

Giữa lòng thành phố, các lực lượng chốt chặn ở khu vực cách ly cũng đội nắng, dầm mưa. Có nơi có lều, có nơi chỉ là cây dù hay mái hiên nhà nhưng tất cả đều phải đảm bảo có mặt 24/24 giờ. Đại úy Phạm Xuân Kiên cùng ê kíp trực gồm Công an, Quân sự, Ban bảo vệ khu phố tại đầu ngõ hẻm 25/49 và 25/18/6 Nguyễn Minh Châu, phường Phú Trung, quận Tân Phú, cho biết mỗi ngày 3 ca, mỗi ca 3 người trực 8 tiếng. Như vậy, nếu tính chung ở 2 đầu hẻm cần phải có 18 người trực/ngày nên vòng xoay trực rất nhanh.

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại TP Hồ Chí Minh, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên tình nguyện cũng không ngại khó khăn tham gia hỗ trợ cùng lực lượng chức năng, ngành Y tế thực hiện nhiều công việc từ lấy mẫu xét nghiệm cho đến vận chuyển, cung cấp trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho khu cách ly, điểm phong tỏa, chốt kiểm soát trên toàn địa bàn. Họ có mặt ở khắp các “mặt trận” để cùng chung tay giúp Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch COVID-19. 

Phong phú các hình thức nghĩa tình trong mùa dịch tại TP Hồ Chí Minh.

Những ngày này, cứ mỗi buổi sáng, Phó Bí thư Huyện Đoàn Nhà Bè Phạm Minh Tâm lại cùng các đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên của chiến dịch Kỳ nghỉ Hồng tất bật sắp xếp các loại nhu yếu phẩm thiết yếu lên gian hàng của siêu thị 2.000 đồng nhằm hỗ trợ người lao động nghèo, người có thu nhập thấp tại địa phương. Đến gần trưa, anh Tâm cùng các bạn đoàn viên lại khẩn trương đi phát 300 suất cơm cho người dân tại khu phong tỏa, người bán vé số, người vô gia cư và người dân trong khu phòng trọ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn huyện.

Anh Phạm Minh Tâm cho biết, tính đến ngày 17/6, huyện Nhà Bè có 5 khu phong tỏa, 2 khu cách ly của huyện và một khu cách ly của thành phố nằm trên địa bàn. Khu phong tỏa vì dịch COVID-19 lớn nhất mới phát sinh là chung cư Phú Hoàng Anh tại xã Phước Kiển với khoảng 600 người dân. Chính vì thế, công tác hỗ trợ chống dịch của đoàn viên, thanh niên trong huyện phải làm xuyên suốt từ sáng đến đêm.

Anh Tâm chia sẻ, công việc chính của đoàn viên, tình nguyện viên là làm công tác hậu cần, chăm lo đời sống của người dân và hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu chống dịch ở các khu phong tỏa. Mỗi ngày, từ 4-5 giờ, các đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã đi chợ mua rau củ quả và nhu yếu phẩm cung cấp cho siêu thị 2.000 đồng đặt tại xã Hiệp Phước để người dân, công nhân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có thể đến lấy về dùng. Cùng lúc, một nhóm thanh niên tình nguyện khác sẽ tiếp nhận những chuyến hàng là lương thực, gạo và trang thiết bị y tế như tấm chắn giọt bắn, khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay, nước sát khuẩn… do các cá nhân, tổ chức ủng hộ cho công tác chống dịch của huyện. Sau khi kiểm tra số lượng, lập danh sách, các nhóm sẽ chở đi phân phối cho người dân tại các khu phong tỏa, cách ly vì dịch. 

Trong tuần qua, các đoàn viên, thanh niên đã vận động, trao tặng hơn 6.000 vật phẩm, trang thiết bị y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 và người dân ở những nơi cần.

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân mua sắm thực phẩm tại “ Gian hàng 0 đồng”, siêu thị 2.000 đồng.

Chị Lê Thị Hiệp (trú tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) cho biết, từ khi các bạn thanh niên tình nguyện khai trương siêu thị 2.000 đồng ngay tại xã, ngày nào chị cũng dẫn các con đến mua thực phẩm. Chỉ tốn 2.000 đồng làm phí tượng trưng, chị Hiệp có thể mua được nhiều loại rau củ, trứng, đậu hũ, nước tương… mỗi lần mua có thể đủ nấu bữa trưa và bữa tối cho cả gia đình. Bản thân chị bị bệnh, mất sức lao động, chồng làm công nhân xây dựng thời gian qua thu nhập giảm vì dịch, gia đình chị vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Siêu thị 2.000 đồng cùng sự quan tâm hỗ trợ của các bạn đoàn viên, thanh niên đã phần nào giúp chị vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Chị Phạm Thị Thu Dung, Bí thư phường Đoàn Sơn Kỳ (Quận Tân Phú) sắp xếp các loại thực phẩm tại “Gian hàng 0 đồng” hỗ trợ người dân.

Quận Tân Phú cũng là một trong những “điểm nóng” về dịch COVID-19 của TP Hồ Chí Minh. Lực lượng đoàn viên, thanh niên địa phương luôn phải hoạt động hết công suất để cùng tham gia trên các mặt trận chống dịch.

Bí thư Đoàn phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) Phạm Thị Thu Dung cho biết: Thời gian biểu của các đoàn viên, thanh niên tình nguyện tại đây bắt đầu vào khoảng 4 giờ mỗi ngày để sắp xếp nhu yếu phẩm lên gian hàng 0 đồng cho người dân ở khu vực phong toả của phường, sau đó hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường nấu bữa sáng mang đến cho lực lượng trực tại chốt cách ly, phong toả. Trong ngày, đoàn viên, thanh niên tiếp tục vận chuyển, phân phát dụng cụ bảo hộ y tế, nước rửa tay, gạo, nhu yếu phẩm… cho hộ nghèo, người lao động bị mất việc làm vì dịch... Tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc tối, các bạn trẻ cắt, may khẩu trang để trao tặng cho người dân. Công việc tất bật từ sáng sớm đến tận đêm khuya nên nhiều tình nguyện viên chọn cách ngủ lại điểm trực, ít khi về nhà.

Đoàn viên thanh niên vận chuyển nhu yếu phẩm đến cho người dân tại các khu vực bị phong tỏa.

Chị Phạm Thị Thu Dung cho biết, bên cạnh hoạt động chăm lo cho người dân, các đoàn viên, thanh niên sẵn sàng hỗ trợ ở các chốt chặn, cùng lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 nếu xuất hiện ca mắc COVID-19. Công việc luôn tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định nên không tránh khỏi sự e ngại, lo lắng từ phía gia đình nhưng các bạn đoàn viên đều động viên người thân rằng “chống dịch như chống giặc”, tuổi trẻ càng không nên ngại khó, ngại khổ mà cống hiến hết mình, vì dân phục vụ, cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Hè tình nguyện chống dịch của thanh niên TP Hồ Chí Minh:

Để đảm bảo quyền lợi cho công nhân người lao động và phối hợp cùng doanh nghiệp đảm bảo tiền lương trong thời gian người lao động ngừng việc do thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19, ngày 16/6, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi đến các tổ chức Công đoàn trực thuộc và các đơn vị liên quan về việc thực hiện quy định tiền lương ngừng việc do dịch COVID-19.

Theo đó, người lao động đang phải ngừng việc vì thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ hoặc bị cách ly tại khu nhà trọ, khu lưu trú, khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp... phải ngừng việc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hưởng tiền lương ngừng việc theo quy định tại khoản 3, Điều 99, Bộ luật Lao động 2019.

Các hoạt động hỗ trợ người dân trong mùa dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc. Cụ thể, trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu. Riêng trường hợp người lao động phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc, Công đoàn cơ sở chủ động vận động, thương lượng doanh nghiệp hỗ trợ trả tiền lương ngừng việc cùng người lao động vượt qua khó khăn.

Ông Phạm Chí Tâm cũng yêu cầu các cấp Công đoàn thành phố thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 theo nội dung Quyết định 2606/QĐ-TLĐ 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công văn 374/LĐLĐ-CSPL của Ban Chính sách pháp luật hoặc phương án số 3 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố về việc hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ khẩn cấp.

Đoàn viên thanh niên quận Tân Phú tặng nhu yếu phẩm cho cho người lao động trên địa bàn bị mất việc làm vì dịch bệnh.

Tính đến ngày 16/6, các cấp Công đoàn thành phố đã chăm lo cho gần 2.000 đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp, các khu lưu trú, khu nhà trọ bị cách ly; chi hỗ trợ hơn 600 trường hợp khó khăn theo Quyết định 2606/QĐ-TLĐ; tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà cho hơn 100 đơn vị là lực lượng phòng, chống dịch tại địa phương với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh hiện có 1,6 triệu lao động, trong đó có trên 280.000 công nhân lao động đang làm việc tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ ngày 27/5 đến nay, Công đoàn các cấp đã ghi nhận trên 60 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trên 90 trường hợp F1, trên 300 trường hợp F2 và trên 550 trường hợp F3.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh vừa trình Ủy ban nhân dân Thành phố gói an sinh xã hội 1.075 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19 trong năm 2021. Trong đó, kinh phí từ ngân sách thành phố hỗ trợ các nhóm đối tượng là hơn 905 tỷ đồng, số còn lại được ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc.

Xác nhận thông tin trên, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, gói an sinh xã hội này sẽ được Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh thông qua tại kỳ họp vào cuối tháng 6 này. Đây là gói an sinh xã hội thứ hai mà thành phố sẽ triển khai sau gói an sinh xã hội đã thực hiện trong đợt dịch đầu tiên vào năm 2020.

Theo đó, gói hỗ trợ sẽ dành cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn hợp đồng từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5 đến ngày 31/12/2021. Trong đó, có trên 42.500 người lao động làm việc trong 1.365 đơn vị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dự kiến sẽ hỗ trợ một lần là 3 triệu đồng/người.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố tiếp nhận bảng tượng trưng ủng hộ kinh phí phòng, chống COVID-19 và trao thư cảm ơn đến các doanh nghiệp, nhà tài trợ.

Thống kê trường hợp là giáo viên, nhân viên, bảo mẫu có trên 23.100 người đang làm việc tại 1.777 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với mức hỗ trợ dự kiến một lần là 2 triệu đồng/người. Đề xuất hỗ trợ khoảng 2.000 người người lao động chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức hỗ trợ một lần là 2 triệu đồng/người.

Riêng các trường hợp lao động nữ đang mang thai và hoặc nuôi con dưới 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Các trường hợp là trẻ em mắc COVID-19, phải cách ly tại các cơ sở cách ly y tế tập trung có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đề xuất hỗ trợ tiền ăn 90.000 đồng/em/ngày, thời gian tối đa 21 ngày.

Về việc cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trả lương ngừng việc cho người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố đề xuất được vay ưu đãi, không phải bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động phải ngừng việc. Mức được vay bằng mức lương ngừng việc thực tế nhưng không quá mức lương tối thiểu vùng và thời gian thụ hưởng chính sách tối đa 3 tháng. Thời hạn vay tối đa 12 tháng với lãi suất 0%, người sử dụng lao động không phải bảo đảm tiền vay.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh (giữa) kiểm tra chất lượng các suất ăn gửi đến lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đối với hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động từ ngày 22/5 theo chỉ đạo của thành phố để phòng, chống dịch được đề xuất hỗ trợ trực tiếp 2 triệu đồng/hộ/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng. Các trường hợp là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bị giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội dự kiến sẽ hỗ trợ 230.000 người, mức hỗ trợ một lần là 1,5 triệu đồng/người.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố cũng đề xuất, người có công với cách mạng hưởng trợ cấp hằng tháng, thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, thân nhân người có công hưởng trợ cấp hằng tháng, vợ hoặc chồng liệt sĩ có chồng hoặc vợ khác hưởng trợ cấp hằng tháng được đề xuất hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Các thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đề xuất hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng; người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng. Tất cả các trường hợp này sẽ chi trả một lần cho 3 tháng liên tục.

Bài: Thanh Vũ
Ảnh: TTXVN - TTXVN phát; Video: Vnews
Biên tập: Hà Phương
Trình bày: Hà Nguyễn

19/06/2021 09:10